Nước mắt của người mẹ có con bị án tử vì nhận tội thay bạn

Ngôi nhà của hai mẹ con bị cáo Nam.
Ngôi nhà của hai mẹ con bị cáo Nam.
Trong khi tử tù Đàm Phạm Hoài Nam, trú tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) đang sống những ngày tháng bi đát nhất của cuộc đời, trong thấp thỏm hy vọng chờ ngày phán quyết cuối cùng, hắn không hề hay biết rằng, mẹ mình đang lầm lũi đi gõ cửa các cơ quan chức năng, vận động anh em làng xóm cùng kêu oan cho mình, với hy vọng công lý sẽ được làm sáng tỏ và đứa con yêu quý của bà có thêm cơ hội được sống trên cuộc đời này.

Nhận tội thay để bù đắp cho gia đình

Theo cáo trạng, vào khoảng 23h30 ngày 5/10/2011, tại quán Bar Hoàng Đế ở tiểu khu 1, phường Đồng Phú (TP Đồng Hới), Trần Ngọc Huy xảy ra mâu thuẫn, xô xát với Nguyễn Hoài Nam.

Khi bảo vệ đến can ngăn, Huy tiếp tục ném ly sang bàn của nhóm Nam, làm anh này bị thương phải đưa đi bệnh viện để băng bó. Thấy bức xúc thay bạn, Lý Đức Toàn đi cùng nhóm với anh Nguyễn Hoài Nam to tiếng đòi đánh lại nhóm Trần Ngọc Huy. Một lúc sau, khi Toàn đi ra cổng thì bị Đàm Phạm Hoài Nam, Lê Xuân Tiến và Huy đến gây sự. Khi Toàn bỏ chạy, Nam đã đuổi theo, rút dao đâm 1 nhát vào ngực trái và đâm tiếp 3 nhát vào người thanh niên này gây thủng tim và phổi. Sau những nhát đâm chí mạng, anh Toàn gục ngay tại chỗ. Gây án xong, Nam, Huy và Tiến tìm nhà nghỉ để ẩn náu. Sáng hôm sau, nghe tin anh Toàn chết, Nam và Huy đã đến công an đầu thú.

Nước mắt của người mẹ có con bị án tử vì nhận tội thay bạn ảnh 1

Bà Phạm Thị Minh Hóa, mẹ của bị cáo Đàm Phạm Hoài Nam.

Trong lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Đàm Phạm Hoài Nam đều nhận là mình đã đuổi theo và dùng dao đâm nạn nhân Lý Đức Toàn nhiều nhát bằng dao Thái Lan mang sẵn trong người. Do bị cáo đã nhận tội nên cơ quan điều tra nhanh chóng kết luận và phiên tòa sơ thẩm được diễn ra. Ngày 9/5/2012, phiên tòa xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên Đàm Phạm Hoài Nam lãnh án tử hình vì tội Giết người.

Tuy nhiên, sau khi phiên tòa kết thúc, Đàm Phạm Hoài Nam mới kêu oan, khai ra sự thật là mình đã nhận tội thay bạn.

Tuổi thơ thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ

Khi tìm hiểu về gia cảnh của tử tù Đàm Phạm Hoài Nam, phải hỏi thăm rất lâu chúng tôi mới tìm được bà Phạm Thị Minh Hóa (mẹ bị cáo Nam) trong một căn nhà thuê xập xệ ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới (Quảng Bình).

Bà Hóa trước đây vốn là kế toán của Công ty lương thực, từng bị kết án 17 năm tù vì tội Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản và tội Tham ô. Năm bà bị bắt là lúc Nam lên 6 tuổi. Hắn sống với bố và anh trai trong ngôi nhà nhỏ sau khi gia đình bị tịch thu hết tài sản. Mẹ đi tù, hai anh em còn nhỏ dại cứ thế phát triển một cách tự nhiên mà thiếu đi bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của người mẹ. Người bố sau đó cũng đi lấy vợ khác, anh em lại càng bơ vơ hơn trong chính ngôi nhà của mình, sống chủ yếu bằng sự cưu mang của hàng xóm. Có lẽ vì thế đã hình thành trong con người của Nam một tính cách biết ơn tới những ai đã giúp mình, cho mình miếng cơm manh áo để sống qua ngày.

Đến khi lớn lên, bị đám bạn xấu rủ rê tham gia hội hè, đàn đúm, Nam trở thành một tay sai trung thành khi chúng cần và sẵn sàng đứng ra nhận mọi trách nhiệm về mình. Năm hắn được 15 tuổi, bà Hóa được mãn hạn tù trước thời hạn sau khi cải tạo tốt. Nam và anh trai về ở với mẹ trong căn nhà thuê đơn sơ. Cuộc sống dẫu khó khăn, vất vả nhưng mẹ con cũng vui vẻ, hạnh phúc bên nhau. Đến một ngày, nghe tin Nam ra đầu thú vì tội Giết người, bà bàng hoàng, đau đớn. Bà Hóa không bao giờ tin con mình lại có thể giết người, với niềm tin đó, bà tìm mọi cách để được gặp con, để nghe con nói hết sự thật. Ngày bà được gặp con trong tù, Nam có hỏi: “Mẹ ơi, anh Tiến và anh Huy có đến đưa cho mẹ cái gì không?”, bà trả lời là không thì Nam mới thốt lên: “Răng (sao) các anh ấy lại thế hả mẹ? Mẹ ơi, con không giết anh Toàn mô (đâu), người giết anh Toàn là anh Tiến, con thỏa thuận với hai anh nớ (ấy) là con sẽ đứng ra nhận hết tội, còn hai anh nớ phải lo chạy tội cho con từ 7 đến 10 năm tù. Đồng thời, hai anh phải cho mẹ tiền và mua cho Phương cái xe tải để chạy mẹ ạ. Các anh nớ tồi quá, Rứa (thế) thì con không chịu tội nữa mô mẹ ạ”. Nghe con nói thế, bà Hóa như có thêm niềm tin rằng con mình không giết người.

Với bản năng của người làm mẹ, những nơi nào nghe tin có thể kêu oan cho con, bà đều tìm đến. Bà tự trách vì mình mà con bà phải khổ sở như thế này, nếu như bà không phải đi tù thì cuộc sống con bà có lẽ đã khác, giá như bà có tài sản gì để bán thì bà sẽ chạy tội cho con…Rất nhiều điều “giá như” cứ đè nặng trong tim bà và nỗi ân hận day dứt của một người mẹ làm bà suy sụp.

Chị Nguyễn Thị Bạch, một người hàng xóm của bà Hóa chia sẻ: “Khi chúng tôi nghe tin Nam bị bắt về tội Giết người, ai cũng bàng hoàng hết vì hàng ngày ở nhà nó hiền lành và lễ phép lắm, xóm làng ai cũng quý. Đến khi xử nó ở tòa, chúng tôi đi xem ai cũng phẫn nộ cả vì có nhiều tình tiết vô lý quá, ai lại xem nhẹ cái chết của một con người như thế chứ”.

Nói về những người bạn của Nam, bà Hóa kể: “Sau khi thằng Nam bị bắt, thằng Tiến và thằng Huy nó thỉnh thoảng có đến thăm tôi. Có lần nó đến hứa hẹn với tôi là nó sẽ mua cho thằng Phương (anh trai Nam) một cái xe tải nhỏ để chạy, còn nói là thuê cho tôi một cái cửa hàng để tôi buôn bán, rồi nói là tôi cần gì thì nói cho nó biết để nó lo cho. Nhưng từ khi tòa xử, Nam lên tiếng kêu oan thì không thấy đứa nào đến nữa”.

Chia sẻ trong nghẹn ngào, bà Hóa nói tiếp: “Là người mẹ như bao người dân bình thường khác, tôi tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Những tội lỗi ấy, nếu đúng sự thật mà con tôi gây ra thì nó phải chịu hình phạt thích đáng. Nhưng tôi tin con mình bị oan. Tôi rất mong có một bản án công minh, đúng người, đúng tội”.

Những tình tiết cần được làm sáng tỏ

Trong bản kháng nghị của TAND tối cao số 25/2014 đã chỉ ra nhiều căn cứ chưa đủ cơ sở vững chắc để kết tội Đàm Phạm Hoài Nam. Ngay sau khi Nam ra đầu thú, cơ quan điều tra đã nhiều lần tiến hành lấy lời khai, trong đó có lời khai có sự tham gia của luật sư. Tại những bản khai này, Nam đều thừa nhận mình có hành vi dùng dao đâm anh Lý Đức Toàn. Tuy nhiên, những lời khai này mâu thuẫn với nhau và không khớp với dấu vết trên tử thi. Vậy nhưng, vẫn chưa được CQĐT làm rõ. Đối với những mâu thuẫn trên, CQĐT đã không thực nghiệm làm rõ tư thế đâm của Nam có phù hợp hay không.

Mặt khác, theo những lời khai ban đầu của Nam khi nhận tội là dùng dao Thái Lan cán nhựa màu đen dài khoảng 25 - 30cm, lưỡi dao rộng khoảng 2cm. Đến khi điều tra lại, Nam không nhận dùng dao đâm anh Toàn mà do Tiến dùng dao bấm đâm anh Toàn, con dao này do Nam cho Tiến mượn (theo lời khai của Tiến thì hắn đã trả dao cho Nam từ trước đó - PV), đó là dao bấm có lưỡi dao dài khoảng 10cm, rộng khoảng 1,5cm. Cơ quan điều tra không thu giữ được dao, nhưng cũng không giám định làm rõ cơ chế hình thành dấu vết trên tử thi có phù hợp với kích cỡ con dao của Nam hay không.

Ngoài ra, lời khai của người làm chứng cũng có nhiều mâu thuẫn. CQĐT đã không dựng lại hiện trường để xác định cụ thể khoảng cách mà người làm chứng chứng kiến có thể nhìn thấy rõ vị trí của Huy, Tiến và động tác của Nam dùng tay đánh anh Toàn như thế nào, mâu thuẫn này cũng chưa được điều tra làm rõ.

Theo luật sư Diệp Kiến Trúc, Văn Phòng luật sư Diệp Trúc (Hội Luật sư Quảng Bình): Đây vẫn là một vụ án giết người, nếu không tìm ra được chủ mưu thì cả ba bị cáo Nam, Tiến và Huy đều là đồng phạm giết người. Tòa không thể tuyên án Nam giết người được vì trong lời khai của nhân chứng không làm rõ được ai là người trực tiếp giết Toàn và cơ quan điều tra cũng không làm rõ được hành vi Nam giết như thế nào, mà chỉ dựa vào lời khai ban đầu của Nam. Trong khi đó, Tiến cũng tham gia vào hành vi giết người mà đưa vào tội Gây rối trật tự công cộng là không chính xác vì cả ba cùng tham gia mà chỉ một người chịu tội là không đúng người, đúng tội.

Sau 3 lần làm đơn kháng cáo, đến ngày 28/4/2014, TAND tối cao đã hủy các bản án trước đó để điều tra lại vì có nhiều điểm chưa được làm rõ.

Theo Xuân Hương, Loan Nguyễn

Theo Đời sống Pháp luật
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.