Olympic và sinh mạng chính trị của Thủ tướng Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Người dân Nhật Bản chia rẽ xung quanh Olympic Tokyo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Japan Times
Người dân Nhật Bản chia rẽ xung quanh Olympic Tokyo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Japan Times
TP - Khi chỉ còn 2 tháng nữa là đến lễ khai mạc Olympic Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và liên minh cầm quyền đang đối mặt với một vấn đề chính trị nghiêm trọng.

Mười tỉnh, bao gồm thủ đô Tokyo, vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp vì COVID-19. Tình trạng này dự kiến kết thúc tại 9 tỉnh vào ngày 31/5, nhưng đã được quyết định kéo dài đến tháng 6 hoặc lâu hơn nữa.

Ngày 24/5, Mỹ khuyến cáo công dân không đến Nhật Bản vì nguy cơ lây nhiễm. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Nhật Bản muốn huỷ Olympic Tokyo, khi các chuyên gia y tế cảnh báo rằng đại hội thể thao quy mô lớn này có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm không chỉ ở Nhật Bản mà cả những nơi khác nữa.

Bất chấp nhiều lo ngại, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Thủ tướng Suga vẫn muốn Olympic Tokyo diễn ra như dự kiến. Đây sẽ là quyết định mang nhiều hàm ý, không chỉ với sức khỏe cộng đồng. Các chuyên gia nói rằng quyết định huỷ hay tiếp tục kế hoạch tổ chức Thế vận hội sẽ mang lại những lợi thế hoặc rủi ro chính trị đối với liên minh đảng cầm quyền. Vì thế, Thủ tướng Suga cùng hai đảng LDP và Komeito sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23/7, chưa đầy 3 tuần sau cuộc bầu cử cơ quan lập pháp của Thủ đô Tokyo. Paralympic Tokyo sẽ khai mạc ngày 24/8 và kết thúc ngày 5/9. Về chính trị, thời điểm diễn ra cả ba sự kiện này đều khó khăn. Tháng 9 là khi cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP diễn ra, và chỉ sau 1 tháng sẽ là cuộc bầu cử Hạ viện.

Nếu thành công, Olympic Tokyo có thể trở thành vận may cho ông Suga và liên minh cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử. Ông Kenneth Mori McElwain, giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Tokyo, nói rằng nếu Thế vận hội Tokyo diễn ra, chỉ một cách có lợi cho Thủ tướng Suga và liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử. “Nếu các vận động viên Nhật Bản giành được nhiều huy chương vàng để chiếm sóng các báo đài Nhật Bản, người dân sẽ vui vẻ. Đặc biệt ở các vùng nông thôn Nhật Bản, nơi LDP được ủng hộ mạnh mẽ, niềm vui vì Olympic cuối cùng sẽ át hết những lo lắng về COVID-19”, GS McElwain nói với báo Japan Times.

Theo nhà nghiên cứu này, kịch bản lý tưởng là Thế vận hội diễn ra theo kế hoạch, nghĩa là không đón du khách nước ngoài và hạn chế cả khán giả trong nước, rồi sau đó không xuất hiện cụm dịch nào và không xảy ra tình trạng các nguồn lực y tế đáng kể bị dồn vào Olympic, thay vì chương trình tiêm chủng.

Nhiều kịch bản xấu

Báo chí và truyền hình Nhật Bản trong những ngày này đăng nhiều ý kiến ủng hộ huỷ Thế vận hội. Asahi Shimbun, một trong những tờ báo uy tín nhất của Nhật Bản và là đối tác truyền thông chính thức của Olympic Tokyo, vừa có bài viết kêu gọi huỷ tổ chức sự kiện vì những rủi ro sức khoẻ cộng đồng và áp lực lên hệ thống y tế.

Nếu Nhật Bản huỷ Olympic Tokyo, hai ông Suzuki và McElwain cho rằng đó sẽ là tin xấu với ông Suga. Có thể ông sẽ phải đối diện với áp lực phải từ chức để chịu trách nhiệm chính trị.

Ngày 26/5, Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC) cho biết sẽ bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho khoảng 1.600 vận động viên, huấn luyện viên và những cá nhân tham gia làm việc tại Olympic Tokyo kể từ ngày 1/6. Trước đó, IOC cũng thông báo đã ký kết biên bản ghi nhớ với hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức về việc cung cấp vắc-xin cho vận động viên các nước tham dự Olympic Tokyo 2020. Mục tiêu của IOC là đảm bảo 80% vận động viên và những người liên quan được tiêm vắc-xin trước khi sự kiện này khai mạc.

Huỷ Olympic và Paralympic Tokyo sẽ liên quan đến những cuộc đàm phán gay gắt với IOC và có thể theo sau là hàng loạt đơn kiện đòi Tokyo trả chi phí bồi thường. Quyết định đó cũng sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề liên quan đến những khoản đầu tư vào Tokyo và những nơi khác để đón Olympic, khiến ông Suga và liên minh cầm quyền rơi vào thế bị chỉ trích và phải phòng vệ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Một kịch bản xấu nữa là Olympic sẽ diễn ra và một làn sóng dịch bệnh mới bùng lên, khiến chính phủ phải yêu cầu cử tri ở nhà, doanh nghiệp đóng cửa và các cơ sở y tế địa phương gánh thêm áp lực.

Theo ông Suzuki, huỷ sự kiện sẽ là một quyết định được nhiều người dân Nhật Bản ủng hộ, nhưng các doanh nghiệp tài trợ sẽ đòi bồi thường. Ông McElwain cho rằng số phận Olympic Tokyo không thể tách rời những tiến triển trong chương trình tiêm chủng trong những ngày tới. Chuyên gia này dự đoán rằng đến thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử, chương trình tiêm vắc-xin của Nhật sẽ đạt được tiến triển đáng kể để đẩy lùi những chỉ trích rằng chính phủ đã làm việc này quá chậm. Vì thế, LDP cũng hạ thấp được rủi ro thất bại trước các đối thủ chính trị.

MỚI - NÓNG