Nước mắt khô của người mẹ

Nước mắt khô của người mẹ
TP - Con bị hành hạ dã man, đầy thương tích, nằm liệt giường. Người phụ nữ nghèo, tình duyên trắc trở, vừa đau xót cho con, vừa đớn đau lòng mình.

>> Phơi lộ sự thật vụ cháu bé bị hành hạ man rợ

Những lời trách cứ “người mẹ vô trách nhiệm”, “đàn bà không biết thương con”… của thiên hạ khiến chị Phạm Thị Thoa - mẹ của Nguyễn Hào Anh, đứa trẻ bị chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ, nghẹn đắng, nước mắt chảy ngược vào trong.

Nước mắt khô của người mẹ ảnh 1
Mẹ của Hào Anh thắt lòng trước từng vết thương trên thân thể con

Truân chuyên đời mẹ

Kể từ khi hay tin Nguyễn Hào Anh bị hành hạ dã man, cận kề cái chết, chị Phạm Thị Thoa (SN 1972) bỏ việc làm thuê ở TP Cà Mau vội trở về, nuôi con tại Bệnh viện Đầm Dơi.

Để con đi ở mướn trại tôm giống Minh Đức, ở ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), lâu cũng chẳng thăm con thường xuyên vì không tiền và đường xa ngái. Lần gặp cuối cùng đã hơn 6 tháng. Bây giờ mẹ con gặp nhau đầy nước mắt, đau thân con, xót xa lòng mẹ.

Ngồi trong phòng nuôi bệnh, chị  lắng nghe từng nhịp thở, từng cử chỉ đau đớn và mê sảng của con. Ngoài hành lang Bệnh viện Đầm Dơi, những lời trách cứ dội vô tai “người đàn bà không thương con, người mẹ vô trách nhiệm” khiến nước mắt chị chảy ngược vào trong.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, thiếu đất sản xuất, đông con ở ấp Ngọc Tuấn, ngoại ô thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước). Anh chị em của chị Thoa đều sống trong thiếu thốn, nghèo khó, làm thuê kiếm sống.

Ở tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, cô thôn nữ Phạm Thị Thoa rời gia đình theo chồng Nguyễn Văn Tâm (SN 1970), ở Giáp Nước, xã Phú Mỹ (Phú Tân). Hạnh phúc quá ngắn ngủi.

Ông Phạm Văn Khả, 62 tuổi, cha ruột chị Thoa kể: “Tôi có 6 con trai làm ăn được. Còn 2 đứa con gái Thơm, Thoa đều khổ sở vì chồng con, bị đánh đập suốt thôi!”.

Nước mắt khô của người mẹ ảnh 2
Em trai và bà ngoại đang chăm sóc Hào Anh

Chị Phạm Thị Thoa kể: “Làm dâu được 3 năm, chồng sinh tật, bỏ nhà theo người khác. Sống không nổi cảnh hành hạ, tôi mang bụng bầu về nhà cha mẹ để nương nhờ, chờ ngày sinh nở”.

Ngày đó, nhà nghèo, đông anh em, có vài công vườn tạp trồng hoa màu, cọng rau lá cải không đủ nuôi sống cả nhà ngồi chật 2 mâm cơm. Hằng ngày, chị giúp mẹ và các em trồng rau, hái rau, mang ra chợ Cái Nước bán giúp gia đình.

Chị Thoa kể: “Nhà nghèo còn mắc cái eo, tôi sinh đôi 2 đứa con trai, giống nhau như đúc, đặt tên là Nguyễn Hào Anh, Nguyễn Hào Em.” Hạt lúa, lá rau đồng quê vẫn nuôi Hào Anh - Hào Em lớn nhanh như thổi, xóm làng ai cũng cưng!”.

Cái nghèo từ mẹ sang con

Nuôi con trai sinh đôi được vài tuổi, chị gửi Hào Anh, Hào Em để đi làm mướn xa ở TP Cà Mau. Chị Thoa vô xí nghiệp chế biến thủy sản lột tôm công nhật. Lúc không có tôm, chị Thoa mướn đò chèo, giặt đồ mướn, phụ việc nhà để kiếm tiền gửi về nuôi con.

Dù rất nhớ con nhưng hằng tháng, chị chỉ gửi tiền về cho ông bà ngoại ở quê nuôi con mà chẳng dám đi xe, đò về quê vì tốn kém.

Tăng cường trách nhiệm phòng chống bạo hành trẻ em

Ngày 6-5, Hội đồng Đội T.Ư có công văn gửi Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Cà Mau, Hội đồng Đội các tỉnh thành phố trong cả nước về tăng cường trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Đội trong phòng chống bạo hành trẻ em sau vụ em Nguyễn Hào Anh.

Hội đồng Đội T.Ư đề nghị tổ chức Đoàn, Đội địa phương phối hợp với ngành chức năng giúp đỡ chăm sóc Nguyễn Hào Anh để em sớm ổn định cuộc sống.

Cùng ngày, Hội đồng Đội T.Ư trích từ quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo 3 triệu đồng hỗ trợ em Nguyễn Hào Anh. 

Tìm về quê ngoại của Hào Anh ở thị trấn Cái Nước, chị Quyên ở gần Trường tiểu học Thị trấn Cái Nước 3 (huyện Cái Nước) kể: “Mẹ con của Hào Anh - Hào Em nghèo nhất nhì thị trấn. Tôi về đây, Hào Anh - Hào Em học lớp 1 rồi, bị mấy đứa nhỏ con nhà giàu ăn hiếp hoài. Tôi dẫn vô nhà cho ăn cơm, rầy mấy đứa nhỏ, gọi ông bà ngoại lên dắt về. Ông bà ngoại cưng lắm nhưng nghèo nên mẹ con Hào Anh - Hào Em khổ ơi là khổ!”.

Học hết lớp 3, Hào Anh - Hào Em theo mẹ làm ăn và xảy ra chuyện đau lòng xôn xao dư luận. Chị Phạm Thị Thoa chung sống với một người đàn ông chưa vợ, làm thợ mộc là Nguyễn Xuân Hùng, quê Nha Trang. Cuộc sống cũng không vì thế mà khá hơn.

Chị Phạm Thị Thoa làm mướn giặt đồ, nấu cơm, giữ em cho Huỳnh Thanh Thúy - chị của Huỳnh Thanh Giang, chủ trại tôm giống Minh Đức ở TP Cà Mau. Nhưng sau đó, bị nghi kỵ nên phải nghỉ. Phạm Thị Thoa cùng với Nguyễn Hào Em làm thuê cho cửa hàng trang trí Nội thất Thanh Hồng, phường 1 (TP Cà Mau).

Khi làm thuê cho chị Thúy, chị Thoa quen biết Huỳnh Thanh Giang làm trại tôm giống, cần người làm. Chị Thoa xin cho Hào Anh giúp việc trại tôm giống Minh Đức vào 15-9-2008. Mỗi tháng, chị Thoa nhận tiền công 500.000đ.

Nhưng từ tháng 12-2009, chị Thoa không đến trại giống của Giang nữa, chủ trại Thơm – Giang gửi tiền công theo tàu khách Hải Đăng và gọi điện thoại nói với chị Thoa: “Tôi đang sửa trại giống lu bu lắm, đừng xuống!”.

Thời gian Nguyễn Hào Anh làm trại, chị Thoa có xuống 5 - 7 lần. Lần cuối thấy bầm đỏ ở mắt. Chị Thoa hỏi Hào Anh thì Hào Anh nói bị té. Lần đó, chị Phạm Thị Thoa cùng với ngoại của Hào Anh xuống thăm, định rước con về:

“Lúc đầu, vợ chồng cậu Giang thuê Hào Anh cho tôm ăn. Nhưng sau này, Hào Anh buộc phải làm nhiều việc như rửa chén, giặt đồ, giữ em… Tôi muốn rước con về để học nghề gì đó, cho đỡ bản thân sau này”.

Khi Hào Anh được đưa đi Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi, chị Phạm Thị Thoa mới hay tin và tức tốc đến Đầm Dơi: “Tôi vừa đến chợ Đầm Dơi, vợ chồng Giang - Thơm chặn xe, đưa tôi đơn bãi nại. Kêu tôi ký vô để sau này được giúp đỡ làm ăn. Nếu không thì khổ ráng chịu! Tôi ký vô cho họ”.

Khi chị đến Bệnh viện Đầm Dơi, gặp con đầy thương tích, không nhìn ra con mình ngày nào. Chị Phạm Thị Thoa nói tiếp: “Tôi không thể hình dung nổi con tôi bị tra tấn dã man đến như vầy. Đêm đêm, con thều thào kể lại chuyện đánh đập, lòng như muối xát. Tôi đến Công an Đầm Dơi, nhờ người xin rút đơn lại và yêu cầu pháp luật xử lý đúng người, đúng tội”.

Những ngày trên giường bệnh, mẹ con chị Phạm Thị Thoa được nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ.

Bà Chung Ngọc Nhãn, GĐ Sở LĐ- TB&XH Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi sẽ bảo vệ Hào Anh và lo cho em học nghề. Việc đó, trong tầm tay của Trung tâm bảo trợ trẻ em Cà Mau, Trường trung học kỹ thuật nghề Cà Mau đều trực thuộc Sở LĐ - TB&XH Cà Mau”.

Bắt tạm giam đồng phạm Lưu Văn Khánh

Chiều 6-5, Cơ quan CSĐT Công an Đầm Dơi bắt tạm giam Lưu Văn Khánh, 17 tuổi, ở phường 8 (TP Cà Mau) về tội đồng phạm “hành hạ người khác” xảy ra tại Trại tôm giống Minh Đức.

Trước đó, Lưu Văn Khánh  rời khỏi địa bàn cư trú sau khi có quyết định khởi tố bị can. Lưu Văn Khánh và Lâm Văn Huỳnh khai do Mã Ngọc Thơm xúi giục.

Đoàn luật sư Cà Mau cử luật sư giám hộ cho Lưu Văn Khánh và Lâm Văn Huỳnh trong quá trình điều tra. LS Trịnh Thanh Liệt- Văn phòng luật sư Thanh Liệt- Đoàn luật sư Cà Mau xin bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí cho em Nguyễn Hào Anh.

Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Đầm Dơi, cho biết, ngày 5-5, 30 hộ dân chung quanh khu vực trại tôm giống Minh Đức và cán bộ đoàn thể ấp Phú Hiệp họp kiểm điểm trách nhiệm việc để xảy ra vụ hành hạ dã man trẻ em.

Cùng ngày, Nguyễn Hào Anh được chuyển đến Bệnh xá công an tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều trị thương tích và bảo đảm phục vụ điều tra.     

Còn nữa

Kỳ tiếp: Cuộc đời cơ cực, tủi nhục của Hào Anh khó hình dung nổi. PV báo Tiền Phong về quê ngoại đã nuôi dưỡng Hào Anh, đến bên giường bệnh nghe Hào Anh kể về những ngày cực hình tại địa ngục ở trại tôm giống Minh Đức, những dụng cụ mà ông chủ trại tôm dùng tra tấn trong những dịp đặc biệt. Tất cả sẽ được PV Tiền Phong thông tin trên những kỳ tới.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.