Ô nhiễm bủa vây

Ô nhiễm bủa vây
TP - Theo nhiều chuyên gia về môi trường, có khoảng 90% lượng chất thải nguy hại (CTNH) ở TPHCM không được thu gom, xử lý đến nơi đến chốn, thậm chí có nơi lén lút chôn lấp hoặc xả trực tiếp xuống cống, rãnh.

> Quản lý bụi lò thép: Phớt lờ cảnh báo độc hại
> Kiên quyết xử lý các hộ dân gây ô nhiễm môi trường

Do thất thoát số lượng lớn CTNH ra môi trường nên không khí, nước ngầm, sông, rạch… tại TPHCM bị ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Ô nhiễm khắp nơi

Chiều 18/3, đứng trên cầu Suối Nhum (đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM), chúng tôi phải nín thở vì mùi hôi xộc thẳng vào mũi. Ông Nguyễn Văn Phương (70 tuổi, ngụ 114 Lê Văn Chí) nói: Trời lặng gió còn thối hơn nhiều. Sáng ngủ dậy, mùi thối bốc lên không ai chịu nổi.

Các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, cơ sở sản xuất quanh đây đều xả nước thải xuống suối. Mấy hôm họ nghỉ Tết, mùi hôi giảm hẳn. Sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều bà con ở đây bị ho, viêm hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tôi cũng bị viêm xoang, viêm phế quản mãn tính, phải điều trị thường xuyên.

Suối Nhum hợp lưu với suối Xuân Trường thành Suối Cái, chảy qua các phường Linh Xuân, Linh Trung (quận Thủ Đức), Tân Phú, Hiệp Phú (quận 9) rồi đổ ra sông Tắc và sông Đồng Nai. Suối đục ngầu, sủi đầy bọt.

Đoạn qua khu phố 5, nước đổi sang màu đen. Chỉ một đoạn dài hơn 100m, chúng tôi đếm có trên 20 miếng cống xả nước thải đục ngầu, bốc mùi hóa chất.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM đánh giá, Suối Cái bị ô nhiễm trầm trọng. Có lúc, chỉ số COD tăng 67 lần, BOD 73 lần, Coliform (vi sinh): 110 lần.

Ngoài ra, ở các kênh Thầy Cai, An Hạ, kênh B, kênh C… các thông số về COD, BOD5, Coliforms tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, vượt tiêu chuẩn chất lượng nước dùng cho thủy lợi và nước thải công nghiệp.

Sông Sài Gòn, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TPHCM cũng bị nhiễm coliform nặng. Tại Trạm bơm Hòa Phú (Nhà máy nước Tân Hiệp), nồng độ pH, oxy hòa tan, các chất sắt, phenol, amoni đều vượt quy chuẩn nhiều lần.

Tại điểm thu nước ngầm của Công ty cấp nước Trung An, nồng độ sắt có lúc lên tới 16,4mg/lít trong khi tiêu chuẩn cho phép cao nhất là 5mg/lít.

Chỉ thu gom, xử lý được 10%

Theo Sở TN&MT, mỗi ngày TPHCM phát sinh từ khoảng 2.000 tấn chất thải công nghiệp, trong đó có 250 - 350 tấn CTNH. Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh mỗi ngày thải ra khoảng 20 tấn CTNH. Lượng CTNH tăng bình quân khoảng 12%/năm.

Kết quả phân tích trên 100 mẫu bùn thải lấy tại các doanh nghiệp, KCX-KCN, cụm CN của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Phước Dân, Trưởng khoa Môi trường (ĐH Bách Khoa TPHCM) chủ trì xác định có 60% lượng bùn thải chứa các CTNH.

Nhiều chuyên gia cảnh báo dầu nhờn thải ra từ hoạt động giao thông và sản xuất công nghiệp chứa rất nhiều chì, kẽm và một số hóa chất độc hại khác, có thể gây ra ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm.

CTNH trên đang được mua bán, sử dụng, tái chế, thải trực tiếp các chất độc ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và đe dọa sức khỏe người dân.

Trong khi đó, TPHCM chỉ có 13 nhà máy xử lý CTNH; 49 đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH nhưng chỉ có 19 đơn vị có khả năng xử lý với năng lực xử lý đạt khoảng 10% lượng CTNH. 30 đơn vị còn lại chỉ thu gom, vận chuyển và …phát tán CTNH khắp nơi.

“Nhiều CTNH được thu gom chung với rác thải công nghiệp. Một lượng lớn CTNH đi vào các bãi chôn lấp rác. Nguy hiểm là, khi vào bãi rác, CTNH phá hủy quá trình phân hủy rác hữu cơ, gây ô nhiễm nước ngầm. Vì vậy, có bãi rác vẫn đầy, không xẹp xuống sau nhiều năm chôn lấp”- ông Hải nói.

Chất thải nguy hại gồm 19 nhóm

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín thừa nhận nhiều loại CTNH không được xử lý như dầu nhớt thải, hóa chất sơn mài... Dầu nhớt thải đổ trực tiếp xuống cống. Nhiều cơ sở sơn, sơn mài cũng làm thất thoát số lượng lớn hóa chất độc hại ra môi trường.

“Quy trình xử lý không cho phép nhưng do việc phân loại rác tại nguồn hiện nay TPHCM làm chưa tốt nên không tránh khỏi CTNH lẫn với rác thải sinh hoạt” - ông Tín nói. Hiện trạng phân loại CTNH gồm 19 nhóm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.