Nước mắt cô giáo trẻ người Mông
> Tâm sự “đắng lòng” của một người thầy
Nhiều lần nhìn học trò mặc quần áo rách rưới đi học giữa mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt, cô giáo Vàng Thị Ghếnh rơi nước mắt.
Kiên trì “khai sáng” mảnh đất nghèo
Sáng 17/11, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ tuyên dương 160 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008-2013. Là cô giáo trẻ tuổi nhất trong lễ vinh danh, vận bộ quần áo truyền thống của dân tộc Mông, cô Vàng Thị Ghếnh khiến nhiều người khâm phục bởi lòng yêu nghề đã vượt qua mọi khó khăn.
Cô gái dân tộc Mông Vàng Thị Ghếnh sinh năm 1988, hiện là giáo viên trường mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Đây là mảnh đất có vị trí xa và nghèo nhất tỉnh Lào Cai.
Tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Lào Cai, Ghếnh trở về làm cô giáo mầm non tại điểm trường Mản Thẩn, cách nhà hơn 2 km đường dốc. Cho đến thời điểm hiện tại, Ghếnh luôn cảm thấy mình may mắn vì được làm cô giáo.
Hiện tại, hoàn cảnh gia đình Ghếnh còn nhiều khó khăn, chồng làm nương rẫy, đứa con đầu 7 tuổi bị hở hàm ếch, cháu bé 4 tuổi bị liệt não bẩm sinh. Hàng ngày, chồng Ghếnh vừa lo việc nhà, vừa chăm con. Hết giờ ở lớp, Ghếnh trở về phụ giúp chồng để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Cô cho biết, tuy cuộc sống còn bộn bề vất vả nhưng biết vợ làm trong ngành giáo dục nên chồng cô luôn hiểu và sẵn sàng tạo điều kiện cho vợ đi sớm, về muộn.
Cô giáo sinh năm 1988 hiện đang đứng lớp 5 tuổi duy nhất tại nơi có 100% dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo. Trong 5 năm giảng dạy, cô Vàng Thị Ghếnh đã nhiều năm đoạt giáo viên giỏi cấp huyện, 1 năm đoạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 1 năm đạt chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt, cô được biểu dương là nữ nhà giáo tiêu biểu, được nêu gương người tốt, việc tốt tỉnh Lào Cai.
Những năm mới vào nghề, cô giáo Ghếnh gặp trở ngại trong việc tuyên truyền, vận động đưa trẻ đến trường. Ròng rã nhiều ngày trời cô phải xách bao đến từng nhà nhận gạo về nấu cơm trưa cho các cháu học hai buổi mỗi ngày.
Nhiều gia đình có tâm lý nuôi con lớn lên, cho đi làm thuê, lấy vợ, gả chồng mà không cần học hành. Cô Ghếnh kết hợp cùng các ban ngành của xã vận động từng gia đình, chỉ cho họ thấy được tương lai của việc học hành đầy đủ. Nhiều năm làm nghề giáo, chưa khi nào cô Ghếnh bỏ cuộc trong việc thuyết phục phụ huynh cho trẻ đến trường.
Tại lớp mầm non, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, cô giáo Ghếnh đã tự tay làm đồ chơi, đồ dùng học tập từ lõi ngô, râu ngô, tre ngà, rơm rạ tạo hứng thú cho học trò. Đó là những con búp bê được tết từ rơm, dùng râu ngô làm tóc được cô minh họa cho bài học.
“Điều quan trọng nhất là phải thương yêu các em như con ruột mới mong trò yêu cô, yêu trường mà không bỏ lớp", cô giáo vùng cao tâm sự.
Những ngày 20/11 không quà, không hoa
Nghĩ về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Ghếnh chia sẻ: “Hầu như tôi không có kỷ niệm ngày 20/11. Đời sống còn nhiều khó khăn nên phụ huynh, học trò cũng không biết đến những ngày này". Có năm gần đây cô giáo Ghếnh nhận được từ mỗi học trò của mình một bông hoa, điều này khiến cô rất cảm động.
Đời sống còn nhiều khó khăn, cô Ghếnh không mong nhận được những món quà đắt tiền, bởi học trò còn không đủ quần áo đến trường, bố mẹ chúng không đủ cơm ăn, áo mặc thì việc cho các con đi học đã là quá sức rồi. Đối với cô, món quà mong mỏi nhất đơn giản chỉ là các em đừng bỏ lớp, bỏ trường mà thôi...
Có lẽ cuộc sống của giáo viên vùng cao quá khó khăn, một nghề nghiệp không chỉ có niềm thiêng liêng, tự hào riêng mà còn nhiều nước mắt. Cô Ghếnh nhiều lần thương học trò nghèo mà khóc.
Cô kể lại: “Các em học lớp mẫu giáo, còn nhỏ nhưng đã phải bộ 3km đường rừng cùng các anh chị bậc Tiểu học để đến trường. Những ngày trời lạnh cắt da cắt thịt, nhìn các em mặc quần áo rách rưới mà thương. Có em mặc áo len với quần cộc, có em bị bố mẹ bỏ rơi...".
Mùa đông, nhiều bé mầm non đi học đến nửa đường lại bỏ về vì trời quá lạnh. Cô giáo Ghếnh lại đến từng nhà động viên, thăm hỏi. Ước mong cuộc sống bớt nghèo khó, học trò đến trường đẩy đủ luôn thôi thúc cô Ghếnh từng ngày cố gắng, thầm lặng mà cao cả.
Theo Quyên Quyên
Tri Thức