“Ông, bà đồ” múa bút cho chữ

Ngày càng xuất hiện nhiều “ông đồ” trẻ dịp đầu xuân. Ảnh: U.P
Ngày càng xuất hiện nhiều “ông đồ” trẻ dịp đầu xuân. Ảnh: U.P
TP - Tại Nhà văn hóa Thanh niên, đường hoa Nguyễn Huệ hay đường sách Xuân Nguyễn Văn Bình…, hình ảnh các “ông bà đồ” trẻ cho chữ đã trở thành nét đẹp với du khách khi đặt chân đến TPHCM những ngày đầu xuân.

Mệt mỏi tan biến nhờ thư pháp

Áo dài khăn đóng chỉn chu, “bà đồ” trẻ Phạm Thị Thủy Tiên (29 tuổi, quê Đồng Nai) nắn nót trang trí hình chú heo ngộ nghĩnh cùng lời chúc lên phong bao lì xì theo yêu cầu của khách. Tiên đã có thâm niên 3 năm trong nghề “ông đồ”. “Những lần trước em phụ bạn ca tối thôi, nhưng tết vừa rồi em ngồi xuyên suốt các ngày ở phố ông đồ Nhà văn hóa Thanh niên để cho chữ”, Tiên chia sẻ.

Thủy Tiên là một nhà biên kịch tự do. Nhưng do quá yêu thư pháp nên cô dành 2 năm trời để “tầm sư học đạo”. Ba mẹ Tiên thích con gái sau này làm cô giáo, nhưng thấy con gái quá đam mê thư pháp nên đành ủng hộ. Tiên cho biết, nhờ có thư pháp mà cuộc sống của cô trở nên thú vị hơn rất nhiều. “Sau những giờ làm việc căng thẳng hay áp lực, chỉ cần ngồi lại viết chữ là mọi mệt mỏi tan biến hết và con người mình nhẹ nhàng lắm. Ra cho chữ ở phố ông đồ, thư pháp giúp em gắn kết được với nhiều người, những người lạ thành quen và thậm chí trở nên thân thiết”. Hiện, Thủy Tiên có thể viết thư pháp trên nhiều chất liệu như giấy bo, liễn lụa, móc khóa…

Đỗ Thị Nhàn (25 tuổi, cho chữ ở khu vực đường hoa Nguyễn Huệ) tập luyện thư pháp khi còn là sinh viên trường ĐH KHXH&NV TPHCM. “Nhiều người ngạc nhiên lẫn tò mò khi thấy con gái viết thư pháp. Thế nên họ thường mua tranh và đề nghị viết để xem “bà đồ” múa bút như thế nào. Cũng vì vậy mà gian hàng của em lúc nào cũng đông, hàng bán được nhiều hơn. Con gái theo nghề này phải có sức khỏe để ngồi được lâu, luôn giữ được nét mặt tươi vui chào đón khách và cho chữ”, Nhàn chia sẻ.

Mỗi bao lì xì trang trí theo yêu cầu có giá từ 20.000-30.000 đồng/bao, tranh chữ khoảng 100.000 đồng/bức. Nhàn cho biết, hiện có nhiều bạn gái trẻ đam mê thư pháp và cho chữ dịp lễ tết, hội hè.

Là một ông đồ “lưu động”, thường xuyên góp mặt ở các hội chợ, tụ điểm vui chơi tại TPHCM, Võ Thành Đạt (25 tuổi, quê An Giang) chia sẻ, không phải đến tết người ta mới xin chữ tặng nhau, cầu bình an… mà xin chữ là để tự nhủ với lòng mình, là động lực để họ vươn lên. “Bây giờ nhiều doanh nghiệp tổ chức khai trương, khánh thành cũng mời tụi mình đến cho chữ khách tham quan, đối tác. Đây như món quà tinh thần. Và cứ thế tình yêu thư pháp được lan tỏa”, Đạt nói thêm.

“Ông, bà đồ” múa bút cho chữ ảnh 1 “Bà đồ” trẻ Thủy Tiên mong muốn gieo vào lòng các em nhỏ niềm đam mê thư pháp Việt. Ảnh: U.P

Giữ văn hóa truyền thống

Không trầm lắng, cổ kính, nhiều ông đồ già như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), phố ông đồ Sài Gòn mang màu sắc trẻ trung, hiện đại, năng động. Và “những người muôn năm cũ” ở các phố ông đồ này phần lớn là các bạn trẻ có cùng niềm đam mê con chữ, với những cách tân, thử nghiệm táo bạo trong nghệ thuật thư pháp Việt. Khách đến xin chữ cũng chủ yếu là người trẻ. Những triết lý sâu sắc, những câu chữ hướng đạo sống tốt đã làm chộn rộn cả con phố.

“Ngày xưa, ông đồ chủ yếu viết thư pháp bằng chữ Hán, còn giờ mọi người chuộng thư pháp Việt hơn. Nhu cầu của khách cũng thích những lời chúc đơn giản kiểu như “Chúc ba mẹ bình an”, “Chúc bạn mãi xinh đẹp”… Đi kèm với đó là những hình ảnh cây mai, nhành đào, linh vật năm mới. Thế nên em luôn sáng tạo, học hỏi thêm từ các anh chị, tiền bối đi trước để không ngừng đổi mới trong cách viết chữ, cho chữ đến khách hàng”, Thủy Tiên chia sẻ. Thông qua việc viết thư pháp cho chữ, Thủy Tiên muốn truyền cảm hứng đến nhiều người trẻ, giúp họ có đam mê và chung tay lưu giữ nghệ thuật đậm nét văn hóa dân tộc này.

“Sau những giờ làm việc căng thẳng hay áp lực, chỉ cần ngồi lại viết chữ là mọi mệt mỏi tan biến hết và con người mình nhẹ nhàng lắm. Ra cho chữ ở phố ông đồ, thư pháp giúp em gắn kết được với nhiều người, những người lạ thành quen và thậm chí trở nên thân thiết”.  

“Bà đồ” trẻ

Phạm Thị Thủy Tiên

Lần đầu tiên làm đem “mực tàu, giấy đỏ” cho chữ ở khu vực Cung Văn hóa Lao động TPHCM (Q.1), Nguyễn Gia Thiều (sinh viên trường ĐH Kiến trúc TPHCM, quê Hà Tĩnh) thể hiện khả năng của mình trên những tác phẩm thư pháp 3D độc đáo. Thiều cho biết, cậu yêu thích nghệ thuật thư pháp từ khi còn học cấp 3 nên tự tập tành luyện chữ. Khi vào đại học, Thiều luyện thêm để nét chữ mềm mại, bay bổng hơn. “Một năm cũng chỉ có một lần dịp tết được cho chữ nên em đã cố gắng sắp xếp thời gian thực hiện. Được viết những câu đối, cho chữ, mang niềm vui, may mắn đến cho nhiều người thì đối với em đó là hạnh phúc”, Thiều chia sẻ.

Lý giải vận chiếc áo the, khăn xếp, chân đi guốc, phe phẩy chiếc quạt giấy, “ông đồ” Thanh Phong (28 tuổi) cho hay: “Mình muốn giới thiệu tới mọi người hình ảnh của những ông đồ thực thụ. Không chỉ ở phong thái, nét bút mà phải thể hiện ở ngay cả trang phục truyền thống. Đó là nét đẹp mà những người trẻ như chúng tôi cần quý trọng và nâng niu”.

Võ Đức Nghĩa (27 tuổi, quê Nha Trang, hành nghề “ông đồ” hơn 5 năm) không bán chữ mà chủ yếu cho chữ. Người nhận chữ cũng “tùy duyên”, có người xin chữ về treo trong nhà, có người làm quà tặng bạn bè, người thân. “Kỷ niệm mình nhớ nhất là có lần cho chữ các em ở Bệnh viện Ung bướu. Các em rất thích món quà nhận được. Nếu có điều kiện, mình muốn dạy thư pháp cho các em, giúp các em có thêm niềm vui, nghị lực trong cuộc sống”, Nghĩa chia sẻ.

Theo nhiều người viết thư pháp trẻ, để viết được thư pháp Việt thường chọn lối thư pháp “Mai” (mềm mại, uyển chuyển). Các bạn đều tự mày mò tìm hiểu dựa trên niềm say mê tinh hoa văn hóa dân tộc. Bên cạnh những chữ quen thuộc, mỗi người đều đọc thêm nhiều sách vở để tự sáng tạo nên những vần thơ, vế đối thật hay và sâu sắc. Ngoài ra, việc luyện tay nghề cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và thậm chí cả phản ứng mau lẹ để ngay cả khi gặp những sự cố bất thường như rây mực, nét đi chưa thẳng hàng đều có thể xử lý một cách nuột nà, bay bổng…

MỚI - NÓNG