Kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng mười nga (1917-2017)

Nước Nga thương mến - Kỳ cuối: Như thể cố hương

Chụp ảnh với hai nữ sinh Nga trong căn phòng ký túc xá tác giả từng ở hơn 20 năm trước đó (thời điểm chụp 2007).
Chụp ảnh với hai nữ sinh Nga trong căn phòng ký túc xá tác giả từng ở hơn 20 năm trước đó (thời điểm chụp 2007).
TP - Có một điều không phải do chúng tôi - những người từng sống, học, làm việc ở Nga nói, mà chính những người từng trải qua những kinh nghiệm như thế ở nước khác nhận xét và chia sẻ: Nước Nga có cái gì đó đặc biệt trong thiên nhiên, con người và văn hóa khiến cho những người từng ở đó dường như cảm thấy gắn bó hơn so với ở nhiều nước khác.

Tôi có người bạn cùng học ở Krasnodar - Nga, sau này sang Mỹ học rồi ở lại sống ở đó, một lần về nước tâm sự: Khi có điều gì đó u uẩn trong lòng thì chỉ nghe nhạc Việt, nhạc Nga chứ không bao giờ nghe nhạc nước sở tại.

Không biết nữa, có thể nước Nga cũng chẳng đặc biệt đến thế, có thể chỉ đơn giản là đã trôi qua ở đó những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân của chúng tôi, khi mà tính cách mỗi người còn đang tiếp tục định hình, khi mà nền tảng kiến thức và chiều sâu văn hóa trong mỗi người được bồi đắp ở giai đoạn quyết định. Phải chăng như thế nên khi chia xa mới thành dùng dằng, vướng vít như những sợi tơ của cái cuống sen bị bẻ lìa mà Nguyễn Du tả đầy ẩn dụ trong câu Kiều “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Rồi bối cảnh lịch sử, mối quan hệ đặc biệt Xô/Nga - Việt nữa. Mọi thứ đều có thể, chỉ biết rằng sự lưu luyến của chúng tôi với đất nước, con người, thiên nhiên, văn hóa Nga là có thật và có vẻ sâu đậm hơn nhiều cộng đồng từng ở nước ngoài khác.

Mong mọi người tha thứ, tôi nói thẳng ra rằng khi nghe giá dầu xuống sâu, tôi lo cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN đang phải gánh đến hai ba chục phần trăm tổng thu ngân sách quốc gia mươi phần thì ái ngại cho nước Nga cũng đến bảy tám. Cho đến bây giờ, giống y như hơn 30 năm trước, tôi vẫn buồn mất đôi ba ngày khi  nghe nước Nga thất thế trong chuyện gì đó, hay đơn giản là đội tuyển Nga bóng đá, hốc kêy hay các câu lạc bộ Nga thua thiệt trong các giải châu lục và thế giới. Nói tóm lại đại sự, tiểu sự gì của xứ ấy với tôi tuy không bằng nhưng cũng gần na ná như là của nước mình. Mà không chỉ có mình tôi như thế.

Cũng chả hiểu tại sao những bài hát Nga dạng như “Triệu bông hồng” lại chiếm lĩnh trái tim người Việt ở mức độ khiến cho trong một lần giao lưu, khi tôi giới thiệu người hát bài hát đó, đương kim Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov lại đùa, cắt lời tôi mà xướng lên rằng nó là bài “dân ca Việt”.

Nước Nga thương mến - Kỳ cuối: Như thể cố hương ảnh 1 Tấm ảnh kỷ niệm với các nữ sinh dưới tấm biển ghi Khoa Ngữ văn ĐH Quốc gia Kuban, sau 30 năm trở lại (tháng 9/2017).

Càng nhiều tuổi, dân học Nga chúng tôi lại càng luyến nhớ đất nước bạch dương, như nỗi hoài niệm ngày càng dày về một thời tuổi trẻ. Và có cơ hội là trở lại ngay nơi đó. Thật may là cơ hội ngày càng nhiều hơn, không phải công cán thì đi theo con đường du lịch giờ đây cũng nằm trong khả năng của nhiều người. 2007, hai mươi năm sau khi rời nước Nga (tôi vẫn nhớ hồi 19 tuổi,  mình đã bồi hồi đến thế nào khi lần đầu đọc cái tên tiểu thuyết “Hai mươi năm sau” của Alexander Dumas bố vì cảm thấy 20 năm là khoảng thời gian dài đến khó hình dung), tôi mới có cơ hội trở lại xứ Bạch Dương. Ấy nhưng, trong mười năm vừa qua, tôi trở lại đó thêm đến hai lần nữa.

Lần đầu tôi trở lại Nga 2007 là tham dự Diễn đàn toàn thế giới của Incorvuz - tổ chức tập hợp những cựu sinh viên quốc tế từng tốt nghiệp các trường đại học Nga/Liên Xô. Có đến mấy trăm người đến từ vài chục nước. Ngoài dự họp, tôi cùng mọi người tha thẩn một chỗ trên cao, gần Đại học tổng hợp Lomonosov, thẫn thờ nhìn xuống dòng sông và vạt rừng xanh pha vàng trong tiết “mùa hè rớt” giữa thu phía dưới, trìu mến và bao dung nhìn những cô cậu Nga trẻ tuổi đứng ôm chặt lấy nhau trong chiều tà như sợ rồi sẽ lạc mất nhau trong đời, trong đầu nhớ đến những câu thơ của nữ thi sĩ Olga Bergholz: “Lớp trẻ lớn lên lại nối tiếp theo ta/Lại nhấp vị ngọt ngào thuở trước”. Rồi những người tóc đã bạc, da đã chùng lại kéo nhau sang trường Sư phạm Mátxcơva để xếp hàng trong nhà ăn, chầm chậm, kiên nhẫn đẩy cái khay nhựa trên mấy thanh i nốc sáng loáng đến lấy từng phần súp, lát bánh mì, đĩa thịt hầm khoai tây hoặc cơm kèm cái đùi gà rán, cốc sữa chua, cốc nước quả - tóm lại là một suất ăn sinh viên điển hình. Đi trước tôi là Thúy Toàn - dịch giả của những câu thơ Pushkin như  “Tôi yêu em đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai” một thời người Việt nào cũng thuộc. Năm đó thiếu một tuổi nữa thì dịch giả tròn bảy mươi. Trước nữa là Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học thuộc Nga/Liên Xô cũ, người có lẽ cũng tuổi hơn, tuổi kém bác Thúy Toàn. Gương mặt các ông rạng rỡ niềm vui. Đôi khi người ta tìm được niềm hạnh phúc như hồi quang về một thời đáng nhớ trong khay thức ăn đơn sơ như thế.

Nước Nga thương mến - Kỳ cuối: Như thể cố hương ảnh 2 Trở lại bữa cơm sinh viên ở Đại học Sư phạm Mátxcơva (2007).

Năm 2007 đó tôi cũng lần đầu tiên trở về được thành phố Krasnodar, nơi tôi học 5 năm trong trường Đại học Quốc gia Kuban. Lên máy bay ở Mátxcơva, hai tiếng bay trên chiếc TU-154 cũ kỹ, chật chội, nghĩa là khoảng cách cũng tương đương Hà Nội - TPHCM. Một trong những địa điểm ở trường tôi bị hút đến chính là nhà ăn sinh viên mang tên Mỏ Neo, nơi cung cấp bữa trưa cho chúng tôi suốt 5 năm (bữa tối chúng tôi bao giờ cũng tự nấu các món Việt Nam). Các cô phục vụ đã bắt đầu bày đồ ăn nhưng còn sớm nên ở đó chưa có cô cậu sinh viên háu đói nào. Tôi nhìn những cốc nước nấu bằng hoa quả tươi, người Nga gọi là nước campot, hồi tôi học giá đâu chưa đến 10 Kopek (xu Nga) gì đó nhưng rất ngon, bỗng nảy ra ý phải mua uống một cốc. Khốn khổ cho tôi, cô gái thu ngân không lấy đâu ra đủ tiền lẻ để trả lại tiền thừa cho đồng 100 rúp tôi trưng ra khi đó, nên đành trả cốc nước. 

Trước khi lên nhà ăn, tôi đảo qua một giảng đường lúc đó vắng tanh, ngồi vào một bàn, hướng mắt lên bục giảng, chả hiểu sao bỗng chợt nhớ một buổi học lịch sử tư tưởng triết học mà ông thầy vui tính trước khi vào giảng bài về chủ nghĩa xã hội không tưởng đã đùa để chúng tôi vui rằng “các anh chị có biết vì sao chủ nghĩa xã hội không tưởng ra đời không? Ấy là vì tay tu sĩ kiêm triết gia thế kỷ 17 của Ý tên là Tomanso Campanella bị chính quyền Giáo hội giam cầm 27 năm liền, trong tù rảnh rỗi, ông ấy không biết làm gì bèn nghĩ ra chủ nghĩa xã hội không tưởng và viết cuốn “Thành phố mặt trời” mô tả cái xã hội không tưởng đó”. Tôi cũng vào thư viện, ngồi vào cái góc yêu thích của mình ngày xưa, một chỗ vừa tĩnh vừa tiện nhìn một cô thủ thư rõ xinh mà tôi dần biết lịch trực. Ở đó, tôi từng đọc các tác phẩm văn học Nga và Âu - Mỹ với tốc độ ẩu tả 25 - 30 trang/giờ tùy độ hấp dẫn và độ phức tạp của văn bản theo lối không đọc từng câu mà đưa mắt quét từng đoạn (scanning) để về ngồi cùng các bạn Việt Nam khác kể cho nhau nghe nội dung vì thực sự không ai có thể đọc hết núi tác phẩm nằm cứng trong chương trình đó. Tinh ranh như ma quỷ, đám sinh viên chúng tôi có cách hay để giải quyết những cuốn sách triết học hay lý thuyết khoa học rắc rối, nhàm tẻ nào đó khó nhằn: lên thư viện giở từng trang, thấy trang nào có vẻ mới ít nhàu thì bỏ qua, trang nào cũ mòn thì đọc kỹ vì bao thế hệ đàn anh đã chú mục dùi mài trên các trang quan trọng đó nên chúng mới ở tình trạng như thế.

Nước Nga thương mến - Kỳ cuối: Như thể cố hương ảnh 3 Cặp bạn trẻ Nga ở khu vực gần Đại học Tong hợp Mát x cơva (2007).

Thú nhất là lên ký túc xá vào lại các phòng ở cũ. Đây là ốp (ký túc xá) số 3, phố 172 phố Dmitrov - một ngôi nhà xây gạch đỏ để trần không trát áo.  Tôi lên căn phòng tầng 3 cạnh cầu thang, gõ cửa bước vào chỉ một cái giường nói với ba cô gái Nga trẻ măng đang tròn mắt kinh ngạc: “Tôi đã nằm cái giường này hai năm liền cách đây hơn 20 năm. Các cô cho tôi ngồi ghé một chút nhé”. Các cô bé Nga vừa bẽn lẽn, vừa thú vị chụp cái ảnh kỷ niệm cùng tôi, một người ngoại quốc có lẽ bằng tuổi bố mẹ các cô. Sau đó, tôi nhảy sang ốp 4 ở số 174 cùng phố, lên tầng 9, gõ cửa một phòng (chính là cái phòng mà kỳ trước tôi đã kể là cô giáo Svetlana Vernhitskaya đã già yếu, đáng kính và tội nghiệp của tôi thỉnh thoảng phải mò lên  gõ cửa cộc cộc để buộc tôi thò mặt ra báo cáo tiến độ làm luận văn tốt nghiệp), lại nói với ba anh chàng da đen quần đùi áo cộc đang ở đó rằng “cái giường này tôi nằm ba năm liền cách đây hơn 20 năm, các cậu cho phép…”. Lại những nụ cười thích thú và những tấm ảnh chụp chung.

Lần mới nhất, tôi về Krasnodar tháng 9 vừa qua. Lại vào trường, chụp ảnh chung với các nữ sinh viên xinh đẹp dưới tấm biển khoa Ngữ văn, vào một lớp học nói với các sinh viên đang ngồi chờ giờ học bắt đầu ở đó: “Ba mươi năm trước tôi đã học trong phòng này…” rồi ngồi xuống một cái bàn. Tôi còn đến cái ô cửa nhỏ trổ ra từ phòng Tài vụ của khoa, nơi mỗi tháng một lần chúng tôi lên nôn nóng chờ để nhận từ đó ra 90 rúp học bổng…

Nước Nga thương mến - Kỳ cuối: Như thể cố hương ảnh 4 30 năm sau ngày ra trường, lại vào một phòng học ở Trường ĐH Quốc gia Kuban (tháng 9/2017).

Chi tiết về lại ký túc xá với lang thang trong trường như thế tôi đã kể lại và được đoàn làm bộ phim truyền hình “Tình khúc Bạch dương” dài 30 tập của Hãng phim truyền hình Việt Nam dự kiến phát sóng vào đầu năm tới tiếp thu và bổ sung vào kịch bản. Đạo diễn phim hot “Sống chung với mẹ chồng” - nghệ sĩ ưu tú Vũ Trường Khoa là người dàn dựng chính bộ phim này. Bộ phim kể về cuộc sống của người Việt ở Liên Xô khoảng thời gian 30 năm trước dựa trên những mối tình sinh viên éo le với những uẩn khúc chằng chịt. Nhưng thôi, tốt nhất là tôi không kể trước nội dung phim mà tôi đoán sẽ rất hay này, chỉ tiết lộ thêm một điều là nó được quay tại nhiều nơi ở nước Nga, nhưng bối cảnh chính là thành phố Krasnodar – nơi mà mỗi lần trở về tôi có cảm giác như cố hương. Đoàn làm phim đã được một doanh nghiệp lớn của người Việt ở đó (mà một người bạn học với tôi suốt 7 năm, ở lại Nga lập nghiệp giờ đóng chức tổng giám đốc) hỗ trợ tận tình, từ lo nơi ăn chốn ở đến dàn dựng lại bối cảnh cho đúng với 30 năm về trước, điều diễn viên quần chúng…

Hà Nội, những ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười

Hơn 30 năm trước, cuối hè 1987, những ngày cuối cùng đời sinh viên ở nước Nga, tôi bỗng mong cho ngày về chậm lại. Gần tứ với những câu thơ trứ danh của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, hồi đó tôi cũng viết mấy câu thơ nhưng chỉ đạt trình độ báo tường: “Những ngày cuối cùng ở đất Nga/Ô hay, lòng bớt nhớ quê nhà/Quê người nay đã thành lưu luyến/Suốt sáu năm trường quen tuyết hoa”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.