Ông David Nguyễn: Nhiều người chọn trở về như tôi

Ông David Nguyễn (áo thun sọc ngang) cùng các kiều bào trong chuyến ra thăm đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, Khánh Hòa). Ảnh: Pháp Luật TPHCM
Ông David Nguyễn (áo thun sọc ngang) cùng các kiều bào trong chuyến ra thăm đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, Khánh Hòa). Ảnh: Pháp Luật TPHCM
Hãy về Việt Nam, nhìn Việt Nam bằng hai mắt, nghe bằng hai tai, đừng đứng bên kia mà phán xét như thế! ông David Nguyễn, Trưởng ban vận động và tổ chức bầu cử hội đồng đại diện cộng đồng người Việt ở Houston và vùng phụ cận ở Mỹ, nói.

Trở về từ chuyến thăm Trường Sa vừa rồi của đoàn kiều bào (do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu), ông David Nguyễn đã có những chia sẻ thẳng thắn với Pháp Luật TP.HCM về những suy nghĩ của mình.

Không muốn bịt mắt mình

Phóng viên: Từng chống đối chính quyền Việt Nam sau 1975 trong một thời gian dài, tại sao ông lại quay về?

Ông David Nguyễn: Cuối năm 1975 cho đến những năm 2000, tôi vẫn là người nhìn Nhà nước Việt Nam với quan điểm bất đồng do thông tin tôi nhận được về những gì diễn ra trong nước chỉ có một chiều. Từ năm 2000 đến nay, tôi đã trở về Việt Nam nhiều lần để tìm sự thật và muốn giúp đỡ đất nước.

Cụ thể, tôi đã phối hợp mở một trường ĐH trong nước vì nghĩ rằng dân trí là quan trọng, nếu Việt Nam có dân trí cao thì nền kinh tế sẽ vững chắc hơn, đất nước sẽ vững mạnh hơn.

Ông David Nguyễn: Nhiều người chọn trở về như tôi ảnh 1 Ông David Nguyễn

Vậy sự thật mà ông tìm hiểu đã cho ra kết quả thế nào so với suy nghĩ trước đây của mình?

Về nước, tôi thấy thực tế rất khác với những gì tôi được nghe. Người dân sống bình yên, tự do làm ăn. Ở Mỹ, những năm gần đây, hàng hóa made in Vietnam tràn ngập ở những quầy hàng. Những năm trước thì chủ yếu hàng Hàn Quốc, Trung Quốc, nay thì hàng Việt Nam rất nhiều. Đó là sự thay đổi, tôi phải khâm phục.

Điều tôi lo nhất là “biển Đông có bị dâng cho nước khác” không thì nay tôi cũng đã thực tế chứng kiến không phải vậy. Đi Trường Sa, tôi thấy ngược lại với hình dung của tôi ban đầu.

Trong chuyến đi vừa rồi, tôi đã hỏi thăm rất nhiều chiến sĩ, người dân và thấy tình quân dân thật là gắn bó, thấy được điều kiện sống trên đảo còn khó khăn hơn trong đất liền nhưng các chiến sĩ và đồng bào trên đảo luôn tìm cách thích nghi và vượt qua, yêu đời và quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Để có được tâm thế đó không phải dễ, không phải ai cũng làm được, kể cả tôi. Vì vậy, quan điểm của tôi là không thể nào bưng bít sự thật được. Quan điểm của tôi là phải chọn sự thật, không được bóp méo sự thật.

Mặt khác, sau 39 năm, tất cả anh em như tôi, bạn bè tôi đã mệt mỏi về sự bưng bít, thiếu thông tin từ những người bên hải ngoại đưa ra.

Vì sao họ phải bóp méo sự thật, thưa ông?

Vì họ đứng ở bên kia chiến tuyến về chính trị với Nhà nước Việt Nam nên thông tin đưa ra chỉ theo chiều hướng có lợi cho họ chứ họ không nêu lên sự thật.

Họ hay lấy một, hai chi tiết trong toàn cục vấn đề để thông tin theo chiều hướng có lợi cho họ - họ mà tôi muốn nói đây không phải kiều bào nói chung mà là các đảng phái chính trị vẫn nuôi ý tưởng chống đối Nhà nước Việt Nam. Còn tôi, tôi mong muốn được tiếp cận thông tin hai chiều.

Nhưng họ cho như thế là mình đang “yêu nước”?

Họ ở bên kia bờ đại dương, họ nói yêu nước. Tại sao không về đây để thấy người dân đang sống yên lành với những điều rất cao quý mà ở nước ngoài tôi chưa bao giờ nghĩ đến.

Những quán cơm 2.000 đồng/dĩa cho người nghèo. Những người đi hiến máu nhân đạo cả mấy trăm lần để cứu đồng bào mình. Những người mù nghèo được mổ mắt miễn phí để mà nhìn thấy ánh sáng cuộc đời…

Tôi thấy họ nên quay về, làm một điều gì đó cụ thể có ích hơn là đứng bên kia mà phản đối.

Tôi xác nhận với cô rằng những người biểu tình, chống đối đó chưa bao giờ về Việt Nam. Hiện thời số người biểu tình, chống đối rất ít. Thời xưa, cách đây 10 năm, tôi kêu gọi biểu tình 1.000 người rất dễ dàng. Giờ kêu gọi biểu tình 100 người là rất khó.

Biểu tình trước Lãnh sự quán tại TP Houston bây giờ mỗi lần chỉ khoảng 20-30 người. Hình ảnh rất rõ ràng, đã được chiếu lên các đài truyền hình bên đó. Con số từ vài ngàn người mà giờ chỉ còn vài chục người thì đã nói lên tất cả rồi.

Theo ông vì sao số lượng người biểu tình, chống đối ngày càng ít đi?

Tại vì nhiều người đã về Việt Nam và họ thấy sự thật. Không ai có thể bóp méo sự thật được. Vả lại, sau 39 năm, họ cứ kêu gào mãi rồi cuối cùng cũng phải đặt câu hỏi là để làm gì? Để được cái gì? Họ phải tự nhìn lại mình để thay đổi. Thay đổi bằng cách hãy về Việt Nam.

Khi nhìn thấy sự thật rồi thì lúc đó hãy nói chuyện, tìm cách để làm cho đất nước tốt hơn. Ở bên kia bờ đại dương, khi có thông tin gì tiêu cực trong nước thì làn sóng phẫn nộ ghê gớm lắm, lây lan kinh khủng lắm do chỉ được nghe thông tin một chiều. Tôi đồng ý phải có phản biện, vì tinh thần dân chủ. Nhưng người ta không làm như vậy hoặc người ta làm một mà xích lên 10 thì không ổn rồi.

Muốn đại đoàn kết phải có thiện chí

Chuyến đi thăm Trường Sa vừa rồi của kiều bào cũng là một trong những thông điệp của đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, có ý kiến từ hải ngoại cho rằng muốn đại đoàn kết thì chính phủ Việt Nam phải xin lỗi kiều bào. Quan điểm ông về vấn đề này ra sao?

Tôi không quan tâm đến lời xin lỗi. Tôi quan tâm hành động. Người ta đã hành động, đã làm cho đất nước tốt hơn nhiều. Không ai không mong muốn đất nước thống nhất, phát triển, phồn vinh.

Chúng ta có cả triệu người ra đi và việc đứng ra chống đối đã 39 năm rồi. Họ muốn gì? Họ muốn về đây để tiếp tục ăn trên ngồi trốc, tiếp tục có chức quyền trong cái gọi là Việt Nam Cộng hòa. Theo tôi thì không cần Việt Nam Cộng hòa hay gì cả, chỉ cần 90 triệu người dân ở trong nước này sống ra sao, có an dân không, có sống vui không.

Nếu chúng ta tranh đấu thì tranh đấu cho 90 triệu người ở trong nước; tranh đấu cho những vấn đề, những điều còn tồn tại của Nhà nước. Tôi nói thật: Tôi không muốn các anh đứng ngoài đó tiếp tục biểu tình. Hãy về Việt Nam, nhìn Việt Nam bằng hai mắt, nghe bằng hai tai, đừng đứng bên kia mà phán xét như thế!

Để đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, theo ông cần những gì?

Đại đoàn kết tức là phải có thiện chí cả hai phía. Quý vị ở hải ngoại cứ nói mà không trực tiếp đối thoại thì làm sao người ta hiểu, biết được. Mình cũng phải nghe bên kia họ nói cái gì chứ. Khi nói chuyện thì tôn trọng nhau, lắng nghe ý kiến của nhau và phải có trách nhiệm. Phải đi vào sự thật, không thể đem dữ liệu mơ hồ để nói chuyện.

Một điều quan trọng nữa là phải trung thực. Có một số người gọi là đại diện cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại, ngồi nói chuyện với Nhà nước Việt Nam thế này, sau đó đi ra ngoài nói lại với cộng đồng thế khác. Cái đó gọi là mị dân, không nói đúng sự thật.

Ông cho rằng con đường đại đoàn kết đang ở điểm nào rồi?

Chúng ta đang ở chỗ khởi điểm của con đường dẫn tới đại đoàn kết, ngọn nến đã được thắp lên. Nhà nước Việt Nam đã đưa tay ra và nói rằng muốn đại đoàn kết. Còn phía bên kia bờ đại dương thì có nhiều người đã muốn bắt tay, con số đó mỗi ngày một gia tăng.

Nhiều người đã chọn trở về, họ muốn được sống ở Việt Nam, đóng góp cho Việt Nam. Con số biểu tình chống đối chỉ là thiểu số. Sẽ có những người trong thiểu số đó không đồng ý đối thoại với Nhà nước Việt Nam nhưng phần lớn họ lại là lớp người già rồi.

Tôi không đi Trường Sa họ cũng chống đối, tôi đi họ cũng chống đối. Tôi làm gì họ cũng chống đối, nói tôi là cộng sản. Tôi mong cộng đồng hải ngoại hãy lắng nghe hơn, tìm sự thật đi, bỏ đi những hằn học, cứ về đi rồi tìm ra chân lý. Ở đâu cũng có chống đối. Ngay cả ở Mỹ, ông Obama cũng bị chống đối nhưng hãy nhìn đi, ông Obama đã làm tổng thống hai nhiệm kỳ rồi.

Tôi không quan tâm tới thiểu số đó. Tôi chỉ quan tâm tới những người thật sự yêu nước, thực sự muốn giải quyết vấn đề, muốn ngồi lại với nhau.

Xin cảm ơn ông.

Theo Thanh Mận

Theo Pháp luật TPHCM
MỚI - NÓNG