Nước mắt và đại dương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nước mắt phụ nữ vừa rơi ở Liên Hợp Quốc, nhưng dường như chẳng mấy ai chú ý, cũng chẳng đủ sức trở thành drama kích thích giới hóng tin trên facebook hay twitter.

Đó là bà Rena Lee, Chủ tịch hội nghị của LHQ về việc bảo vệ biển quốc tế đã bật khóc ngay trong khoảnh khắc các quốc gia thành viên LHQ đồng ý thành lập khung pháp lý bảo vệ vùng biển quốc tế tại New York đêm 4/3 vừa rồi. Giọt nước mắt nhỏ bé có đủ mặn và đủ sức nặng để cứu đại dương đang chết dần?

Thì đây, thông tin này hy vọng sẽ kịch tính hơn: Sáng mai 13/3 (giờ Việt Nam) sẽ diễn ra lễ trao giải Oscar lần thứ 95, với việc lần đầu tiên xuất hiện một “đội xử lý khủng hoảng”, để còn kịp thời ngăn chặn một cú tát nào đó, như siêu sao Will Smith từng tung ra ngay trên sân khấu Oscar hồi năm ngoái.

Nhưng ở đây tôi muốn nói đến Avatar: The way of water (Avatar: Dòng chảy của nước) của đạo diễn kiêm đồng biên kịch James Cameron - ứng viên nặng ký tranh giải Phim hay nhất tại kỳ Oscar này. Trong đó ám ảnh nhất là đoạn thoại, thực ra là những câu thơ về đại dương và mọi sinh vật trên trái đất này: “Dòng chảy của nước không có bắt đầu và không có kết thúc/Trái tim của chúng ta đập trong lòng thế giới/Biển là nhà của bạn, trước khi bạn sinh ra và sau khi bạn chết/Biển cho và biển lấy lại/Nước kết nối vạn vật: sự sống đến cái chết, bóng tối đến ánh sáng”.

Đây không phải bộ phim về môi trường, cũng đừng quan tâm đến doanh thu mấy tỷ đô, mà hãy hình dung về cảm hứng về đại dương James Cameron đã đem lại cho nhân loại suốt những thập kỷ qua. Ám ảnh những bóng người nhỏ bé vùng vẫy và chìm dần sau khi con tàu đâm phải tảng băng trôi khổng lồ trong Titanic (1997). Với những cảnh quay trong nhiều bộ phim do chính ông lặn xuống thực hiện nơi tận cùng đáy đại dương, không chỉ với tư cách đạo diễn phim truyện, mà còn là một trong những nhà thám hiểm/bảo vệ môi trường biển lừng lẫy nhất.

Các đại dương đang bao bọc 95% môi trường sống của các loài sinh vật, và chiếm gần 2/3 bề mặt trái đất, nhưng hiện mới chỉ có 1% vùng biển quốc tế được bảo vệ theo quy định. Và thêm 39% biển thuộc quyền tài phán của từng quốc gia, còn lại chưa chịu sự ràng buộc pháp lý nào, dẫn đến hậu quả từ sự tàn phá, khai thác cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường biển.

Sau gần 20 năm đằng đẵng đàm phán, dấu mốc lịch sử là một khung pháp lý bảo vệ vùng biển quốc tế đã được thông qua. Tuy nhiên chặng đường phía trước vẫn không dễ dàng: Hiệp ước Biển quốc tế chỉ có hiệu lực khi được thống nhất tại phiên họp khác, với đủ số chữ ký của các quốc gia thành viên. Bởi như mục tiêu biến 30% vùng biển quốc tế trở thành các Khu bảo tồn biển vào năm 2030, dễ dàng dẫn đến xung đột với lợi ích kinh tế, vốn đang là mối quan tâm sống còn nhất hiện nay.

Đại dương hiện lên qua những thước phim lộng lẫy công phu trên màn bạc, có thể rồi sẽ hiện thân qua tượng vàng Oscar nhỏ nhắn, hay trên bàn một hội nghị Liên Hợp Quốc họp xuyên đêm để rồi khiến người lương tri rơi nước mắt. Những Rena Lee, những James Cameron,… Nhưng còn hiện thực đang từng ngày diễn ra, với mẹ đại dương? “Dòng chảy của nước không có kết thúc”, phải vậy không?

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.