Ô tô bị ngập nước xếp hàng sửa chữa sau mưa lớn tại Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước diễn biến bất thường của thời tiết, những ngày qua các gara sửa chữa ô tô tại Hà Nội luôn trong tình trạng kín khách bởi nhiều xe bị ngập nước cần sửa chữa hoặc vệ sinh.

Theo ghi nhận của phóng viên tại các điểm sửa chữa, bảo dưỡng ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội vào chiều ngày 31/5, lượng xe được đưa đến để sửa chữa, vệ sinh là khá đông, nhiều xe phải xếp hàng chờ đến lượt.

Nhân viên bảo dưỡng của một gara thuộc quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Từ sáng, lượng xe được khách mang đến khá lớn, với khoảng hơn 20 xe. Hầu như các xe đều bị ngập nước trong thời gian khá dài do những trận mưa lớn nhiều ngày nay, tuy nhiên không có quá nhiều xe bị hư hỏng nặng về động cơ do thủy kích”.

Ô tô bị ngập nước xếp hàng sửa chữa sau mưa lớn tại Hà Nội ảnh 1
Xe đến vệ sinh và sửa chữa khá đông tại một gara ở Hà Nội.

Anh Phong, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, mang xe vào đầu giờ chiều để kiểm tra và vệ sinh cho biết: “Tôi hôm kia có đi qua khu vực ngã tư Thái Hà khiến xe bị ngập nước khoảng 20 phút. Hôm nay chạy vẫn thấy bình thường nhưng ghế và sàn xe có mùi ẩm mốc nên mang ra vệ sinh lại, tiện kiểm tra luôn động cơ đề phòng những vấn đề nghiêm trọng sau này”.

Ô tô bị ngập nước xếp hàng sửa chữa sau mưa lớn tại Hà Nội ảnh 2

Khách hàng chủ yếu tìm đến dịch vụ vệ sinh nội thất.

Theo gara này, các dịch vụ được khách hàng sử dụng nhiều chủ yếu là kiểm tra máy móc và vệ sinh nội thất cũng như sàn xe. Công việc này bao gồm tháo sàn, vệ sinh, xì khô, đảm bảo sàn không bị ngấm nước gây hỏng hóc. Các chi tiết trên xe, đặc biệt là hệ thống điện cũng sẽ được kiểm tra kĩ, làm khô các dây dẫn, bảng mạch, áp dụng dung dịch chống rỉ sét.

Chi phí dự tính cho mỗi lần vệ sinh như vậy vào khoảng 1 triệu đồng. Còn nếu xe bị hư hại về máy móc, động cơ (thủy kích) thì con số này có thể lên tới chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng tùy thuộc vào loại xe. Tuy nhiên, nếu có bảo hiểm, phần lớn khách hàng đều được chi trả gần như toàn bộ. Ngoài ra, giá trị bán lại của xe sau này cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu chịu những hỏng hóc nặng.

Ô tô bị ngập nước xếp hàng sửa chữa sau mưa lớn tại Hà Nội ảnh 3


Thủy kích là là hiện tượng thường xuyên xảy ra với xe ô tô, xe máy khi phải di chuyển trong vùng nước ngập sâu. Theo đó, khi xe lội nước liên tục, nước tràn vào đường hút gió sẽ tạo ra một lực ép lớn, khiến cho piston không thể chuyển động dọc theo xi lanh và nhiên liệu không thể cháy trong buồng đốt, dẫn đến tình trạng xe bị chết máy. Trong trường hợp này, nếu người lái vẫn tiếp tục khởi động xe sẽ khiến lượng nước tràn vào động cơ với lực mạnh, làm biến dạng các tay biên piston và dẫn đến hỏng máy xe.

Sau động cơ, hệ thống điện là thành phần tiếp theo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi bị ngâm nước hệ thống điện có thể bị chập cháy, gỉ sét các mối nối hay ảnh hưởng tới tín hiệu, các nút hay bộ điều khiển những trang bị như đèn, hệ thống giải trí, loa…Ngoài ra, hiện tượng này cũng có thể làm hư hỏng nội thất và ngoại thất của xe.

Ô tô bị ngập nước xếp hàng sửa chữa sau mưa lớn tại Hà Nội ảnh 4

Để giữ gìn cho xe khi vượt qua vùng nước ngập, tài xế nên lưu ý khả năng lội nước để tránh tình trạng ô tô bị chết máy giữa đường. Chúng ta có thể tìm hiểu thông tin này qua sách hướng dẫn sử dụng xe hoặc liên hệ trực đến bộ phận kỹ thuật của hãng để được tư vấn và giải đáp. Với xe gầm thấp, giới hạn lội nước an toàn là mực nước cao đến khoảng nửa bánh xe. Ở phân khúc gầm cao, khả năng lội nước sẽ tuỳ theo thiết kế. Dòng SUV và bán tải thường có khả năng lội nước tốt nhất. Ví dụ, Ford Everest có thể dễ dàng vượt qua mực nước sâu lên đến 800 mm hay của Toyota Fortuner là 700 mm.

Ô tô bị ngập nước xếp hàng sửa chữa sau mưa lớn tại Hà Nội ảnh 5

Tình trạng mưa lớn nhiều ngày qua khiến nhiều tài xế ngao ngán.

Ngoài ra, khi đi qua những đoạn đường ngập lụt, cũng cần chú ý cẩn trọng quan sát độ sâu vùng ngập nước, chạy đều ga, ổn định tốc độ. Đồng thời, người lái cũng nên tắt điều hòa vì quạt gió hoạt động sẽ dễ hút nước đi sâu vào bên trong khoang máy.

Trong tình huống ô tô bị ngập nước dẫn đến chết máy, lái xe tuyệt đối không khởi động lại nhiều lần để đề phòng hiện tượng thủy kích khiến động cơ hư hỏng nặng hơn, làm chi phí sửa chữa tốn kém. Giải pháp duy nhất trong trường hợp này là tắt máy, tìm cách đẩy xe lên vị trí cao hơn hoặc nâng gầm xe lên và gọi cứu hộ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.