Ôn tập trực tuyến, giáo viên buộc phải thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
Cô Ngô Thị Như Quỳnh tại một buổi dạy tiếng Anh trực tuyến. ảnh: Nguyễn Hà
Cô Ngô Thị Như Quỳnh tại một buổi dạy tiếng Anh trực tuyến. ảnh: Nguyễn Hà
TP - Trải qua giai đoạn làm quen dạy học trực tuyến với nhiều bỡ ngỡ, giờ đây thầy trò Trường THPT Nghĩa Dũng 3 (Bắc Giang) đã thành thạo sử dụng phần mềm dạy học, chủ yếu để ôn tập, củng cố kiến thức.

Một buổi chiều đầu tháng 3, dãy phòng học lớp 11, Trường THPT Nghĩa Dũng 3 đèn điện vẫn sáng, văng vẳng tiếng thầy cô giáo giảng bài, gọi tên học sinh. Có lớp thầy giáo đang dạy Vật lý, lớp kế bên thầy dạy Toán, lớp nữa cô giáo dạy Ngữ văn, Lịch sử… Tuy nhiên, lớp học không có bóng dáng học sinh. Trong lớp chỉ có giáo viên giảng bài say sưa và hệ thống màn hình máy chiếu, tivi hoạt động hết công suất.

Lớp 11A4, sôi động hơn khi cô Lương Thị Hải tổ chức cho học sinh ôn tập kiến thức Địa lý thông qua trò chơi trên phần mềm. Màn hình biểu thị lớp có 39 học sinh, vắng 1. Hệ thống đưa ra câu hỏi và 3-4 đáp án cho mỗi câu. Sau 10 giây, hệ thống hiển thị đáp án và kết quả lựa chọn của tất cả học sinh trong lớp.

Cô Hải cho biết, học sinh được trở lại trường sau dịch bệnh nhưng chỉ học chính khóa trên lớp, phần ôn tập củng cố kiến thức được chuyển sang học trực tuyến để học sinh vừa bớt được phần đi lại vừa đảm bảo tránh tập trung nhiều người. Riêng giáo viên, nếu đường truyền mạng tốt, có thể dạy ở nhà; nếu không lên lớp dạy, trường sẽ đảm bảo hệ thống đường truyền, màn hình máy chiếu lớn giúp cô dễ quan sát học sinh hơn.

Cô Ngô Thị Như Quỳnh, Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, nói: “Cô phải chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng, lường hết các tình huống, đưa ra nhiều câu hỏi để hỏi càng nhiều học sinh càng tốt. Câu hỏi thường trực nhất trong những giờ dạy trực tuyến là: các em đã hiểu hết chưa?. Ngoài ra, giáo viên cũng phải lựa những bài phù hợp để dạy trực tuyến, những bài khó, đòi hỏi tương tác nhiều thường được để dành dạy trên lớp”.

Giáo viên buộc phải thay đổi 

Năm 2020, cô Quỳnh tham gia lớp học toàn cầu do Microsoft Việt Nam kết nối. Cô là người tổ chức lớp học được kết nối với một lớp học ở Malaysia. Hai lớp học cùng tương tác với nhau bằng cách cùng tham gia một trò chơi trực tuyến mà kiến thức thuộc chương trình phổ thông Việt Nam và Malaysia. Qua giờ học này, cô Quỳnh nhận thấy học sinh rất tự tin, hào hứng và đặc biệt có động lực để học môn tiếng Anh.

Thầy Trần Đình Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Nghĩa Dũng 3, khẳng định, nhà trường sẽ duy trì hệ thống dạy trực tuyến để hỗ trợ dạy trên lớp. Trường mua phần mềm để họp, lưu trữ hồ sơ, giáo án điện tử, quản lý sổ điểm điện tử, các nhóm trao đổi chuyên môn. Để giám sát các lớp học, thầy hiệu trưởng đổi hình ảnh đại diện liên tục để có thể vào bất ngờ “dự giờ” các lớp mà giáo viên, học sinh không hay. Nếu có gì chưa hợp lý, thầy sẽ góp ý để giáo viên tổ chức giờ học tốt hơn. Để hỗ trợ dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT Bắc Giang đầu tư mỗi trường THPT 3 phòng học thông minh, trong đó bảng được trang bị hệ thống cảm ứng, loa tích hợp kết nối một số phần mềm hỗ trợ kiểm tra.

 “Ban đầu, giáo viên kêu vì dạy trực tuyến phải làm thêm rất nhiều việc. Nếu dạy trực tiếp, giáo viên đôi khi chỉ cần soạn giáo án, nay phải thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, video trình chiếu… Những người không có tiếng Anh, giáo viên có tuổi sẽ vất vả vì thời gian soạn bài mất gấp 2-3 lần nhưng nhà trường động viên họ phải thay đổi”, thầy Nam nói.      

Bộ GD&ĐT sẽ quy định 3 mức độ áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, gồm dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp.

MỚI - NÓNG