Ông bảo vệ người Nhật yêu biển Việt Nam

TP - Chỉ là nhân viên bảo vệ ở một trường đại học tại Nhật Bản, nhưng ông Murayama Yasufumi quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. 16 năm kể từ ngày qua Việt Nam lần đầu (1998), Muarayama đã phải lòng Việt Nam với 37 lần trở lại Việt Nam.

Ông bảo vệ người Nhật yêu biển Việt Nam ảnh 1 Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

“Nhờ có Việt Nam mà tôi mới có được vợ!”


Công việc chính của ông Murayama ở Nhật Bản là bảo vệ ở trường Đại học Ritsumeikan. Nhưng có đam mê về nhiếp ảnh, Murayama thường hay gặp gỡ, trao đổi với các giảng viên có cùng sở thích trong trường. Tình cờ, năm 1998, một giảng viên thường hay hướng dẫn Murayama về nhiếp ảnh rủ ông sang Việt Nam tham dự triển lãm ảnh về chiến tranh Việt Nam. 

Xem triển lãm, Murayama rất xúc động bởi sự tàn phá của chiến tranh cũng như sức chịu đựng, tinh thần đấu tranh anh dũng của người Việt Nam. Thêm những cảm nhận trực tiếp về đời sống của người dân Việt, từ chuyến đi này Murayama đã chọn Việt Nam là nơi đến, sáng tác về những đề tài mà ông ấp ủ.

Để có những chuyến đi Việt Nam, Murayama đã làm thêm rất nhiều nghề như giao báo vào buổi sáng sớm, rửa chén thuê ở các nhà hàng vào buổi tối, làm vườn thuê vào cuối tuần… Nhiều người thấy ông vất vả tích cóp chỉ để… đến Việt Nam, đã tỏ ý ngạc nhiên, chê bai.

Một lần, ông đang chuẩn bị qua Việt Nam thì mẹ ốm nặng, em gái ông đã can ngăn: “Anh không lo cho mẹ thì thôi, lại bỏ mẹ trong lúc ốm đau như thế này thì có được không?”. May mắn, chính mẹ ông đã lên tiếng ủng hộ: “Ở Việt Nam nhiều người còn nghèo lắm, con có ý tốt thì hãy đến Việt Nam, giúp được người nghèo thì mẹ cũng vui. Mẹ ở đây dầu sao cũng không thiếu thốn gì”. Nhờ sự ủng hộ của mẹ, ông được thỏa mãn niềm yêu thích của mình. 

Tính tới năm 2014, ông có 37 chuyến đi đến Việt Nam, chụp được nhiều bộ ảnh có giá trị, tổ chức 6 cuộc triển lãm nhiều đề tài như về bệnh Aids, về đời sống văn hoá - kinh tế, về mối quan hệ Việt - Nhật, về cuộc đời những nạn nhân chất độc da cam… Cũng nhờ những chuyến đến Việt Nam, ông tìm được hạnh phúc riêng.

Đó là năm 2008, trong một chuyến đi sáng tác tại Sóc Trăng, Murayama làm quen với một cô gái bị nhiễm chất độc dioxin có tên Đỗ Thùy Dương. Trước bệnh tình và hoàn cảnh khó khăn của gia đình Thùy Dương, Murayama đã về Nhật Bản, vận động quyên góp để Thùy Dương được qua Nhật chữa trị. 

Trong chuyến đi này của Thùy Dương, Muarayama đã tận tình đi theo chăm sóc. Thật tình cờ, Marico - cô gái người Nhật cũng là một tình nguyện viên nhận lời chăm sóc cho Thùy Dương. Gặp Marico, cảm động trước tấm lòng bao dung của cô gái, Murayama đã thầm yêu và mạnh dạn tỏ tình. Cả hai cùng chung lý tưởng tốt đẹp và họ đã yêu nhau, cùng đi tới một đám cưới.

Đám cưới của Marico và Murayama được tổ chức tại Việt Nam, trong một nhà hàng bình dân nhỏ với thiệp mời mang dòng chữ: “Không nhận tiền hay quà cưới, chỉ nhận 200 ngàn đồng làm từ thiện”.

Đám cưới của Marico và Murayama được tổ chức tại Việt Nam, trong một nhà hàng bình dân nhỏ với thiệp mời mang dòng chữ: “Không nhận tiền hay quà cưới, chỉ nhận 200 ngàn đồng làm từ thiện”. 
Giải thích về điều này, Marayama cho biết bạn bè của ông có người giàu nhưng cũng có người rất nghèo, ông không muốn tổ chức tại nhà hàng sang trọng vì như thế người nghèo sẽ ngại. Ông muốn mọi người đến chỉ để chung vui với ông và cùng ông làm từ thiện. Đám cưới giản dị nhưng ấm cúng, cô dâu duyên dáng trong bộ áo dài Việt Nam khẽ khàng ra chào khách. Murayama không giấu được niềm tự hào: “Nhờ có Việt Nam mà tôi mới có được vợ đấy!”.

Làm mọi việc để đến được Hoàng Sa

Qua Việt Nam nhiều lần nhưng Murayama vẫn mơ ước được đến Trường Sa một lần. Chỉ là một phóng viên ảnh tự do nên điều đó khá khó khăn với Murayama.

Không nản chí, Murayama đã nhờ cậy nhiều mối quan hệ để rồi cuối năm 2013, ông được người của Ban liên lạc báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo: Murayama có tên trong danh sách đi Trường Sa vào năm 2014.

Thế nhưng ông chưa kịp đi Trường Sa thì vào đầu tháng 5, xảy ra sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Từ Nhật Bản, nghe tin, lập tức Murayama liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, xin được đổi chuyến đi Trường Sa ra Hoàng Sa. Và để có tiền thực hiện chuyến đi này, Muarayama phải đi vay, chuẩn bị thêm trang thiết bị. 

Ông bảo vệ người Nhật yêu biển Việt Nam ảnh 2 Ông Murayama tại vùng biển Hoàng Sa 

Ngày 13/6, Murayama có mặt tại Việt Nam, trong khi chờ đợi ra Hoàng Sa, ông tranh thủ gặp gỡ nhiều người Việt, chụp ảnh, phỏng vấn, ghi nhận tinh thần yêu nước của người dân. Từ sinh viên, trí thức cho tới những anh xe ôm, những ngư dân đang ngày đêm bám biển đều được Murayama tiếp cận.

Cùng với những tư liệu về tinh thần yêu nước của sinh viên Việt Nam tại Nhật, Murayama dự tính sẽ làm một triển lãm về cuộc đấu tranh cho chủ quyền đất nước của người dân Việt Nam. Triển lãm chưa kịp thực hiện thì ngày 12/7, Muarayama được thông báo ra gấp Đà Nẵng để lên đường đi Hoàng Sa.

Chuyến đi chỉ có 4 ngày nhưng để lại nhiều kỷ niệm với Murayama. Ông kể: “Tôi rất ấn tượng với cảnh sát biển Việt Nam. Tôi nhớ có một lần, 5 con tàu nhỏ bé của cảnh sát biển Việt Nam bị hơn 30 tàu Trung Quốc uy hiếp, trong đó có một tàu rất to của Trung Quốc lao thẳng vào tàu của chúng tôi. Nhưng các anh cảnh sát biển Việt Nam không hề nao núng, khéo léo lách tàu để tránh cú đâm.

Đồng thời, các anh vẫn bình tĩnh tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam cũng như những vi phạm của tàu Trung Quốc. Trước mấy chục phóng viên quốc tế đi theo tàu, những sự thực này được ghi nhận đầy đủ để chuyển tải tới nhân dân thế giới. Theo tôi, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, đây là những hành động đấu tranh bảo vệ chủ quyền và hướng tới hòa bình hiệu quả nhất”.

Trở về đất liền ngày 16/7, Murayama nhanh chóng bổ sung ảnh mới cho cuộc triển lãm sắp diễn ra tại trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình II – TPHCM. Đó là những bức ảnh ghi nhận sự hiên ngang quả cảm của chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam, những hành động thể hiện lòng yêu nước của người dân Việt trong và ngoài nước, tinh thần kiên trì bám biển của ngư dân… 68 bức ảnh ghi nhận nỗ lực và tình yêu Việt Nam của Murayama. 

Ông bảo, sau cuộc triển lãm tại TP HCM, sẽ tiếp tục tổ chức triển lãm tại đại học Osaka - Nhật Bản. Và nếu điều kiện cho phép, ông sẽ tiếp tục mở nhiều cuộc triển lãm khác ở nhiều nơi tại Việt Nam và Nhật Bản. “Người Nhật và người Việt Nam giống nhau ở chỗ cả hai nước đều đang đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước. Tinh thần yêu nước của người Việt Nam sẽ động lực để người Nhật tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc” - Murayama nói như thế. 

Và ông khẳng định việc rút giàn khoan HD981 của Trung Quốc không phải là hành động cuối cùng mà tương lai, Trung Quốc sẽ còn những hành động gây hấn khác. Nhưng với tinh thần đấu tranh của người Việt Nam trong thời gian vừa qua như Murayama đã được chứng kiến và ghi nhận, ông tin Việt Nam sẽ thành công trong cuộc đấu tranh này. “Việt Nam đấu tranh vì lẽ phải, vì sự hòa bình và phát triển thì cả thế giới sẽ đồng tình ủng hộ”.

Tôi cảm ơn những người bạn Việt

Murayama Yasufumi năm nay 46 tuổi, hiện làm bảo vệ tại trường đại học Ritsumeikan - Một trường có rất nhiều du học sinh người Việt. Chính vì thế mà trước khi qua Việt Nam, ông đã hiểu được phần nào mảnh đất mà sau này ông đã gọi là quê hương thứ hai của mình. 

Trong 37 lần qua Việt Nam, Murayama đã đi khắp đất nước hình chữ S, chụp hình và tìm hiểu đời sống người dân Việt. Ông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh cùng với chủ đề “Vết sẹo chiến tranh Việt Nam” và nhận được bằng khen của Sở VH-TT&TT TPHCM. Hiện tại 4 bức ảnh về những nạn nhân da cam của ông được treo tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam tại TP HCM. 

Ông bảo vệ người Nhật yêu biển Việt Nam ảnh 3

Ông Murayama ký tên lên lá cờ Việt Nam ủng hộ tinh thần đấu tranh của nguời dân Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Triển lãm “Cảm xúc Hoàng Sa” do Murayama thực hiện từ ngày 24/7- 31/7 đã thu hút hàng ngàn khách xem. Nhiều người đã ghi lại lòng cảm phục nhà nhiếp ảnh nghiệp dư Nhật Bản vì những gì ông đã làm cho Việt Nam. Nhưng Myrayama khảng khái: “Tôi phải cảm ơn những người bạn Việt Nam vì đã giúp đỡ tôi rất nhiều để tôi có được cuộc triển lãm này. Với tôi không gì mong muốn hơn là làm tất cả cho tình hữu nghị cho hai nước Việt- Nhật ngày càng tốt đẹp”. 

MỚI - NÓNG