Ở đâu khó, có Quyền Linh

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Đừng gọi tôi là “ngôi sao”, cứ gọi tôi là Quyền Linh thôi”, diễn viên, MC “quốc dân” bày tỏ. Đã 20 năm nay, Quyền Linh miệt mài với hoạt động thiện nguyện. Cúi xuống những thân phận thiệt thòi anh như gặp bóng dáng của mình trong quá khứ.

Đóng phim khổ hơn cày ruộng

Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, NSƯT Quyền Linh tên thật là Mai Huyền Linh. Anh không bao giờ che giấu gốc gác nông dân quê mùa nhưng kết luận: Nghề nông một nắng hai sương tuy vất vả, song làm diễn viên còn cực hơn thế!

Ở đâu khó, có Quyền Linh ảnh 1

Nhớ về những năm tháng lăn lộn trên phim trường, nam diễn viên bật cười: “Đóng 6 tháng, 1 năm trời mới xong một phim. Nhưng đóng xong thiếu nợ còn nhiều hơn cát xê. Cát xê được 1 triệu thì thiếu nợ 10 triệu rồi”. Cũng đã có lúc vất vả, thiếu thốn khiến anh định từ bỏ đam mê.

Quyền Linh nhớ kỷ niệm tham gia phim “Những nẻo đường phù sa”, quay từ 5 giờ sáng hôm nay đến 5 giờ sáng hôm sau là chuyện bình thường. Sáng mua cơm vào rừng đến khuya mới được ăn, cơm nguội ngắt, cứng quèo. Hay khi anh đóng “Bông hoa rừng Sác”, phải nằm dưới rừng đước Cần Giờ: “Nước bốc mùi ghê lắm, nhưng nằm riết dưới nước ấy rồi cũng quen cái mùi. Đóng xong phim tôi bị ghẻ từ chân tới mặt, muỗi cắn khắp người. Muỗi ở rừng đước Cần Giờ khi ấy đúng như câu ca cổ “muỗi bay như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Đi rừng đóng phim khiến anh mắc bệnh sốt rét, khỏi bệnh, lại đóng phim úp mặt xuống nước bẩn, bị sốt rét tiếp. Quyền Linh chưa từng dùng tới diễn viên đóng thế. Chính anh tự diễn những cảnh khó. Ở “Những nẻo đường phù sa” trong vai tử tù anh đóng cảnh bị tra tấn, treo ngược lên, vừa đánh, vừa xối nước. Nam diễn viên vừa thở dốc vừa tự hỏi: “Ủa, tại sao mình khổ thế?”.

Hỏi Quyền Linh: “Giai đoạn nào cực nhất trong quãng đời đã qua của anh?”. Anh cười: “Giai đoạn nào cũng cực hết trơn”. Hồi học khoa diễn viên, Trường Nghệ thuật Sân khấu II, ở TP Hồ Chí Minh, Quyền Linh thường chịu cảnh đói ăn: “Ở quê đói thì ra ruộng, ra vườn, kiếm rau luộc ăn, cũng qua ngày. Thậm chí xin cái cháy cơm của hàng xóm cũng qua ngày. Ở thành phố lấy đâu ra rau, xin ai, mượn ai? Không đói mới là chuyện lạ”. Học xong, anh lãnh bằng tốt nghiệp đồng thời lãnh luôn “bằng thất nghiệp”: “Ngày xưa đâu có dễ vào đoàn kịch. Đoàn quá nhiều ngôi sao như Thành Lộc, Đàm Loan, Lâm Hùng…”, Quyền Linh nhớ lại. Khi sân khấu thoái trào, anh xin chân nấu cơm cho đoàn kịch, làm hậu đài cho đoàn, cứ bám riết lấy đoàn, chờ vai diễn. Qua đoàn phim, anh cũng nhận tất cả những công việc người khác ngại làm, phụ khuân vác thứ nọ, thứ kia, miễn sao có chân trong đoàn là được. Những năm thất nghiệp, để tồn tại giữa thành phố đắt đỏ, anh từng làm nghề mua bán ve chai. Hàng ngày, Quyền Linh vào phòng ký túc xá xin chai lọ, đồ nhựa bỏ đi, mang bán. Tối đến, chờ xe chở trái cây, rau củ quả từ Đà Lạt về thành phố, anh xin hoặc mua rẻ những trái cây, rau củ bị dập, mang về cắt gọt phần hỏng, phần tươi ngon mang ra chợ bán… Có chiếc xe đạp, Quyền Linh kiêm luôn nghề đưa đón con cho mấy phụ huynh bận bịu. Buổi sáng, anh dậy sớm chở ba đứa trẻ đi học. Chiều lại canh giờ, đón chúng về. Hết tháng, các phụ huynh gửi cho Quyền Linh chút tiền.

Khi lấy “bà xã” Dạ Thảo, Quyền Linh đã là “ngôi sao” điện ảnh. Nhưng “ngôi sao” vẫn ở nhà thuê, tài sản duy nhất anh sở hữu chính là chiếc Vespa 150 phân khối, đạp hơn trăm cái mới chịu nổ. Nhưng cái tính hiền lành, “sai gì cũng làm hết trơn” của Quyền Linh đã khiến trái tim người đàn bà giỏi nghề kinh doanh cảm động. Chị đã gật đầu làm vợ Quyền Linh.

Về “phe” thiệt thòi

Những tháng ngày Sài Gòn đau thương như “thành phố chết”, Quyền Linh đã xông pha “ra trận”, trợ giúp đồng nghiệp, trợ giúp bà con. “Bà xã” Dạ Thảo lo cho chồng. Chị không nói câu gì nhưng ngày nào cũng gởi cho chồng hình bệnh nhân thở máy hay những clip “kinh khủng”. Mẹ ruột ở quê ngày nào cũng khóc khi xem những clip do bạn bè anh hoặc người dân đưa lên mạng xã hội: “Ngưng lại đi con ơi”, bà gọi điện cho con trai nói như van nài. Sinh năm 1969, Quyền Linh không còn trẻ, anh lại mắc nhiều bệnh nền, trước sự lo lắng của gia đình, bạn bè, anh cũng bối rối song vẫn quyết định tiếp tục xông pha nơi nguy hiểm: “Bấy giờ có ai được ra ngoài đường đâu. Tôi lại được đi. Tất cả các anh công an, người gác chốt đều biết tôi làm từ thiện. Cứ thấy tôi, họ đã mở cổng cho đi rồi. Tôi nói với người thân, người ta cần mình trong lúc này mà mình không đến kịp, người ta sẽ chết. Mình vác bình ô xy tới, giúp người ta thở được. Mình đem liều thuốc nhức đầu đến cũng giúp người ta bớt đau… Mình không làm là có tội”, anh trải lòng.

Khi thành phố đã gượng dậy, Quyền Linh cũng đã bình an, anh tự hỏi, sao lúc ấy mình khỏe hơn cả phu khuân vác? “Có hôm tôi tặng cho Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh 10 tấn gạo, để hỗ trợ các nghệ sỹ nghèo. Tôi cũng tặng Hội Nghệ sỹ Sân khấu TP Hồ Chí Minh 10 tấn gạo. Hổng có ai vác hết bởi không ai đi được. Tôi với người chở gạo cùng 2 người bạn của tôi khuân vác trong 2 ngày hết 20 tấn gạo. Xong việc trở về nhà, tôi đi không nổi luôn, nằm cũng đau, ngồi cũng đau…”. Quyền Linh tiết lộ, anh bị thoát vị đĩa đệm. Sức khỏe không cho phép song anh vẫn gắng làm, bởi “mình không làm thì ai làm?”. Đi vào các khu cách ly cũng chính anh vác đồ, tặng một tấn gạo cũng phải vác vào cho dân. Vì va F0 thường xuyên, nên thời gian đầu Quyền Linh không dám về nhà, anh ở nhà trọ của một người bạn. Sau đó, anh về nhà nhưng sinh hoạt riêng, cách li vợ con. Dạ Thảo, “bà xã” anh thường để đồ ăn trước cửa phòng anh. Chờ vợ con vào phòng, Quyền Linh mới ra lấy đồ ăn, lủi thủi ăn một mình. Có người hỏi Quyền Linh: “Không sợ F0 hay sao?”. Quyền Linh chia sẻ: Anh cũng sợ COVID-19 “chết đi được” nhưng khi định dừng thì những tiếng kêu cứu lại ám ảnh anh, khiến anh quên đi nỗi sợ hãi, tiếp tục quăng mình vào nguy hiểm.

Ở đâu khó, có Quyền Linh ảnh 2

Quyền Linh và gia đìnhẢnh: Internet

Quyền Linh tự nhận mình dở việc nhà song có thời gian rảnh anh vẫn cố gắng nấu ăn sáng cho hai cô con gái hoặc ráng đi chợ mua đồ: “Người bán hàng ở chợ thấy tôi là vui như tết, bởi tôi đụng cái gì mua cái nấy”, anh kể. Nhưng cả nhà anh lại… sợ mỗi khi anh đi chợ. Quyền Linh khuân về cả xe, nào tôm, nào tép, nào bầu, nào bí… như mang cả siêu thị về nhà.

Quyền Linh khen hai cô con gái đáng yêu, tình cảm. Nhưng anh không muốn hai con nối nghiệp mình. Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói: “Làm nghệ thuật vất vả lắm. Đừng nhìn vào ánh hào quang”.

20 năm qua, Quyền Linh âm thầm hoạt động thiện nguyện. Những khi đất nước khó khăn, từ bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, xây cầu cho vùng quê nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, mổ mắt cho người nghèo… đều có mặt diễn viên, MC “quốc dân” này. Nhưng điều đặc biệt, Quyền Linh chỉ duy nhất một lần đứng ra kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng cho hoạt động thiện nguyện, còn lại anh dùng tiền túi. “Tôi nghĩ đơn giản: Xung quanh tôi có rất nhiều người bạn tốt, họ đồng hành với tôi. Đi nhiêu đó đã mệt rồi, tôi không kêu gọi vì không có sức để đi”, anh giải thích. Nghệ sỹ luôn cảm ơn người bạn đời đã thấu hiểu cho chồng. “Cứ bảo tôi là trụ cột gia đình nhưng tài chính trong gia đình tôi, “bà xã” lo là chính. Tôi đi làm cái này, cái kia, phụ cái này cái kia, nhận làm quảng cáo, để kiếm tiền bỏ túi riêng. Vợ tôi không bao giờ hỏi, không bao giờ biết tôi làm được bao nhiêu tiền. Cô ấy biết tôi cũng chỉ dùng tiền để giúp người khác, nên không nói gì”. Quyền Linh có nick name MC “quốc dân” không chỉ bởi anh giữ được hình ảnh sạch và sự thân thiện, mà còn bởi anh dẫn chương trình theo kiểu “vượt rào” ngoài kịch bản, thấy nhân vật tham gia chương trình có đời sống khó khăn, vất vả, anh sẵn sàng giúp đỡ. Có khi sự giúp đỡ của anh còn hơn cả phần quà của nhà tài trợ.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.