Ổn định tỷ giá: Vẫn chờ tín hiệu từ cơ quan quản lý

Ổn định tỷ giá: Vẫn chờ tín hiệu từ cơ quan quản lý
Việc điều chỉnh tỷ giá USD vừa qua được xem là mạnh nhất từ trước đến nay, với nhận định là mang đến nhiều tác động lạc quan hơn cho nền kinh tế như thị trường chứng khoán hay với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ổn định tỷ giá: Vẫn chờ tín hiệu từ cơ quan quản lý

Việc điều chỉnh tỷ giá USD vừa qua được xem là mạnh nhất từ trước đến nay, với nhận định là mang đến nhiều tác động lạc quan hơn cho nền kinh tế như thị trường chứng khoán hay với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet.

Tuy nhiên, cả chuyên gia và doanh nghiệp vẫn đang lo lắng, bởi nếu giá USD trên thị trường tự do tăng cao sẽ lại một lần nữa gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vẫn tồn tại "hai giá"

Kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước trong đợt điều chỉnh tỷ giá lần này, là xóa bỏ tình trạng "hai giá" tồn tại giữa ngân hàng và thị trường tự do. Tuy nhiên, sự mừng vui không kéo dài được lâu, bởi thực tế mấy ngày gần đây, sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Trung ương, đôla ngoài thị trường tự do vẫn trên đà leo thang, mặc cho giá niêm yết tại các ngân hàng chỉ ở mức "trần" quy định, thậm chí còn giảm.

Tỷ giá liên ngân hàng công bố ngày 17/2 giảm tiếp 5 đồng xuống còn 20.693 đồng/USD. Mức giảm 15 đồng/USD này đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh. Trước đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh 10 đồng/USD vào ngày 15/2 và 5 đồng/USD vào ngày 16/2.

Với mặt bằng tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới, các ngân hàng thương mại cũng áp dụng với mức giảm tương đương.

Tại Vietcombank, ngân hàng này báo giá USD ở mức 20.790 đồng và bán ra 20.890 đồng; tại Eximbank, giá USD mua vào được yết ở mức 20.870 đồng và bán ra ở mức 20.890 đồng; tại VietinBank niêm yết là 20.880 (mua vào) và 20.890 (bán ra).

Tuy nhiên, giá USD giao dịch thực tế của các nhà băng vẫn tiếp tục tăng. Trong mấy ngày gần đây, giá giao dịch USD thực tế giữa các ngân hàng khác nhau với mức chênh lệch khá lớn. Nếu như vào thời điểm bình thường, mức chênh lệch chỉ khoảng 5 đồng cho một USD thì hiện giờ dao động 30-50 đồng.

Còn tại thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ báo giá bán USD ở mức 22.050 đồng/USD và chiều mua là 21.900 đồng/USD.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu hiện đang rất lo lắng nếu như giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng.

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Aprocimex tỏ ra lo ngại nếu như tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục leo thang quá nhiều mà các cơ quan chức năng chưa thể can thiệp.

Ông đưa ra ví dụ, doanh nghiệp mua USD với giá 21.500 VND/USD nhưng chỉ được chấp nhận thanh toán là 20.600 VND/USD. Như vậy cứ 1 triệu USD giao dịch lại phải "biến báo" thanh toán cho 900 triệu VND. "Tính minh bạch thanh toán mất đi, rủi ro trong hệ thống tài chính kế toán doanh nghiệp tăng lên. Nếu cứ tiếp tục tồn tại những bất cập như vậy thì khi đổ bể, hậu quả rất lớn," ông Lý băn khoăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Vân cũng thừa nhận, chênh lệch tỷ giá tạo ra sai lệch của bản chất chi phí doanh nghiệp. Vì thế các cơ quan thuế không chấp nhận những khoản chi phí với các hợp đồng như "chi hộ, đếm tiền hộ" của ngân hàng cho doanh nghiệp.

Ông Vinh cho biết, Công ty Hải Vân nhập khẩu chủ yếu thiết bị máy móc cho sản xuất, thì với chi phí đáng ra 1,82 tỷ đồng, hạch toán chỉ còn 1,63 tỷ đồng! Chính điều này đã tạo ra sự méo mó trong hệ thống kế toán của doanh nghiệp, không thể đánh giá đúng doanh nghiệp.

Theo TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính), vào thời điểm hiện nay, thị trường ngoại tệ đang rất cần tín hiệu phát đi từ phía Ngân hàng Nhà nước để ổn định tâm lý, tránh kỳ vọng tăng giá của USD. “Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì tình trạng găm giữ ngoại tệ có khả năng quay trở lại,” ông Ánh nhận định.

Cần có chính sách đồng bộ

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều chỉnh lần này đúng thị trường nhưng về dài hạn phải bám sát chặt hai mục tiêu: Kéo lạm phát xuống và tăng được năng lực sản xuất, giảm nhập siêu.

Ông Kiêm cho rằng, các chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất thật ra có liên hệ với nhau chặt chẽ. Do vậy, cần phải tập trung chống lạm phát trước. "Các chính sách khác như lãi suất phải rất linh hoạt theo mục tiêu đó. Nhà nước nói phải đi đôi với làm, nói giữ ổn định vĩ mô, chống lạm phát hàng đầu thì hành động phải cho người dân thấy rõ điều đó," ông Kiêm nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ ngay năm 2010 cho thấy, khi điều chỉnh tỷ giá, ngân hàng làm trước, các bộ, ngành khác không có chính sách đi kèm, thống nhất đã tạo sự hỗn loạn về tỷ giá, giá vàng.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc giảm giá đồng tiền sẽ gây sức ép đến lạm phát. Một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1% thì làm tăng lạm phát khoảng 0,1%.

Tuy nhiên, theo ông Thành, tác động đến lạm phát của lần điều chỉnh này là không lớn do trên thực tế, thời gian qua, tất cả các giao dịch ngoại hối đều đã ở mức 21.000 đồng/USD hoặc hơn. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, việc điều chỉnh khá mạnh (tới 9,3%) sẽ có những tác động về mặt tâm lý cũng như vòng xoáy vàng, USD.

Trước những tác động trên, ông Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có thông điệp rõ ràng, nhất quán về ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện kiên quyết việc thắt chặt tiền tệ cũng như chính sách tài khóa nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tăng hiệu quả chi tiêu công; có những phối hợp chính sách thật kịp thời, chặt chẽ để kỳ vọng ổn định kinh tế vĩ mô dần trở lại, lạm phát được kéo xuống.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách nghiêm khắc với ngân hàng thương mại.

"Một số ngân hàng thương mại trong lúc khó khăn lại không giúp đỡ cho doanh nghiệp mà tăng thu phí ngoài. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có chế tài mạnh để răn đe các ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn. Thêm nữa là quản lý, nghiêm cấm thanh toán USD tự do," đại diện một doanh nghiệp cho hay.

Phân tích về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng thương mại được kinh doanh ngoại tệ theo trạng thái nên việc đầu cơ trong ngân hàng có thể xảy ra và tình trạng hai tỷ giá tất yếu cũng sẽ còn tồn tại. Có khác chăng trước và sau khi điều chỉnh tỷ giá thì mức phí chênh lệch của tỷ giá của doanh nghiệp có thể ít hơn phần nào.

Trước thực tế này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông điệp sẽ xử lý nghiêm khi phát hiện thấy những ngân hàng nào tìm cách “lách luật” bán ngoại tệ vượt tỷ giá niêm yết cho khách hàng.

Trong cuộc làm việc với các Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, cho biết sẽ phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại triển khai những biện pháp cần thiết để phát triển thị trường ngoại hối, trong đó có việc cho phép áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro theo thông lệ quốc tế để các doanh nghiệp và ngân hàng tăng tính chủ động trong kinh doanh và phòng ngừa rủi ro hiệu quả hơn.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay sẽ tiến hành một đợt thanh kiểm tra từ nay cho đến tháng 6 để phát hiện và kịp thời xử lý những sai phạm trong vấn đề ngoại hối./.

Theo Duy Minh
Thông tấn xã Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.