Ông chủ của 100 ha rừng
> Ông chủ trẻ 'chân đất' vươn tầm quốc tế
Học hành dang dở nên anh Trần Văn Điện, ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây, H.Tây Hòa (Phú Yên) đã quyết tâm khởi nghiệp khi mới 17 tuổi. Bây giờ ở tuổi 30, trong tay anh có một cơ ngơi khiến nhiều người phải khâm phục.
Mỗi năm, anh Điện thu hơn 80 triệu đồng từ vườn tre lấy măng. Ảnh: Đức Huy. |
Cha Điện mất sớm nên chuyện học của anh cũng vì thế mà dang dở theo. Nghỉ học, anh chẳng biết làm gì vì chẳng có nghề nghiệp, khi trong tay chỉ có vài ba triệu đồng từ mẹ cho để làm hành trang vào đời. Nhìn cuộc sống hiện tại khó khăn, Điện đã nung nấu ý chí làm giàu. Ban đầu, anh cũng chỉ dám đặt mục tiêu nho nhỏ kiếm vài chục triệu đồng để cưới vợ.
Thời điểm này, ở vùng quê miền núi xã Hòa Mỹ Tây có phong trào trồng rừng, nhưng cũng vì thua lỗ nặng nên nhiều người đã “bán đổ bán tháo” rừng trồng. Nắm trong tay chỉ từng ấy tiền, Điện mạnh dạn nghĩ: “Người ta mua rừng, khai thác bán có lãi. Tại sao mình cùng không làm theo”. Vốn ít, anh làm theo kiểu “cò con”. Trong khi những “lái rừng” mua cả chục ha thì anh chỉ mua vài ha, trả một ít trước và nợ lại, sau đó khai thác rừng, bán xong thì trả nợ dứt điểm.
Với phương châm: “Tích lũy từ cái nhỏ, lấy ngắn nuôi dài”, Điện bắt đầu tích cóp được một ít vốn. Và hễ ai kêu bán đất rừng, anh đều mua lại, rồi đầu tư trồng rừng, nhưng kế hoạch làm giàu vẫn cứ ì ạch. Điện tâm tình: “Lúc đó, tui cứ vò đầu, bứt tai suy nghĩ mãi. Nếu chỉ làm một việc thì không thể nào có vốn lớn được, mà phải làm nhiều việc khác nữa. Tích lũy mỗi việc một ít thì mới có số tiền lớn mua đất trồng nhiều rừng”.
Trăn trở mãi, sau đó Điện hoãn kế hoạch mua đất mở rộng trồng rừng mà chuyển sang mua đất trồng mì, tre lấy măng, nuôi gà, nuôi heo... Anh tranh thủ những lúc không làm “lái rừng” đến Nông trường Sơn Thành tìm hiểu về cách trồng tre lấy măng. Vườn gia đình rộng hơn 1 ha nên anh đầu tư trồng tre lấy măng kết hợp với gà thả vườn. “Trồng tre lấy măng cho thu nhập khá cao, nhưng ít đầu tư chăm sóc hơn. Một năm, măng chỉ khai thác được 8 tháng, nhưng mỗi tháng thu hoạch gần 1,5 tấn. Giá thị trường dao động từ 7.000-8.000 đồng/kg thì thu khoảng 96 triệu đồng. Trừ phân bón, công chăm sóc, mỗi năm kiếm lãi hơn 80 triệu đồng”, anh Điện tâm sự.
Anh chàng ham làm này cũng đã đầu tư 15 ha mì (sắn) ngay trong khu vực đất trồng rừng. Mỗi vụ, anh thu hoạch được 375 tấn mì, lãi chừng 300 triệu đồng. Tất cả những thu nhập kiếm được, Điện lại đầu tư vào mua đất trồng rừng. Hiện giờ, trong tay anh Điện có hơn 100 ha tại xã Hòa Mỹ Tây để trồng xà cừ, keo lá tràm và bạch đàn từ 2-3 năm tuổi. Anh Điện bật mí: “Vừa rồi có người hỏi mua toàn bộ diện tích rừng của tui giá hơn 5 tỉ đồng, nhưng tui không bán. Nhiều người giục tui bán, lấy tiền xây nhà, gửi ngân hàng kiếm lãi. Nhưng tui nghĩ, mình lăn lộn, trải qua 13 năm “sinh tử” vì rừng nên không đành bán nó được. Mình làm được thì tiền sẽ sinh ra tiền, giá trị của rừng sẽ tăng theo thời gian và rừng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho môi trường”.
Không những gạt bỏ những lời xúi giục bán rừng, anh Điện lại có ý tưởng đầu tư, biến cả khu vực rừng 100 ha thành khu sinh thái. “Khu vực rừng của tui khá đẹp, có hồ nước rất hợp để làm khu sinh thái. Hiện giờ khó khăn nhất là vốn để đầu tư làm đường, vì chi phí cả tỉ đồng. Bây giờ chưa thể làm được, nhưng tui quyết tâm sẽ làm”, anh Điện quả quyết với ý tưởng của mình. Vì mải mê theo đuổi làm giàu, nên đến giờ Điện vẫn độc thân.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, hằng năm, anh Điện đóng góp kinh phí cho xã để tu bổ đường giao thông nông thôn. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây, cho biết: “Anh Điện là nông dân sản xuất giỏi của xã, huyện, được giới thiệu để báo cáo gương nông dân sản xuất giỏi khu vực miền Trung - Tây nguyên. Mỗi năm anh Điện thu nhập gần 500 triệu đồng, chưa tính đến khi thu hoạch rừng trồng”.
Theo Đức Huy
Thanh Niên