Ói ra máu suýt chết vì tự ý dùng thuốc chữa khớp

Ói ra máu suýt chết vì tự ý dùng thuốc chữa khớp
TPO - Cho rằng bác sĩ đã chẩn đoán sai bệnh vì quan niệm “chỉ đàn ông hay uống rượu mới bị gout”, người phụ nữ tự ý mua thuốc đau khớp bên ngoài uống. Đến khi bệnh tình trở nặng, bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng ói ra máu, không để đi đứng được do tác dụng phụ của thuốc.

Ngày 20/8, thông tin từ BV Đại học Y dược TPHCM cho biết BV vừa tiếp nhận điều trị thành công cho bệnh nhân T.N.C. (57 tuổi, ngụ Trà Vinh) bị xuất huyết tiêu hóa do tự mua thuốc điều trị gout.

Khai thác bệnh sử, cách đây một năm, cô N. có những cơn đau kéo dài 1 đến 2 ngày và lặp lại mỗi 2, 3 tháng ở khớp bàn chân. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện tỉnh và được chẩn đoán mắc gout.

Thế nhưng người bệnh không tin mình bị gout vì cho rằng chỉ có đàn ông “ăn nhậu” nhiều mới bị bệnh, còn mình chẳng bao giờ nhậu nhẹt thì không thể mắc gout. Người phụ nữ cho rằng bác sĩ đã chẩn đoán sai bệnh và tự ý mua thuốc đau khớp bên ngoài uống.

Ói ra máu suýt chết vì tự ý dùng thuốc chữa khớp ảnh 1 BS đang thăm khám cho bệnh nhân

“Sau 2 ngày dùng thuốc tình trạng đau của tôi đã không còn. Do đó,  mỗi lần cơn đau tái phát, tôi lại mua loại thuốc đó về uống”, bệnh nhân cho biết.

Cách đây 4 tháng, bệnh tình của bệnh nhân N diễn tiến nặng hơn với những triệu chứng đau nóng dữ dội, kéo dài ở các khớp gối, cổ chân và các khớp ngón bàn chân. Người bệnh được đưa đến BV ĐHYD trong tình trạng đi tiêu phân đen, ói ra máu và không thể đi đứng được. Bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ bị gout và bị xuất huyết tiêu hóa do tác dụng phụ của thuốc cô đã tự điều trị.  Lúc này, bệnh nhân N. mới tin rằng mình bị gout.

Sau khi điều trị bằng thuốc đặc trị gout và tái khám theo chỉ định, tình trạng người bệnh đã ổn định, các cơn đau đã không còn và cô có thể đi lại được bình thường.

Theo BS. Cao Thanh Ngọc – Trưởng Đơn vị Nội Cơ xương khớp BV ĐHYD: “Tại phòng khám Nội cơ xương khớp BV ĐHYD có đến có đến 25% đối tượng bị gout là phụ nữ đến khám và điều trị. Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc gout vì những thay đổi về nội tiết tố trong giai đoạn này dẫn đến rối loạn chuyển hóa nhân purin. Triệu chứng gout ở nam và nữ là giống nhau. Thế nhưng đa số nữ giới thường mặc định gout là bệnh của các quý ông nên không nghĩ mình bị gout và tự mua thuốc điều trị đặc biệt là những thuốc có chứa corticoids dưới dạng “thuốc nam, thuốc bắc, thảo dược, thuốc gia truyền…”,BS Ngọc nhấn mạnh.

Vì chủ quan tình trạng bệnh, BS Ngọc cho biết bệnh nhân thường chỉ đến khi tình trạng bệnh diễn biến nặng gây đau nhức dữ dội mới đến bệnh viện, hoặc xuất hiện biến chứng do tác dụng phụ của thuốc như xuất huyết tiêu hóa, suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng, viêm phổi, xẹp đốt sống.... Phụ nữ bị bệnh gout có nhiều khả năng mắc các bệnh khác kèm theo như huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh thận và bệnh tim mạch.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.