NV 3: Cơ may cuối cùng vào ĐH, CĐ

NV 3: Cơ may cuối cùng vào ĐH, CĐ
Ngày nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV 2 chưa chấm dứt, một loạt trường ĐH, CĐ đã công bố nhận hồ sơ xét tuyển NV3. Hàng ngàn chỉ tiêu còn lại rải đều cho các khối với điểm nhận hồ sơ chỉ bằng điểm sàn.
NV 3: Cơ may cuối cùng vào ĐH, CĐ ảnh 1
Thí sinh chen lấn nộp hồ  sơ NV2 vào Trường ĐH Công nghiệp.

Sự "nồng nhiệt" của các trường, khối lượng chỉ tiêu đồ sộ và điểm sàn thuận lợi liệu có là tin vui cho những thí sinh đang cầm trong tay cơ hội trúng tuyển cuối cùng?

Thí sinh khối D: khan hiếm!

Đến ngày cuối cùng nhận hồ sơ xét tuyển NV2, trưởng phòng đào tạo Trường ĐHDL Văn Hiến TPHCM vẫn lo lắng: "Trường chỉ mới tuyển được khoảng 350 chỉ tiêu. Gần 900 chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho xét tuyển NV3".

Ông cho biết thêm, một số ngành như công nghệ thông tin, điện tử, ngoại ngữ... có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển.

Vì vậy, cửa còn lại dành cho thí sinh đăng ký NV3 là "thênh thang rộng bước". Sang đến ngày 12/9/2005, trường lại thông báo chính thức sẽ xét tuyển đến hơn 1.000 chỉ tiêu NV3. Trong đó, một số ngành còn chỉ tiêu "dồi dào" là văn hóa học (180 chỉ tiêu), điện tử viễn thông (150 chỉ tiêu).

Riêng các ngành ngoại ngữ xét tuyển khối D thì chỉ tiêu còn lại xấp xỉ với chỉ tiêu tuyển sinh được thông báo từ đầu năm!

Ở Trường ĐHDL Hùng Vương, các ngành ngoại ngữ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cán bộ phòng đào tạo cho biết chỉ tiêu dành cho NV3 còn rất "vô tư" bởi số lượng trúng tuyển NV2 quá ít.

Trong đó như ngành tiếng Trung mới chỉ có... hai thí sinh trúng tuyển, tiếng Nhật thì được sáu, tiếng Pháp được bảy. Tiếng Anh thì khá hơn với 17 thí sinh. Trước thực tế đó, trường phải thông báo xét tuyển thêm gần 500 chỉ tiêu nữa.

Trong khi đó, Trường ĐHDL Công nghệ Sài Gòn có số chỉ tiêu dành cho NV3 còn nhiều hơn thế. Theo thông tin từ phòng đào tạo, trường sẽ phải xét tuyển thêm khoảng 600 thí sinh.

Một ưu thế khiến thí sinh yên tâm không chọn lầm ngành là trường không phân ngành ngay từ đầu. Thay vào đó, thí sinh có thể đăng ký và sau khi trúng tuyển sẽ được học một năm trước khi chọn chuyên ngành chính thức.

Một vài trường khác như ĐHDL Kỹ thuật công nghệ, ĐHDL Ngoại ngữ - tin học cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trong hơn 500 chỉ tiêu xét tuyển NV3 của ĐHDL Kỹ thuật công nghệ, ngành tiếng Anh xét tuyển khối D1 còn chỉ tiêu khá lớn. Tiếp đó mới đến các ngành công nghệ may, kỹ thuật môi trường...

ĐHDL Ngoại ngữ - tin học thì lại đang lo lắng với các ngành xét tuyển khối D như Trung Quốc học, tiếng Trung và Hàn Quốc học.

Cả ba ngành này đều xét tuyển khối D1, riêng hai ngành tiếng Trung và Trung Quốc học còn xét tuyển thêm cả khối D4.

Ở ĐHDL Hồng Bàng, cảnh thiếu thí sinh đăng ký xét tuyển khối D được nhìn thấy khá rõ đối với một loạt ngành như Hàn Quốc học, Úc học, Hoa Kỳ học, tiếng Anh, Việt Nam học...

Sẽ có một số ngành không mở được?

Trước tình hình đó, cán bộ đào tạo của một trường đã bi quan nghĩ đến chuyện một số ngành sẽ có khả năng không mở được. Cán bộ này bỏ lửng câu nói đầy lo lắng: "Trường chỉ mở được lớp khi có tối thiểu 30 sinh viên, nhưng..."

Các trường đều canh cánh nỗi lo không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, không ít thí sinh vừa trượt NV2 lại không biết phải nộp hồ sơ vào đâu.

Không như những năm trước, khi đến thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển NV3, có khá nhiều trường thông báo chỉ tiêu và thí sinh vẫn còn cơ hội để chọn lựa. Năm ngoái, ĐH Mở - Bán công TPHCM còn xét tuyển NV3 đến bảy ngành. Năm nay, trường thông báo không xét tuyển NV3 nữa.

Đến lúc này mới chỉ có ĐH Công nghiệp cho biết sẽ xét tuyển thêm cho ngành công nghệ môi trường. Ở đồng bằng sông Cửu Long, ĐH Sư phạm Đồng Tháp năm ngoái xét tuyển NV3 một số ngành, năm nay cũng đã thôi tuyển từ NV2. Tất nhiên các trường ĐH công lập lớn, chuyện xét tuyển thêm NV3 càng khó có khả năng xảy ra.

Nghĩa là thí sinh muốn đăng ký xét tuyển NV3 vẫn chỉ có thể loanh quanh với một số tên trường quen thuộc: Văn Hiến, Hồng Bàng, Hùng Vương, Kỹ thuật công nghệ, Công nghệ Sài Gòn...

Số lượng trường để thí sinh có thể chọn lựa gửi gắm NV cuối cùng giảm hẳn so với năm trước. Ngược lại, chỉ tiêu của từng trường xét tuyển NV3 thì lại tăng lên. Điều này được nhìn thấy rõ ở trường hợp của ĐHDL Văn Hiến.

Chưa năm nào trường dành đến hơn 1.000 chỉ tiêu để xét tuyển NV3. Ở ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học, nếu như năm trước chỉ xét tuyển 100 chỉ tiêu NV3 cho một số ngành thì năm nay phải xét tuyển đến 400 chỉ tiêu cho tất cả các ngành.

Ở ĐHDL Công nghệ Sài Gòn, PGS. TS Hồ Đắc Thọ khẳng định, số lượng chỉ tiêu dành cho NV3 của trường năm nay cũng nhiều hơn hẳn năm trước.

Trong bối cảnh đó, cơ hội lựa chọn dành cho thí sinh vừa không trúng tuyển NV2 tại các trường công lập cũng không còn là bao, mặc dù điểm thi của họ không phải thấp. Thuộc diện này phải kể đến những thí sinh vừa đăng ký xét tuyển NV2 tại ĐH Y Dược TP.HCM.

Với mức điểm sàn xét tuyển các ngành từ 18,5 điểm đến 20 điểm nhưng điểm chuẩn trúng tuyển thì cao lên đến 22, thậm chí 25 điểm như đối với ngành cử nhân xét nghiệm. Phần lớn các trường công lập khác cũng có điểm chuẩn NV2 cao hơn điểm sàn xét tuyển 1 - 2 điểm.

Chính vì vậy đường vào ĐH của những thí sinh này giờ đây chỉ còn một lựa chọn duy nhất: chấp nhận vào các trường tốp dưới cùng với những thí sinh có điểm thi vừa bằng với điểm sàn chung của Bộ GD - ĐT.

Đó là một thực tế không chỉ đáng buồn đối với những thí sinh vốn đã không may với hai NV trước, mà ít nhiều còn phản ánh sự bất công đến nghiệt ngã của tuyển sinh.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.