Ông bí thư đi xe đạp
> Cán bộ xã phải thuê học sinh ...đánh văn bản
> Dân tố bị cướp xe trước nhà chủ tịch xã
Hai giờ đi về hằng ngày là hành trình đều đặn suốt bốn năm qua của ông Kiệt từ khi nhận nhiệm vụ “đầu tàu” của xã nghèo nhất TP.
Hình ảnh ông bí thư kiêm chủ tịch xã Thạnh An ngày thường. |
Đời sống của dân khấm khá
Đò cập bến, chúng tôi đi bộ cùng ông đến trụ sở UBND xã. Suốt dọc đường, ông Kiệt không ngớt chào hỏi người dân hai bên đường. Có lúc, ông dừng lại trả lời thắc mắc của dân vì “tiện gặp chủ tịch hỏi luôn” như lời một người dân.
Giữa năm 2009 ông được giao chức bí thư kiêm chủ tịch UBND xã. Nhiệm vụ đầu tiên trong đầu ông khi đặt chân về đảo là thay đổi tập quán mưu sinh của người dân. Bao đời nay người dân xã đảo đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Tất cả đều phụ thuộc thiên nhiên. Ông Kiệt muốn người dân phải chủ động làm ăn, hạn chế phụ thuộc vào thời tiết.
Thời điểm năm 2008, do sông Thị Vải bị ô nhiễm nên người dân bỏ nghề nuôi trồng. “Tôi phải đi vận động từng nhà quay lại nghề nuôi trồng và cấp phép nhanh nhất, có khi mang đến tận nhà dân” - ông Kiệt nói.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Nguyễn Xuân Tỵ, một hộ nông dân nuôi hàu thành công, cho biết ông Kiệt đã tiếp sức, động viên ông mạnh dạn nuôi hàu sau bảy năm “ở không”.
“Anh Kiệt mang tài liệu cho tôi học hỏi, thường xuyên hỏi thăm tình hình xem tôi có gặp khó khăn để có cách hỗ trợ” - ông Tỵ nói. Phong trào nuôi trồng thủy sản trên đảo được khơi lại, hiện có trên 40 hộ nuôi cá, hàu, tôm.
Ông Hai Quang, ấp Thạnh Hòa, kể lúc trước nhà chỉ có một chiếc ghe, sau ông được ông Kiệt phổ biến chính sách hỗ trợ đánh bắt cá, ông vay 12 triệu đồng và đến nay từ nguồn vốn đó nhà ông đã có ba chiếc ghe, kinh tế khấm khá lên. “Từ lúc anh Kiệt về, xã đảo thay da đổi thịt hẳn” - ông Hai Quang nói.
Ở cùng dân
Thời gian đầu về đảo, có lần ở bến đò ông nghe người dân nói loáng thoáng hờn mát: “Mấy ông huyện sáng qua, chiều về chứ có ai ở lại đây đâu mà biết đời sống của dân”. Ông quyết định thay đổi suy nghĩ đó. Mỗi tuần hai đêm, ông ở lại đảo.
Ông xuống gặp dân, trưởng ấp để tâm tình, hỏi chuyện đời sống và những chính sách.
Chị Nguyễn Thị Thanh Đạm - phó chủ tịch HĐND xã Thạnh An - kể một lần ông Kiệt đi thăm những hộ giữ rừng ở ấp Thiềng Liềng - ấp đảo cách trung tâm xã gần một giờ đi đò, người dân nói: “Giờ mới biết mặt chủ tịch” vì trước đó cán bộ xã vào rừng thăm hỏi người dân rất ít. Từ đó trở đi, mỗi tháng ông Kiệt xuống ấp Thiềng Liềng một hai lần.
Cũng do chứng kiến cảnh dân sống không điện, ông Kiệt đã đề xuất lắp điện năng lượng mặt trời cho ấp đảo. Đầu năm 2011, 172 hộ dân ở đây vỡ òa niềm vui khi ánh điện sáng bừng, len lỏi khắp các tán cây. Theo chị Đạm, bốn năm ra đảo chưa bao giờ thấy ông Kiệt nghỉ làm, trừ những ngày họp ở huyện.
Hằng ngày, cứ cuối chiều, người dân quen thuộc với hình ảnh ông bí thư kiêm chủ tịch xã đạp xe lòng vòng quanh đảo thăm hỏi tình hình đời sống bà con. Có chuyện gì cần hỏi, người dân kêu “chú Tám” dừng xe.
“Trên đường đi thấy đường sá hư hỏng thì về bảo anh em khắc phục” - ông Kiệt nói.
Ở đảo nên mỗi lần bão hay áp thấp ông Kiệt luôn trực chiến di dời dân. Ba lần di dời 2.000 hộ dân vào bờ, công tác di dời của xã đảo Thạnh An chưa hề xảy ra sự cố đáng tiếc.
Lần đầu di dời, dân chưa quen, ông Kiệt phải dầm mưa đến từng nhà vận động hoặc đứng ở bến đò động viên bà con vào bờ trú bão. “Còn chuẩn bị đối phó với áp thấp, triều cường thì không nhớ xuể” - ông Kiệt cười nói.
Nét mặt ông sáng lên khi nhắc đến tỉ lệ nghèo của xã giảm từ 61% xuống 30% sau bốn năm ông về đảo. Tuy nhiên, ông vẫn trăn trở vì số hộ nghèo còn cao.
Theo Trung Cường
Tuổi Trẻ