Ở trọ dưới... lòng đất

Ở trọ dưới... lòng đất
Trú ngụ trong những căn phòng nằm sâu dưới lòng đất, không hề có một chút ánh sáng mặt trời, giới sinh viên (SV) TP Đà Lạt (Lâm Đồng) gọi nơi ở của mình là những "địa đạo".

Do địa hình đồi núi cao nguyên nên tại TP Đà Lạt, nhà ở của người dân luôn có những khoảng không gian bên dưới làm hầm. Với số lượng SV các trường đại học, cao đẳng tăng nhanh đã dẫn đến sự khan hiếm nhà trọ trong mấy năm qua. Nhiều người dân đã cải tạo tầng hầm đựng rượu, đồ đạc thành những căn trọ dưới lòng đất cho SV thuê.

Ở Đà Lạt, khu vực Ngã năm được xem là phố SV, với những phiên chợ SV, quán cà phê, quầy photocopy và đặc biệt là hàng trăm nhà trọ tập trung ở các đường Phù Đổng Thiên Vương, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Công Trứ, Trần Nhân Tông...

Khi không gian bên trên chật kín, nhiều chủ nhà trọ đã cho SV thuê tầng hầm với giá hấp dẫn. Có nhiều khu trọ chứa gần 20 phòng trong một tầng hầm.

Theo chân Khanh cùng nhóm bạn lớp Công nghệ thông tin khóa 31 trường ĐH Đà Lạt, tôi có dịp ghé thăm khu "địa đạo" 69A Nguyễn Công Trứ - được xem là nơi ở trọ "bí ẩn" nhất của giới SV nơi đây.

Bên phải căn hộ bề thế của nhà chủ là lối nhỏ đi xuống khu trọ với diện tích vừa đủ một người đi qua. Đường đi tối om như trong mê cung, hiếm hoi mới có ánh sáng hắt xuống mỗi khi có ngã rẽ hay cầu thang lên tầng 2. Chiếc điện thoại di động trở thành nguồn sáng để soi đường đi.

Tại đây, ánh nắng là thứ "tài nguyên" được SV quý như vàng, bởi dùng để... phơi áo quần, dù chỉ là những ô nhỏ từ đằng sau "địa đạo". Tầng trên trông sáng sủa hơn nhưng không hề có một ô cửa sổ. Căn phòng của Khanh chỉ có 4 bức tường vây kín và một chiếc cửa đi vào.

Rảo qua hầu hết các khu trọ dưới lòng đất ở đường Nguyễn Công Trứ, Phù Đổng Thiên Vương... cũng thấy kết cấu tương tự: Không ánh sáng, chật chội và ngột ngạt.

Khổ trăm bề

Ở trọ dưới... lòng đất ảnh 1
Đường xuống một khu nhà trọ dưới lòng đất. Ảnh: Thanh Niên.

Những phòng trọ dưới lòng đất diện tích chỉ chừng 4 - 6m2 nhưng vẫn có từ 2 - 3 SV thuê ở. Giá của mỗi căn khoảng 500 ngàn đồng. Do ở dưới lòng đất phải thắp sáng 24/24, nên SV tốn tiền điện hơn nhiều so với các nhà trọ ở trên mặt đất. Mỗi khi cúp điện, các căn phòng chìm trong bóng tối mịt mù.

Điện thoại di động chập chờn sóng cũng là nỗi khổ của SV ở đây. Cuộc sống dưới "địa đạo" tẻ nhạt, vắng lặng và ít tiếng nói cười.

Bạn Ngô Lý Tân Thủy, lớp Anh văn khóa 3, trường Đại học Đà Lạt cho hay: "SV xuống dưới này chỉ để ngủ và học tập vào ban đêm, ban ngày chủ yếu học ở trên trường nên khu trọ luôn vắng vẻ".

Anh chàng này cũng cho biết thêm, do thiếu ánh sáng nên mỗi khi giặt giũ áo quần, các bạn phải đem lên trên đường để phơi nên dễ bị mất cắp. Phơi một bộ áo quần ở dưới "địa đạo" cả tuần chưa khô là bình thường.

Đặc biệt nguy hiểm khi có ai nấu nướng, chuyện sặc khói cả khu nhà trọ là đương nhiên. "Có nhiều lần cả xóm trọ nghi ngút khói, chẳng còn oxy mà thở, bọn em chen nhau mà chạy lên trên không thì nguy" - Ngọc Duy ở khu trọ 65 Nguyễn Công Trứ cho biết.

Vào mùa mưa, nước trên đường tràn xuống làm cho một số khu nhà trọ trong lòng đất nhếch nhác, ẩm ướt và bốc mùi. Ngoài ra, các khu trọ thường xuyên bị nước cống tràn vào, mùi hôi có lúc kéo dài cả mấy tuần liền.

Bạn Lê Thanh Hải - lớp Lịch sử khóa 31, trường ĐH Đà Lạt ở nhà trọ 66H đường Nguyễn Công Trứ nói: "Nhiều lần, SV báo với chủ nhà và được hứa sẽ gọi thợ nước đến sửa, nhưng mấy tháng rồi không thấy đâu".

Khó kể hết nỗi khổ của SV ở trọ dưới lòng đất, thế nhưng do khan hiếm chỗ ở gần trường và điều kiện kinh tế, nên các khu trọ như thế này vẫn là địa chỉ quen thuộc của SV Đà Lạt.

Theo Ngô Phước Tuấn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.