> Nước mắm Phú Quốc lao đao vì thiếu cá cơm
> Thương hiệu Việt bị đánh cắp
Những cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo cũng là những địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách. Tuy nhiên số phận của nước gia vị đặc biệt này cũng gặp bao nỗi truân chuyên.
Bà Phạm Thị Mười - một hộ gia đình làm nước mắm lâu đời trên đảo Phú Quốc nói: “Yếu tố làm cho nước mắm Phú Quốc (NMPQ)“không lẫn vào đâu được” chính là nguyên liệu và qui trình sản xuất khác biệt”.
Về nguyên liệu phải là cá cơm, trong đó cá cơm sọc tiêu, cơm đỏ và cơm than là tốt nhất. Hầu hết những gia đình làm nghề nước mắm truyền thống trên đảo Phú Quốc đều có ghe tàu đánh bắt cá cơm riêng. Cá cơm được xử lí và ướp chợp ngay trên biển.
Điều này lí giải tại sao NMPQ lại có màu cánh gián tự nhiên vì do được ướp tươi, máu còn trong thân cá và được muối ủ trong thùng gỗ, loại gỗ đặc biệt, thời gian ít nhất 12 tháng.
Một yếu tố làm nên sự khác biệt nữa, đó là NMPQ phải được sản xuất ngay trên đảo Phú Quốc với đặc thù về khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt.
Theo một số tài liệu, từ cuối thế kỷ thứ 19, NMPQ đã được tiêu thụ trên thị trường Campuchia và Thái Lan. Sau đó, một số tàu buôn của nước ngoài đã đưa NMPQ vượt biển qua thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, cũng như số phận những sản phẩm ngon nổi tiếng khác, thương hiệu NMPQ cũng đã bị lợi dụng. Trên thị trường, nước mắm mang nhãn hiệu Phú Quốc hay ghi “từ nguồn nguyên liệu cá cơm Phú Quốc” được bày bán tràn lan.
Bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hiệp hội NMPQ cho biết: “Toàn đảo hiện có 104 nhà thùng làm nước mắm, sản lượng NMPQ bình quân mấy năm gần đây đạt khoảng 25-30 triệu lít/năm, trong đó khoảng 20 triệu lít đạt 30 độ đạm. Mỗi năm xuất khẩu ra nước ngoài khoảng 3 triệu lít. Tuy nhiên số lượng sản phẩm mang nhãn hiệu NMPQ tiêu thụ trên thị trường lên đến khoảng hai trăm triệu lít/năm. Như vậy, hầu hết NMPQ đã được sản xuất, đóng chai trong đất liền. Thậm chí nước mắm sản xuất tại Thái Lan nhưng cũng “đeo lon” Phú Quốc để xuất khẩu ra nước ngoài từ những năm 1970”.
Đầu tháng 10/2012, người dân Phú Quốc đón nhận tin vui khi NMPQ chính thức được Ủy ban Châu Âu (EC) cấp qui chế bảo hộ tại Liên minh Châu Âu. Trước đó, để bảo vệ thương hiệu NMPQ, từ giữa năm 2001, Cục Sở hữu công nghiệp đã công nhận tên gọi xuất xứ NMPQ.
Ngày 16/5/2005, Bộ Thuỷ sản đã ban hành qui chế tạm thời về kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc và đã ban hành qui định tạm thời về sản phẩm này.
Theo đó, nguyên liệu cá cơm phải được đánh bắt trên vùng biển Phú Quốc, bằng lưới vây; tỷ lệ cá cơm để làm nước mắm phải đạt 95% trở lên. Tất cả qui trình chế biến, đóng gói sản phẩm đều phải thực hiện trong khu vực địa lý huyện đảo Phú Quốc. Thế nhưng cho đến nay, sau hơn 7 năm ban hành qui chế thị trường sản xuất tiêu thụ NMPQ vẫn hỗn loạn.
Một khó khăn nữa mà dân làm NMPQ đang phải đối mặt đó là tình trạng khan hiếm cá cơm. Với kiểu đánh bắt tận diệt trong nhiều năm qua, các loại hải sản, trong đó có cá cơm đang ngày càng cạn kiệt. Đặc biệt gần đây có hiện tượng thương nhân Việt đi thu gom cá cơm trực tiếp trên vùng biển Phú Quốc để bán cho Trung Quốc với giá cao gấp 2-3 lần bình thường.
Trước đây cá cơm nguyên liệu làm nước mắm chỉ vào khoảng 7-8 ngàn đồng/kg, mấy năm nay duy trì mức 16-20 ngàn/kg. Nhiều nhà sản xuất nước mắm truyền thống đã “treo thùng”, hoặc sang nhượng lại với giá rẻ, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội NMPQ - bà Nguyễn Thị Tịnh đưa ra dự báo: “Rõ ràng NMPQ đang đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn nạn hàng nhái, hàng giả đến vùng nguyên liệu. Nếu không có sự can thiệp quyết liệt của nhà nước thì không biết NMPQ sẽ về đâu”, bà Tịnh nói.
Với kiểu đánh bắt tận diệt trong nhiều năm qua, các loại hải sản, trong đó có cá cơm đang ngày càng cạn kiệt. Đặc biệt gần đây có hiện tượng thương nhân Việt đi thu gom cá cơm trực tiếp trên vùng biển Phú Quốc để bán cho Trung Quốc với giá cao gấp 2-3 lần bình thường. |