> Khát nước trên 'cổng trời'
> Dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Công trình cấp nước sạch nông thôn có thu tiền ở xã Đăk La. |
Mở vòi, dòng nước trong, mát lạnh phun ra, anh A Trum (dân tộc Rơ Ngao) ở thôn 4, xã Đăk La hào hứng kể: “Thôn mình nhà nào cũng được Trung tâm NS&VSMTNT lắp đặt đường ống dẫn nước đến từng nhà. Bây giờ, người dân không phải dùng gàu múc nước giếng vất vả như trước nữa”.
Không giấu niềm vui, anh A Đức xởi lởi: “Vào mùa khô, giếng nước trong thôn thường cạn, không đủ dùng, nay công trình cấp nước sạch xã Đăk La bảo đảm cấp nước cho từng nhà, mình rất phấn khởi. Tuy dùng nước cấp phải trả tiền, nhưng bà con ai cũng đăng ký để được cấp nước”.
Ông A Rét, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Đăk La, nói: “Thôn 4 có 115 hộ. Hộ nào cũng tự nguyện đăng ký để được cấp nước sạch. Tuy nhiên, bà con mong muốn giá nước và việc cung cấp nước phải ổn định”.
Theo ông Hồ Văn Đà, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh, công trình cấp nước sinh hoạt xã Đăk La được đầu tư hơn 20 tỷ đồng, có công suất 1.440 m3 nước/ngày đêm, cấp nước cho 1.622 hộ (8.417 khẩu) được khởi công tháng 9/2011.
Đến nay, công trình đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt các hạng mục chính như giếng khoan, khu xử lý, hệ thống điện, hệ thống nước, đồng hồ nước đến từng hộ gia đình và đưa vào vận hành. Trung tâm đã đấu nối hệ thống nước cho hơn 640 hộ/1.000 hộ đăng ký. Việc thu tiền để giúp người dân nâng cao ý thức sử dụng nước sạch.
Xác định giá hợp lý
Theo quyết định của UBND tỉnh Kon Tum, năm 2013, giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân cư là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 2.000 đồng/m3; giá tiêu thụ cho các hộ dân cư thuộc đối tượng khác 3.500 đồng/m3 (giá trên đã bao gồm thuế GTGT).
Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ…, giá tiêu thụ nước sạch do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch quy định theo phương án được UBND tỉnh thông qua.
Dù giá tiêu thụ nước thực tế của công trình này là 5.673 đồng/m3 (đã tính thuế GTGT), nhưng đối với mô hình này, tỉnh Kon Tum không tính hiệu quả kinh doanh mà chủ yếu phục vụ dân sinh.
Do vậy, UBND tỉnh không tính khấu hao cơ bản trong việc xác định giá tiêu thụ nước; đồng thời phải hỗ trợ thêm kinh phí (từ ngân sách tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia nước NS&VSMTNT) để bù đắp chi phí quản lý sản xuất, vận hành và bảo dưỡng công trình.