“Ông chủ” nhỏ 10 ứng dụng ở kho Google Play

Em Trần Lê Duy (bên trái) và thầy Võ Việt Dũng kiểm tra một số phần mềm đã lập trình. Ảnh: Kim Hà.
Em Trần Lê Duy (bên trái) và thầy Võ Việt Dũng kiểm tra một số phần mềm đã lập trình. Ảnh: Kim Hà.
TP - Có những lúc rơi vào tuyệt vọng, bế tắc nhưng với niềm đam mê công nghệ thông tin, cậu học trò Trần Lê Duy (lớp 12B2, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã vượt qua chính mình, sáng tạo viết nhiều phần mềm giải toán, phần mềm máy tính đa năng được đưa vào kho Google Play với hơn 3.000 lượt tải về mỗi ngày.

Tìm hướng đi đúng

Gặp Trần Lê Duy thoạt nhìn không ai nghĩ cậu lại là một lập trình viên có 10 phần mềm ứng dụng được đưa vào kho Google Play. Duy nhỏ thó, gầy gò, duy chỉ có vầng trán cao rộng. Bố mẹ Duy chia tay nhau khi cậu đang học cấp 2. Duy ở với mẹ. Lên lớp 8, Duy bắt đầu được làm quen với máy tính và học lập trình Pascal. Cũng từ đây cậu tìm thấy niềm vui ở chiếc máy tính và bắt đầu mày mò lập trình. Cái đam mê lập trình ngấm vào cậu tự lúc nào không hay. “Khi còn học ở bậc THCS, trường thuộc diện vùng sâu, vùng xa, tụi em không có nhiều điều kiện tiếp xúc với máy tính để thực hành. Hồi đó tụi em học lập trình chủ yếu trên lý thuyết thôi”, Duy nhớ lại.

Lên cấp 3, thấy con mê lập trình, mẹ Duy quyết định lấy khoản tiền gom góp từ đồng lương công nhân ít ỏi mua một chiếc máy tính cho Duy. “Khi có máy tính, em bắt đầu lên mạng tìm hiểu những kiến thức về lập trình. Phần mềm đầu tiên em tạo ra là phần mềm quản lý nhân sự”, Duy chia sẻ.

Duy cho biết, trong quá trình học tập em đã tham khảo nhiều kiến thức từ các thầy cô trong trường về lập trình và lên mạng tìm tòi học hỏi. “Lượng kiến thức trên internet rất nhiều và rất mông lung nên thời gian đầu em chưa định hướng được đâu mới là nguồn phù hợp với mình. Do đó, em học lan man suốt nửa năm trời mới tìm được hướng đi đúng”, Duy nói.

 Không bỏ cuộc

Nhận thấy hiện mỗi học sinh đều có một chiếc smartphone, mà hầu hết là điện thoại sử dụng hệ điều hành Android nên Trần Lê Duy đã tận dụng sự tiện ích đó và quyết định phát triển trên nền tảng di động này. Duy đã xây dựng phần mềm tự học trên smartphone, giúp học sinh có thể học tập mọi lúc mọi nơi.

Cậu học sinh trung học bắt đầu viết phần mềm máy tính đa năng Ncalc+. Phần mềm này cho phép người dùng thực hiện: Giải phương trình, hệ phương trình từ đơn giản đến phức tạp một cách nhanh chóng; vẽ đồ thị hàm số 2D – 3D, hình học; nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng giọng nói như một chiếc máy tính thực sự. “Khi cho ra sản phẩm, em nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ, đánh giá cao của các bạn trong trường cũng như người dùng trên Google. Chính em cũng không ngờ phần mềm của mình lại được mọi người quan tâm đến như vậy”, Duy nói.

Không dừng lại, Duy dành 18 tháng sau đó để lên ý tưởng và cho ra đời phần mềm giúp người dùng học về Pascal trên chính chiếc điện thoại di động của mình. Với ứng dụng của Duy, người dùng có thể thực hành các bài lập trình cơ bản bất cứ lúc nào họ muốn mà không cần sử dụng máy tính.

Cứ thế, đến nay Duy đã lần lượt cho ra đời 10 phần mềm và tất cả đều được Google Play xét duyệt đưa vào kho ứng dụng. “Em gặp rất nhiều trục trặc trong quá trình update ứng dụng, vì các chính sách của Google rất chặt chẽ. Ví dụ như phần nội dung các ứng dụng của em bị vi phạm bản quyền mà em không biết thì nó sẽ gỡ ứng dụng mà không cần báo lý do để tác giả sửa chữa. Cứ bị gỡ lên gỡ xuống hoài, nhiều khi em cũng thấy tuyệt vọng, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Em chỉ còn cách tự an ủi mình phải tiến lên, tìm cách sửa lại cho phù hợp vì sản phẩm của mình đã được nhiều người biết đến và có hàng trăm ngàn lượt tải về. Hơn nữa, đó là cả quá trình em nghiên cứu trong một thời gian dài nên không thể bỏ cuộc được”, Duy chia sẻ.

Trước những nỗ lực không ngừng sáng tạo các phần mềm, Trần Lê Duy đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng. Duy đã được trao hơn 10 giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 13 năm 2017 với phần mềm máy tính đa năng Ncalc+. Duy cũng đã được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo.

Hiện các phần mềm Ncalc+ và Pascal N-IDE luôn đứng top với hơn 3.000 lượt tải về mỗi ngày, mang lại cho Duy thu nhập mỗi tháng khoảng 1.500 USD.

Trao đổi với Tiền Phong, thầy Võ Việt Dũng, tổ trưởng bộ môn Tin học, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận xét: “Em Duy đến với lập trình với thời gian rất ngắn. Để đạt được thành tích này cũng không phải dễ dàng, em phải bỏ ra công sức rất lớn cộng với tính cần cù thông minh và đặc biệt rất đam mê về công nghệ mà không phải em học sinh nào cũng có được. Là người hướng dẫn em, tôi luôn quan tâm, hỗ trợ hết mình về mặt kiến thức, cũng như truyền đạt kinh nghiệm để em phát triển tốt kĩ năng lập trình. Sắp tới tôi sẽ hướng cho em Duy nghiên cứu một số ứng dụng thiết thực trong thời đại công nghệ 4.0”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.