Ồ ạt trồng sầu riêng: Lo điệp khúc 'trồng-chặt'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thị trường số một khơi thông, giá cả tăng cao, lợi nhuận hấp dẫn… khiến trái sầu riêng tạo nên một sức hút khó cưỡng đối với nhiều nông dân ĐBSCL. Khi diện tích trồng sầu riêng không ngừng tăng cũng là lúc nguy cơ diện tích vượt quy hoạch, lo ngại điệp khúc trồng rồi chặt…

Lợi nhuận bằng 10 lần trồng lúa

Với gần 1 mẫu (10.000m2) đất trồng sầu riêng, anh Nguyễn Hoàng Việt (xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, trước đây bà con ở đây chủ yếu sống nhờ cây lúa, nhưng gần đây, rất nhiều hộ đã chuyển sang cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng. Bởi cây sầu riêng mang lại lợi nhuận hơn hàng chục lần so với trồng lúa, người dân nhận thấy hiệu quả khi chuyển đổi cây trồng.

Theo ước tính của anh Việt, với 1 mẫu đất trồng sầu riêng, mỗi năm lợi nhuận mang lại cho nông dân cỡ 1 tỷ đồng, trong khi trồng lúa thì chưa đến 100 triệu đồng. “Ở đây nông dân người ta chuyển sang trồng sầu riêng nhiều lắm, chính quyền, ban ngành cũng hỗ trợ giúp đỡ về kỹ thuật bằng các lớp tập huấn, hướng dẫn sản xuất, cũng chưa nghe ai khuyến cáo gì” - anh Việt nói.

Ồ ạt trồng sầu riêng: Lo điệp khúc 'trồng-chặt' ảnh 1

Thu hoạch, vận chuyển sầu riêng ở ĐBSCL. ẢNH: CK

Là nông dân trồng sầu riêng nhiều năm tại huyện Cai Lậy, một trong những địa phương trồng sầu riêng hàng đầu của tỉnh Tiền Giang và vùng ĐBSCL, anh Phạm Thanh Nhã (xã Long Trung, huyện Cai Lậy) cho biết, từ khi có hệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn, cây sầu riêng được bà con nơi đây lựa chọn và gắn bó. Tại Tiền Giang, khu vực phía Nam Quốc lộ 1 thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy là vùng chuyên trồng sầu riêng.

Cần lường trước rủi ro

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho rằng, cần tính toán được sản lượng ở mức nào và mức tiêu thụ của thị trường ra sao để khuyến cáo bà con trồng cho hợp lý. “Tính về mặt cân đối, nếu trong điều kiện ổn định thì sức tiêu thụ rất tốt, vì cây sầu riêng là cây trồng nhiệt đới, nguồn cung trên thế giới không nhiều như một số loài cây ăn quả khác. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại là xảy ra trục trặc hay sự cố như dịch bệnh chẳng hạn mà chúng ta không lường trước được rủi ro” – ông Liêm nói.

Anh Nhã cho biết, sầu riêng Ri6 hiện có giá khoảng 90.000 đồng/kg, còn sầu riêng Monthong 110.000-120.000 đồng/kg. Với 3 công (3.000m2) sầu riêng của gia đình, nếu cây cho trái năng suất bình thường, bán với giá khoảng 90.000 đồng/kg thì mỗi năm trừ chi phí, anh Nhã lãi khoảng 400 triệu đồng, gấp cả chục lần trồng lúa.

Tham gia xử lý cho cây sầu riêng ra trái rải vụ, nghịch mùa mấy năm nay, ông Phan Tấn Phúc (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cho biết, năm nay sầu riêng cho trái nghịch vụ vừa trúng mùa vừa trúng giá, năng suất trái có thể đạt hơn 2,5 tấn/công, với giá bán ở mức từ 80.000 đồng/kg trở lên, nông dân có thể thu lãi từ 200 triệu đồng/công trở lên...

Kiểm soát phát triển nóng

Là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, những năm qua, cây sầu riêng được trồng ngày càng nhiều tại vùng ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Cả nước hiện có khoảng 80.000ha trồng sầu riêng và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Riêng tại Tiền Giang, vài năm gần đây diện tích sầu riêng tăng mạnh và hiện gần chạm mốc 20.000ha, vượt kế hoạch. Tuy nhiên, số diện tích được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu còn rất khiêm tốn.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho rằng, cần có các hành động kết nối nhằm chinh phục thị trường tốt hơn, nếu để mất kiểm soát vùng trồng, sản phẩm dư thừa thì rất khó kiểm soát được thị trường. Do đó, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát để giữ được cân bằng cung - cầu.

Để tránh chuyện nông dân chạy đua mở rộng sầu riêng khi thị trường cần, giá bán cao, các cơ quan quản lý nhà nước phải có hướng dẫn, khuyến cáo. “Như ở các nước, người ta khuyến cáo ai muốn trồng sầu riêng thì phải là thành viên của hiệp hội sầu riêng, khi đó mới bán được…” - ông Viên nói.

Theo bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, đặc biệt với trái sầu riêng đang là điểm nóng. Việt Nam và Thái Lan, Malaysia mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Tiềm năng đối với sầu riêng ở thị trường Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt khi loại quả này đã được xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, theo bà Vy, thị trường Trung Quốc siết các tiêu chuẩn nhập khẩu, nhất là với cây ăn trái, kênh tiêu thụ thị trường trong nước cũng nên thay đổi theo để tạo sự đồng bộ cho sản phẩm, có tiêu chuẩn để thích ứng với các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ… Muốn vậy, cần có sự liên kết, bởi doanh nghiệp không thể tự đầu tư hoàn toàn vùng nguyên liệu lớn, mà phải bằng hình thức liên kết với nông dân và địa phương.

Tại một hội thảo về cây sầu riêng ở Tiền Giang mới đây, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cảnh báo, việc ồ ạt chuyển sang cây sầu riêng nguy cơ làm vỡ quy hoạch vùng trồng lúa. Mặt khác, người dân đã nhiều năm trồng lúa, khi chuyển sang cây sầu riêng sẽ không có đủ kinh nghiệm, mua giống không đảm bảo, vùng đất không thích hợp cho loại cây này thì hiệu quả sẽ không như kỳ vọng.

Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi các địa phương phía Nam chỉ đạo phát triển cây sầu riêng, khuyến cáo tình trạng ồ ạt chạy theo phong trào sẽ mang đến hệ lụy lớn khi nguồn cung dư thừa. Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT ngày 30/11/2022 của Bộ NN&PTNT về việc phát triển bền vững cây sầu riêng, chanh leo.

Theo Chỉ thị 8084, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, chanh leo tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế sầu riêng, chanh leo phục vụ xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến (đặc biệt là chế biến sâu); liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo hiệu quả trên địa bàn...

MỚI - NÓNG