Ồn ào quanh cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế

Tác phẩm “Phụ nữ Thái” (tác giả Vũ Duy Bội).
Tác phẩm “Phụ nữ Thái” (tác giả Vũ Duy Bội).
TP - Hai năm một lần, cứ vào năm lẻ, cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam lại diễn ra. Đến nay đã là lần thứ 9. Một số người đã “nhặt sạn” cho cuộc thi năm nay, VN-17: Mang tiếng quốc tế nhưng qui tụ đa phần nhiếp ảnh gia Việt, tác phẩm đoạt giải chưa xứng đáng, ông chủ tịch “vừa đá bóng, vừa thổi còi”…

Tại sao dư luận chăm chỉ “nhặt sạn” cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam 2017 (VN-17)  đến vậy? Có người đưa ra phỏng đoán, sau “dớp” Chủ tịch Hội NSNAVN Vũ Quốc Khánh “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ở cuộc “Nhiếp ảnh Việt nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới”, người đứng đầu Hội kiêm luôn ba vai trò: Trưởng ban tổ chức cuộc thi, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và thí sinh tham gia giải thưởng, để cuối cùng “rinh” hai giải thưởng, trong đó có một giải A chung cuộc, khiến dư luận  “chăm sóc” những hoạt động của Hội này kỹ càng hơn chăng? Điều này có lẽ cũng đúng một phần song chưa đủ. 

Đã “đứng ngoài” vẫn mang tiếng?

Chúng tôi có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNAVN). Trước câu hỏi: Vì sao cuộc thi có qui mô quốc tế lại thu hút ít “quốc tế” tham gia, theo ước tính độ 2/3 là tác giả Việt, ông Vũ Quốc Khánh giải thích: “Đây là cuộc thi 2 năm một lần, là cuộc thi mở, Liên đoàn nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP) không quy định bao nhiêu phần trăm quốc tế tham gia. FIAP có cả cuộc thi quốc gia và cuộc thi cấp câu lạc bộ, một năm bảo trợ hàng trăm cuộc thi. Hội NSNAVN định kỳ 2 năm một lần tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, vào các năm lẻ, đến nay đã làm 9 cuộc”.

Về chuyện người ta kết tội “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Chủ tịch Vũ Quốc Khánh phản đối: “Ồ, sao lại nói thế? Tôi chỉ đứng ra chỉ đạo, tổ chức thôi, không tham gia ban giám khảo, bởi cuộc này mang tính quốc tế nên tôi, với vai trò Chủ tịch Hội phải đứng ra tổ chức, tôi có tham gia ban giám khảo hay dự thi đâu?”. Ông Vũ Quốc Khánh còn nói thêm: “Đáng ra tôi phải tham gia ban giám khảo nhưng tôi không tham gia để tránh bớt ra, đỡ mang tiếng. Chứ về nguyên tắc tôi là đại diện FIAP tại Việt Nam, có mặt trong ban giám khảo là chuyện bình thường”.

Một thắc mắc khác được dư luận đặt ra: Đã gánh vai Trưởng ban tổ chức, Trưởng ban Chỉ đạo còn tham gia biên soạn cuốn sách ảnh. Một mình “ôm” lắm vai, sẽ không hiệu quả. Ông Chủ tịch Hội NSNAVN lên tiếng: “Đó là cả một nhóm làm, tất nhiên tôi là người duyệt, người chịu trách nhiệm. Họp ban chấp hành tôi đã đề nghị mọi người làm nhưng không ai làm, bắt buộc tôi phải làm, 2015 tôi cũng làm, 2017 tôi cũng làm”.

Ông Khánh giới thiệu, “trước đây tôi làm giám đốc NXB từng làm sách ảnh rất nhiều. Tôi học ở nước ngoài về, đã làm những tập sách ảnh qui mô, chứ cuốn sách ảnh ở VN-17 đối với tôi là đơn giản”. Phóng viên hỏi tiếp: “Đơn giản nhưng tại sao vẫn để lại “sạn”, thí dụ phần chú thích tác giả, tác phẩm không chọn một ngôn ngữ chung, người nước nào giới thiệu bằng chữ viết của nước ấy rất khó tiếp cận?”.

Ông Vũ Quốc Khánh cũng thừa nhận, chuyện này “có tí không hay” song vẫn giải thích: “Cuộc thi quốc tế qui tụ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tác giả người Thổ Nhĩ Kì chẳng hạn, chúng ta phiên âm sang tiếng Việt cũng sai, phiên âm sang tiếng Anh cũng không chuẩn, chủ trương của Hội là để nguyên như vậy để đảm bảo tính chính xác của tác giả và tác phẩm”.  Chủ tịch Hội NSNAVN khẳng định: Biên soạn sách là việc phải làm, không có bổng lộc gì ở công việc này.

Ồn ào quanh cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế ảnh 1 Tác phẩm “Tuyệt vời đảo Trường Sa” (tác giả Nguyễn Á).

Lại chuyện giải thưởng

Có hai tác phẩm bị “soi” nhiều nhất: “Tuyệt vời đảo Trường Sa” (Nguyễn Á) và “Phụ nữ Thái” (Vũ Duy Bội). Một câu hỏi phóng viên đặt ra cho ông Vũ Quốc Khánh: Ở cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế này tiêu chí bình xét tác phẩm tham dự giải như thế nào? Có màu sắc riêng không? Chủ tịch Hội NSNAVN đáp: “Giám khảo quốc tế, giám khảo Việt Nam có những thứ vênh nhau về cảm xúc nghệ thuật, nên cần cẩn trọng. Chúng tôi là tổ chức nhà nước cần có góc nhìn của mình, chứ không phải cứ theo quốc tế.

Nếu ai đó nói cứ theo quốc tế thì cũng nên cẩn trọng một chút. Thí dụ, ảnh về bà già Tây Nguyên mặt nhăn nheo được giải quốc tế, cái đó thực ra chưa phù hợp với tiêu chí chúng tôi đặt ra. Đành rằng, đó là nghệ thuật nhưng chúng ta phải có cái nhìn sáng hơn, đừng là hiện thân của sự đói nghèo. Chúng tôi muốn chấm dưới góc độ nghệ thuật nhưng phải có nội dung tư tưởng”. Phải chăng đó cũng là lí do khiến có người nói rằng: Tác phẩm “Tuyệt vời đảo Trường Sa” thành công ở mặt nội dung tư tưởng nhưng kém về chất lượng nghệ thuật?

Chúng tôi trao đổi băn khoăn này với nhiếp ảnh gia Đào Tiến Đạt, thành viên Ban giám khảo của cuộc thi. Ý kiến của ông Đào Tiến Đạt về tác phẩm đoạt HCV, chủ đề Phong cảnh của cuộc thi như sau: “Khác biệt với những ảnh chụp về Trường Sa trước đây, tác phẩm “Tuyệt vời đảo Trường Sa” thể hiện tiền cảnh là chiếc máy bay, phía dưới đảo Trường Sa hiện ra từng chi tiết trên nền biển trong xanh, những con tàu uốn lượn rẽ vào bờ với một bố cục hài hòa, giàu cảm xúc thẩm mỹ khi nhìn thấy vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc”. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt khẳng định: “Tuyệt vời đảo Trường Sa” đạt sự đồng thuận rất cao của Hội đồng giám khảo.

Về tác phẩm “Phụ nữ Thái” (Vũ Duy Bội) chúng tôi tìm đến NSNA Mã Thế Anh,  Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, để có một nhận xét của người ngoài cuộc: “Bức ảnh này tôi thấy bình thường, chưa toát lên được vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc Thái, phần ở đầu không cân bằng với phần thân cô gái này.

Về kỹ thuật chụp thì tốt nhưng góc độ này tôi thấy chưa hợp lí”. Nhiều đánh giá của dư luận thống nhất với ý kiến của NSNA Mã Thế Anh. Vị Chủ tịch giám khảo của ảnh chân dung trong cuộc thi, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Long bình tĩnh trước mọi khen, chê: “Mỗi cuộc thi phần kết quả có thể đạt sự đồng thuận cao của dư luận hoặc không, cuộc thi nào cũng thế thôi. Còn hội đồng giám khảo thấy xứng đáng nên chúng tôi trao huy chương”. Trước lời bình, phần đầu không cân bằng với phần thân của cô gái trong bức ảnh, ông Trần Long giữ nguyên quan điểm: “Cái đó là ý kiến cá nhân. Còn chúng tôi thấy bố cục cân đối, hợp lí. Bức ảnh đạt chất lượng nghệ thuật cũng như kỹ thuật”.

Ồn ào quanh cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế ảnh 2 Chủ tịch Hội NSNAVN Vũ Quốc Khánh: “Không có chuyện tôi vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Ưu tiên tác giả người Việt?

Chỉ có 2 giám khảo người nước ngoài trong cuộc thi VN-17, Chủ tịch Hội NSNAVN giải thích: “Quốc tế không mời giám khảo sang nước chủ nhà để chấm đâu, chấm xong là trao giải luôn, thậm chí người ta không làm triển lãm, chỉ triển lãm trên mạng. Ta làm rất cẩn thận, mời giám khảo sang bên này vào vòng cuối cùng để trao đổi thẩm định cùng anh em bên này cho chuẩn, sát với tiêu chí cuộc thi.

Mời 2 giám khảo nước ngoài cũng có lí do, bởi vì theo thông lệ quốc tế, các nghệ sỹ trong nước cũng như quốc tế có tước hiệu FIAP là được tham gia giám khảo. Không cần phải mời quốc tế, Việt Nam có rất nhiều nghệ sỹ có tước hiệu FIAP, thậm chí là bậc thầy FIAP, như Lê Hồng Linh, Hoàng Quốc Tuấn, Thu An… hoặc những nghệ sỹ xuất sắc của FIAP như Đào Tiến Đạt chẳng hạn, anh ấy chấm quốc tế thường xuyên, nên chấm Việt Nam là bình thường. Chúng tôi phải gửi danh sách giám khảo sang bên FIAP để họ thẩm định, làm rất cẩn thận. Nhiều giám khảo rất muốn sang Việt Nam nhưng chúng ta không mời vì kinh phí hạn hẹp”.

Mặc dù giám khảo người Việt áp đảo giám khảo người nước ngoài song Chủ tịch Hội NSNAVN khẳng định: Chấm thi hoàn toàn khách quan, không ưu tiên người Việt. “Chúng tôi xây trang web, mọi người gửi ảnh vào, từ đó ban tổ chức mới tập hợp thành danh mục, bỏ hết tên đi, chuyển cho giám khảo chấm trên internet…Vòng cuối các giám khảo mới gặp nhau, trao đổi về các giải thưởng, rất ít nước làm cẩn trọng như nước mình”. Giám khảo Trần Long đưa ra so sánh: “Trong các bộ giải thể loại chân dung mà hội đồng chúng tôi chấm thì ảnh của người Việt Nam rất nhiều nhưng giải thuộc về người nước ngoài cao hơn trong nước”.

Nhưng tác giả người Việt Nam được ưu tiên lệ phí dự thi. Ông Vũ Quốc Khánh cho biết lí do: “Vì mình có một phần kinh phí dành cho việc này nên mình mới ưu ái cho anh em Việt Nam. Chúng ta bỏ một phần tiền đầu tư sáng tác của nhà nước vào cuộc thi thì chúng ta ưu ái cho anh em Việt Nam. Anh em Việt Nam chỉ mất lệ phí từ 200, 300, 400 ngàn đồng, tùy tác giả lựa chọn bao nhiêu sân chơi.  Còn tác giả nước ngoài mất khoảng 25-30 USD, cũng là rẻ hơn so với quốc tế rồi”.

Cuộc thi VN-17 có mang lại lợi nhuận gì cho Hội NSNAVN không, là băn khoăn của dư luận. Ông Vũ Quốc Khánh công khai: “Thu được 368 triệu đồng, chi mất gần 600 triệu đồng, lãi ở đâu?”. Phóng viên hỏi: “Nhưng những cuộc thi thế này nghe nói được “rót” tiền nhiều?”. Chủ tịch Hội NSNAVN đáp: “Đó là đầu tư cả năm của nhà nước cho chúng tôi. Chúng tôi phải căn cơ, năm nay có bao nhiêu sự kiện, chia làm sao hài hòa, đừng lỗ. Nếu dành được một khoản nào đó, chúng tôi lại làm cái khác, tổ chức trại sáng tác hay các cuộc thi khác cho anh em”.

MỚI - NÓNG