Ò ó o... thành phố

Ò ó o... thành phố
TP - Năm nào Ngơ về thăm quê, bố Ngơ cũng đem mỗi chuyện lên thành phố ra mà phàn nàn. - Thị xã mình nộp đơn đã lâu mà chẳng thấy nhúc nhích gì cả. Trong khi thị xã hàng xóm mới nộp đơn năm trước năm sau đã lên thành phố rồi.
Ò ó o... thành phố ảnh 1

Ngơ và Thị Mẹt ngao ngán nhìn bố.

- Bố cứ làm như không lên được thành phố thì nhục lắm - Ngơ rỉ tai Mẹt.

- Không nhục nhưng lên được thì oách!- Thị Mẹt thở dài- Dân mình thích oách.

Ừ thì oách! Ai chẳng biết lên thành phố  thì giải quyết được khâu oách. Tỉnh lỵ là thành phố nghe vẫn sang hơn, chứ thị xã nghe quê quê thế nào ấy. Chủ tịch thị xã làm sao oai bằng chủ tịch thành phố?

Dân chúng ra đường gặp người hỏi ở đâu, bảo rằng mình ở thành phố này, thành phố nọ nghe mới sướng cái lỗ rốn. Con gà tức nhau tiếng gáy. Gà hàng xóm gáy: ó ò o... thành phố! Gà mình thì gáy ó ò o... thị xã! Rõ chán mớ đời!

- Thích oách thì phấn đấu cho được cái oách thực danh chứ nhơn nhơn với hư danh thì sung sướng cái nỗi gì - Thị Mẹt lại ngoác cái mồm ra.

- Bé mồm thôi! Bố nghe được, bố giết!- Ngơ hoảng hồn bịt mồm Thị Mẹt.

- Em nói thế không đúng à? Từ thị xã lên thành phố đều có tiêu chuẩn của nó. Đâu cứ phải mình muốn là được!

- Biết rồi! Biết rồi! Người ta căn cứ vào qui mô của thị xã, cơ sở hạ tầng, GDP bình quân đầu người để chấm điểm, khoa học lắm. Hễ thị xã được 70/100 điểm thì được công nhận đô thị loại ba. Được công nhận đô thị loại ba mới mong được công nhận lên thành phố.

- Đấy, đúng chưa!- Thị Mẹt kêu to- Muốn lên thành phố thì tự mình phấn đấu, chứ xin xỏ mà được à?

Bố Ngơ trừng mắt:

- Mày sách vở lắm con ơi!

Thị Mẹt rụt cổ im thin thít. Ngơ đỡ lời:

- Bố ơi, Mẹt nói thế là có lý của Mẹt. Từ  thị xã lên thành phố người ta căn cứ vào điểm số, cứ đủ điểm là lên thôi bố, đâu cần xin xỏ gì.

- Bố hỏi mày: Thị xã tỉnh lỵ tỉnh hàng xóm nếu chấm điểm đằng thằng ra thì được bao nhiêu? GDP của nó cộng cả rau ria, cơm cà mắm muối vẫn còn thua xa thị xã nhà ta. Cơ sở hạ tầng của nó có gì? Thế mà đánh đùng một cái nó lên thành phố. Vì sao? Mày trả lời đi!

Ờ nhỉ! Cũng là đô thị loại ba, có anh vừa được công nhận ít lâu đã lên thành phố ngay, có anh chờ dài cổ năm bảy năm không thấy tăm hơi. Cũng quê kiểng với nhau cả, bỗng đùng đùng vài chục anh lên đô thị loại ba, mươi lăm anh lên thành phố, đã quá trời!

Bố Ngơ hỏi  Mẹt:

- Bố hỏi mày: Thị xã A vì sao lên thành phố?

- Con không hiểu.

Tao nghĩ mãi cũng không hiểu. Sau tao đoán chắc là vì nó là thị xã kiên cường.

- Ô hay! Kiên cường là kiên cường, thành phố là thành phố chứ bố?!

- Mày biết một mà không biết hai- Bố Ngơ rung đùi nói- Kiên cường nức tiếng năm châu lại lẹt đẹt mãi cái thị xã còn ra cái gì. Vì vậy tao cho nó được lên thành phố là đúng.

Bố Ngơ tiếp:

- Bố lại hỏi mày: Thị xã B vì sao lên thành phố?

- Con cũng không hiểu.

- Tao đoán là vì nó là thị xã gần nước hàng xóm.

Ngơ há hốc mồm:

- Ô hay! Thành phố là thành phố, có liên quan gì đến việc gần hay xa nước hàng xóm?

- Mày lại biết một mà không biết hai- Bố Ngơ lại rung đùi- Kề đấy, thị xã nước hàng xóm người ta lên thành phố từ tám hoánh, mình không lên thành phố còn ra cái gì! Vì vậy nó lên thành phố là đúng.

Ngơ há hốc mồm. Trong cái lý để lên thành phố phải chăng lại có cái lẽ như vậy?

- Hai thị xã kia lên thành phố, bố nhất trí cái rụp. Nhưng thị xã hàng xóm thì bố không chịu. Kiên cường cũng không, vùng xa vùng sâu cũng không. Cái gì cũng lẹt bẹt thua thị xã nhà mình, tại sao nó lên thành phố?

- Bố ơi con lại tịt rồi- Ngơ mếu máo - Có khi trong xếp loại đô thị còn cộng thêm điểm cảm tình nữa bố ạ!

Hu hu! 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.