Ông Biden mâu thuẫn trong thái độ với Nga: Vừa mời họp thượng đỉnh đã áp lệnh trừng phạt

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: RT
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: RT
TPO - Chỉ một tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nói rằng ông tin người đồng cấp Nga - ông Vladimir Putin là “kẻ sát nhân”. Nhưng vào thứ Ba, ông Biden đã nói chuyện với ông Putin qua điện thoại, và đề xuất gặp mặt trực tiếp trong tương lai gần.

Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Putin - Biden sẽ không diễn ra trong tương lai gần.

Điều đó không có nghĩa là Moscow dứt khoát từ chối gặp gỡ ông Biden, nhưng Điện Kremlin dường như không thích Tổng thống Mỹ vào thời điểm này.

Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Mỹ sắp công bố một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, bao gồm trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga.

“Nhất quán nói chung là một điều tốt. Đáng buồn thay, chính sách của Mỹ đối với Nga dường như không nhất quán. Họ trao nhành ô liu, rồi lập tức vung gậy”, theo Paul Robinson, Giáo sư Đại học Ottawa.

Về cơ bản, Mỹ luôn coi Nga là đối tượng thách thức "trật tự thế giới mới" của Mỹ.

Ngoài ra, đảng Dân chủ, hiện nắm giữ cả chức vụ Tổng thống và Quốc hội Mỹ, tin rằng Nga, và cụ thể là ông Vladimir Putin, chịu trách nhiệm về chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Chính trị Mỹ không cho phép bất cứ điều gì khác, ngoài một chính sách thù địch nhằm vào Nga. Đây là mặc định.

Bản Đánh giá Mối đe doạ Hàng năm mới nhất của cộng đồng tình báo Mỹ đã dành toàn bộ một chương cho “các hành động khiêu khích của Nga”. Trong đó tuyên bố “Moscow sẽ sử dụng một loạt các công cụ - đặc biệt là các chiến dịch gây ảnh hưởng, phối hợp tình báo và chống khủng bố, viện trợ quân sự và các cuộc tập trận kết hợp, đánh thuê và bán vũ khí - để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc làm suy yếu lợi ích của Mỹ và các đồng minh.”

Do đó, Mỹ “phải đáp trả Nga để trừng phạt hành vi gây hấn của nước này, và ngăn chặn Moscow có các hành động tiếp theo”.

Trong bối cảnh này, cuộc gọi điện thoại và đề nghị bình thường hóa quan hệ của ông Biden là hơi lạc lõng. Nguyên nhân dẫn đến động thái bất thường của Mỹ có thể là do tình hình Ukraine.

Chiến sự ở Donbass giữa chính phủ Ukraine với lực lượng ly khai đã nóng lên đáng kể từ đầu năm. Hai bên thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

Ukraine được cho là đã chuyển các thiết bị hạng nặng bổ sung đến gần tiền tuyến. Trong khi đó, Moscow đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự gần biên giới Ukraine, có thể nhằm ngăn chặn Ukraine tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào lực lượng ly khai.

Nhân cơ hội này, báo giới phương Tây cáo buộc Nga có thể mở một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Ukraine. Trong khi đó, các nhà bình luận thân Nga lại đổ lỗi cho Mỹ, cáo buộc Mỹ kích động Ukraine.

Và cuộc điện thoại của ông Biden cho thấy Mỹ dường như đang muốn lùi lại một bước để làm dịu tình hình.

Nói cách khác, dù ông Biden coi Nga là kẻ thù và quyết tâm đẩy mạnh một đường lối cứng rắn chống lại nước này. Nhưng ông vẫn không muốn chiến tranh, và không muốn bị nói rằng mình đẩy Ukraine vào một cuộc chiến với Nga.

Cuộc điện đàm và lời đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh có thể được coi là một hình thức “xử lý khủng hoảng”, nhưng không phải là dấu hiệu cho thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong chính sách tổng thể.

Việc Điện Kremlin không hào hứng chấp nhận lời đề nghị gặp mặt đã chứng minh cho điều này. Moscow chắc chắn có cảm thấy hài lòng khi ông Biden có gắng giảm leo thang tình hình, nhưng họ dường như vẫn nghi ngờ về những gì thu được từ một hội nghị thượng đỉnh.

Nếu ông Biden có thể thuyết phục Điện Kremlin rằng ông nghiêm túc trong việc đạt thỏa thuận với Nga về các vấn đề cụ thể, thì thái độ của họ chắc chắn sẽ thay đổi. Nhưng hiện tại, thật khó để vừa thuyết phục Nga, lại vừa áp lệnh trừng phạt để đe dọa.

Nga chắc chắn ủng hộ một cuộc đối thoại thực sự, nhưng họ không quá mong chờ điều đó. Phản ứng của Nga đối với lời đề nghị hội nghị thượng đỉnh cho thấy rằng Nga sẵn sàng đối thoại, nhưng chỉ với vị thế bình đẳng.

Trái lại, Mỹ dường như nghĩ rằng họ có thể kéo Nga vào bàn đàm phán với các điều kiện của riêng mình. Đây là một sai lầm sâu sắc. Câu hỏi duy nhất là người Mỹ sẽ mất bao lâu để nhận ra sai lầm của mình.

Theo RT
MỚI - NÓNG