Nước mắt Làng chài

Chiếc tàu cá định mệnh TTH 26669 TS bị sóng đánh vỡ toác được kéo vào bờ. Ảnh: Đắc Đức
Chiếc tàu cá định mệnh TTH 26669 TS bị sóng đánh vỡ toác được kéo vào bờ. Ảnh: Đắc Đức
TP - Trở về sau chuyến đi biển dài ngày, những ngư dân ở 3 thôn Hải Tiến, An Hải và An Bình (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) khấp khởi mơ về một cái Tết đầm ấm. Nhưng tai họa đã xảy ra...

Cuộc điện thoại cuối cùng

Ngồi đợi tin ở bờ biển từ sáng sớm, cho đến khi vớt được thi thể của chồng, bà Mai Thị Phúc (51 tuổi, thôn An Hải) là vợ của thuyền viên Nguyễn Văn Hai - một trong những nạn nhân xấu số tử nạn trong vụ chìm tàu cá số hiệu TTH 26669 TS ở cửa biển Thuận An, như ngất lịm đi vì đau đớn.

Bên thi thể người chồng vừa được đưa lên bờ, bà Phúc vừa khóc vừa kể về chuyến đi biển định mệnh. Trước giờ tàu cá gặp nạn trên biển, ông Hai có gọi điện thoại và báo với bà Phúc là sắp vào tới bờ, bảo vợ chuẩn bị ra đón. Song không lâu sau, bà Phúc lại nhận được một cuộc điện thoại vào lúc 7 giờ sáng ngày 18/1, không phải của chồng mà là từ một thuyền viên của tàu bạn báo là chiếc tàu cá của chồng bà đã gặp nạn, bị sóng nhấn chìm tất cả, mọi người trên tàu đã mất liên lạc.

Gia cảnh nhà ông Nguyễn Văn Hai thuộc diện khó khăn nhất trong những thuyền viên không may. Hơn 30 năm gắn phận mình với biển cả, ông Hai và vợ chưa thể cất nổi một căn nhà tử tế để ở. Ngôi nhà hiện tại chỉ với những mảng tường bao cũ kỹ, không được tô trét, là nơi trú thân của 4 người. Mỗi chuyến đi làm công cho thuyền bạn, ông Hai cũng chỉ kiếm được 2-3 triệu đồng để đắp đổi cuộc sống gia đình qua ngày. Vợ ông là bà Mai Thị Phúc cũng chỉ biết phụ chồng bằng cách mở một quán tạp hóa nhỏ để bán hàng kiếm thêm vài đồng thu nhập. “Chồng tui mất rồi giờ tui với con biết bám víu vào ai để sống đây”, bà Phúc nức nở.

Cách nhà của ông Hai chừng 300 m là nơi ở của ông Phạm Thú (46 tuổi), thuyền viên vẫn còn mất tích. Căn nhà bao trùm bầu không khí buồn bã, thê lương. Bà Hồ Thị Xuân - vợ ông Thú chỉ biết ngồi ôm mấy đứa con chờ đợi điều kỳ diệu nào đó xảy ra với người chồng bị mất tích hai ngày qua. Một người cháu gọi ông Thú bằng chú ở thôn Hải Bình (thị trấn Thuận An) cũng đã tử nạn trên cùng chuyến tàu cá định mệnh, để lại vợ và 2 con nhỏ bơ vơ.

“Tết này con không còn bố”

Con đường dẫn vào nhà thuyền viên Võ Văn Hoàng (hay còn gọi là Ước) lầy lội bùn đất sau nhiều trận mưa của những ngày cuối năm. Trong căn nhà nhỏ, hai anh em con anh Hoàng là Võ Thanh Tân (6 tuổi) và Võ Thanh Bình (12 tuổi) chỉ biết ôm mẹ ngồi khóc bên quan tài của bố.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, vợ của thuyền viên Hoàng, thi thoảng lại gục đầu vào tường và liên tục gọi tên chồng. Nỗi đau quá lớn ập đến với gia đình nghèo này khiến họ ngã quỵ. Suốt từ sáng sớm 18/1, cậu con trai Võ Thanh Bình và mẹ không ngừng khóc thảm khi hay tin bố gặp nạn trên biển. Một đống lửa nhỏ được người thân nhóm vội khi thi thể của anh Hoàng được đưa lên bờ, mà theo những ngư dân sống ở biển là để sưởi ấm cho linh hồn người xấu số không may bị chết nước. Đến sáng 19/1, thi thể anh Hoàng mới được nhập quan khâm liệm.

Nước mắt Làng chài ảnh 1

Nỗi đau khôn tả của những người vợ, người con trước sự ra đi của người thân nơi biển cả.

Những người hàng xóm của anh Võ Văn Hoàng vẫn không thể quên được cuộc điện thoại cuối cùng của anh gọi về cho người bạn gần nhà kéo dài chỉ vỏn vẹn 10 giây trước khi chiếc tàu cá mất hẳn tín hiệu. Chị Phạm Thị Linh, hàng xóm của anh Hoàng vẫn còn nhớ như in giây phút mà anh Hoàng gọi cho chồng mình lúc gần 7 giờ sáng. “Lúc đó tôi chỉ nghe loáng thoáng được anh Hoàng nói “thuyền đầy” nhờ kêu người ra ứng cứu. Tôi gọi ngay lại cho anh Hoàng nhưng tất cả tắt lịm, không còn tín hiệu trả lời nữa”, chị Linh nhớ lại.

Nhà nghèo, cả gia đình chỉ dựa vào nghề biển của Hoàng, nên anh tranh thủ đi chuyến đánh cá cuối năm để có tiền lo Tết, mua tấm áo mới cho người thân trong gia đình.

“Trước khi ra khơi, anh còn bảo ở nhà đừng cho thằng Bình đi chơi, đợi anh về đi mua quần áo cho nó, nhưng giờ thì anh mãi mãi không về nữa!”, chị Tuyết vợ anh Hoàng òa khóc.

Chỉ trong vòng chưa tới 1km đường qua thôn An Hải đã có đến 3 đám tang từ vụ đắm tàu cá gần cửa biển. Đây là mất mát quá lớn đối với những ngư dân chỉ biết gắn phận mình với biển cả. “Vẫn biết là nguy hiểm, nhưng dân đây không bám biển để mưu sinh thì biết sống bằng cách nào”, ông Lê Văn An, Trưởng thôn An Hải ngậm ngùi.

Thoát chết nhờ chiếc nắp hầm đá “cứu sinh”

Ngồi thẫn thờ bên góc giường, ông Hồ Văn Hiền (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An) - ngư dân duy nhất thoát nạn ngoạn mục trong vụ chìm tàu cá thảm khốc sáng 18/1, nhờ vào một chiếc nắp đậy hầm chứa nước đá ướp cá - vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ về giây phút hãi hùng mà mình đã trải qua.

“Tàu chuẩn bị qua cửa biển để tiến vào bờ, nhưng lại trúng phải điểm sóng to, gió mạnh nên bất ngờ chết máy rồi bị đánh chìm. Lúc đó, trên người tôi có mặc áo phao nhưng do bị vướng chặt vào lưới, nên phải cởi bỏ và may mắn vớ được cái nắp đậy thùng nước đá bằng phao xốp. Sau gần 2 giờ đồng hồ trôi dạt trên biển, tôi may mắn được bạn thuyền cứu vào bờ”, thuyền trưởng Hiền nhớ lại.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.