Nước biển vào sâu, nông dân thiệt hại nặng

Nước biển vào sâu, nông dân thiệt hại nặng
TP - Nước sông Mê Kông từ thượng nguồn đổ về, nước mặn từ biển tràn lên, có nhiều dấu hiệu bất thường khiến cảng bị bồi lắng, lúa thiệt hại nặng.

Cảng bồi lắng

Cảng cá Trần Đề ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề (Trần Đề, Sóc Trăng), bên bờ sông Hậu, xây dựng chục năm trước để đón tàu đánh cá biển trong tỉnh và khu vực. Ở đây còn có khu tránh bão cho tàu thuyền với quy mô lớn. Gần đây, cảng bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến tàu thuyền vào ra rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, ở ấp Cảng, nói: “Tàu thuyền muốn ra vào phải đợi nước thật lớn mới dám đi. Chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể gẫy chân vịt  tàu, mà chân vịt bây giờ phải hàng trăm triệu đồng một cái”.  Ông Năm Thơ, ngư dân lâu năm ở ấp Cảng cho biết thêm: “Khi thủy triều xuống, các tàu cá phải neo đậu ngoài xa chờ con nước lớn mới vào cảng được nên chi phí đội lên rất cao, ngư dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”. Tình trạng bồi lắng còn làm các dịch vụ nghề cá không phát triển, trong khi kinh tế của huyện Trần Đề chủ yếu dựa vào ngư nghiệp, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang có kế hoạch nạo vét bồi lắng để thông luồng, tuy nhiên, khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện được. Hiện nay, bằng nhiều nguồn vốn vay, tỉnh mới triển khai được việc nâng cấp một số hạng mục của cảng như bến cập tàu, nhà điều hành cảng cá.

Mặn xâm nhập

Ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Nam Thái (An Biên, Kiên Giang) trồng 3 ha lúa mùa sau vụ nuôi tôm, đã bị thiệt hại nặng vì nước ngọt về yếu nên ruộng lúa quá mặn. Khi nước ngọt về ít, nước mặn lại tràn lên sớm nên nông dân không kịp trở tay và mấy huyện gần biển Tây của tỉnh Kiên Giang đã bị thiệt hại hơn 30.000 ha lúa mùa và lúa đông xuân 2015-2016. Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, ông Trần Quang Củi, cho biết thiệt hại nặng nhất là huyện An Minh với gần 15.000 ha, hai huyện An Biên và Vĩnh Thuận, mỗi huyện thiệt hại trên dưới 8.000 ha.

“Dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL đang diễn biến rất khó lường do tác động của các hồ chứa. Các địa phương cần tăng khả năng cập nhật thông tin để ứng phó”.

Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ông Trần Bá Hoằng

Cuối năm 2015 và đầu tháng 1/2016, xâm nhập mặn đã vào sâu có nơi đến 50 km cách cửa biển, làm hàng vạn héc-ta lúa và cây trái, hoa màu ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre bị thiệt hại nặng.

 Ở tỉnh Bến Tre, do nước ngọt từ thượng nguồn về ít, nước mặn xâm nhập sâu và còn kéo dài bất thường hơn so với những năm trước, khiến nhiều nơi thiếu cả nước sinh hoạt.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo, những vùng cách biển khoảng 50 km mà trong tháng 1 đã bị nhiễm mặn 4 gram/lít thì từ tháng 2, gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ sông. Không những thế, một số thành phố như Rạch Giá (Kiên Giang), Vị Thanh (Hậu Giang), Bến Tre (tỉnh Bến Tre) có khả năng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt.

MỚI - NÓNG