Nước mắt của rừng

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Nhức nhối” dự án nằm trên giấy, chậm tiến độ oái ăm thay lại được một quan chức có thẩm quyền ở TP Hòa Bình thốt lên về một xã nghèo thuộc quyền quản lý, đang phải “đeo” 35 dự án. Những gì đập vào mắt khi đi qua địa phương nằm sát Hà Nội này là, nhiều ngọn núi bị khoét nham nhở, rừng có nơi bị bóc trụi như vết thương.

Cách trả lời của lãnh đạo xã nghèo Quang Tiến như một tiếng thở dài: Nhà đầu tư mua gom đất từ lúc nào rồi xin dự án. Thậm chí, thủ tục dự án chưa xong, có chủ đầu tư đã làm đường bê tông xuyên núi, xây hồ…như chốn vô thiên vô pháp. Đó là chưa kể nhiều dự án khác vẽ ra trên giấy, chậm tiến độ trong nỗi mong đợi phập phồng của người dân chờ công việc mới. Xã nghèo này nằm trên trục đường mà các quan đầu tỉnh hàng tuần, hàng tháng vẫn ngồi xe về thăm nhà hoặc về Thủ đô dự họp. Núi rừng, cảnh quan thay đổi, lẽ nào họ không nhìn thấy qua cửa kính xe máy lạnh?

Nước mắt của rừng ảnh 1

Tác giả Đình Thắng

Câu chuyện tương tự thế này đâu xa lạ ở nhiều tỉnh khác. Đất đai cảnh quan đẹp, thời tiết ôn hòa, thuận lợi đi lại…đều vào tầm ngắm của một số “cá mập”. Có những dạng “cá mập” ẩn mình sau một người đại diện, rồi kín đáo thâu tóm. Trong lĩnh vực bất động sản cũng giống thị trường chứng khoán. Liệu núi đồi, rừng xanh…kia có bị “lấy” như “nhón” món đồ trong túi? Câu trả lời này, những người có trách nhiệm của các địa phương liên quan phải hiểu hơn ai hết. Câu hỏi này, người viết cũng muốn Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình chia sẻ, nhưng có lẽ sau Hội nghị Trung ương 5 (bàn nhiều về vấn đề đất đai), ông bận công cán nên gọi điện, nhắn tin đều chưa hồi đáp.

Hội nghị Trung ương vừa rồi nêu nhiều vấn đề thực tiễn cần giải quyết. Trong đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên, bảo vệ nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” là câu nói thể hiện quan điểm nhất quán của cả hệ thống chính trị. Nhưng tiếc thay, ở đâu đó, đất đai, rừng núi vẫn bị thâu tóm vì mối lợi trước mắt. Nhiều quan chức cỡ bự đã “xộ khám”, để lại hậu quả lớn cho địa phương và gieo cả nỗi giày vò cho chính người thân họ. Những phiên tòa ngập tràn lời xin lỗi, có trả lại nguyên trạng cho những ngọn núi, cánh rừng đã bị bạt trắng? Rừng đấy, núi đấy một khi bị băm nát sẽ lên tiếng và có hành động oán trả người tham ác.

Những ngày này, trên một triền núi cao thuộc xã Quang Tiến (Hòa Bình), dịch vụ dù lượn đủ màu sắc chao nghiêng. Mỗi cánh dù trông giống như một câu hỏi lơ lửng giữa trời xanh. Dù cứ bay lên, nhưng mong rằng núi đồi không bị hạ xuống. Mai mốt, nông dân vốn quen cầm cuốc lên nương, liệu có học được kỹ năng lau bóng, lau gậy golf phục vụ khách chơi trên chính khoảnh rừng sau nhà?

MỚI - NÓNG