Núi lửa sắp tuôn trào, 75.000 dân Indonesia sơ tán

Núi lửa sắp tuôn trào, 75.000 dân Indonesia sơ tán
TP - Theo trung tâm nghiên cứu núi lửa của Indonesia, mấy ngày gần đây, núi Agung ở Bali đang trải qua các hoạt động địa chấn chưa từng thấy và khả năng núi lửa tuôn trào chỉ còn được tính theo giờ.

Mức cảnh báo núi lửa ở Agung được đặt ở mức cao nhất từ chiều 21/9 sau khi ghi nhận nhiều địa chấn liên tục. Tính đến chiều 26/9, hơn 75.000 người dân địa phương đã được đưa đi sơ tán khi Agung, ngọn núi cao nhất Indonesia, liên tiếp xảy ra động đất nội bộ.

Agung trải qua 844 trận động đất núi lửa ngày 24/9, và  khoảng  300-400 trận động đất ngày 25/9.

Ông Devy Kamil Syahbana, nhà dư chấn học của trung tâm nghiên cứu núi lửa và thiên tai của Indonesia, nói: “Chúng ta phải hết sức lưu ý vì những trận động đất là dấu hiệu cho biết sự di chuyển của magma trong lòng đất và nhiều khả năng núi lửa
sắp phun”.

Trước đó, các nhà chức trách kêu gọi mọi người dân cách núi lửa trong bán kính 9-12km ra khỏi  khu vực nguy hiểm. Những người sơ tán đã tới lánh nạn tại hàng trăm làng và các trung tâm thể thao lân cận hoặc ở  tạm nhà của người thân. Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự kiến thăm một số trại lánh nạn của người dân vào ngày 26/9.

Ông Kasbani, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu núi lửa, trao đổi với báo chí địa phương rằng, sự gia tăng tần suất các trận động đất núi lửa trong lòng đất cũng như các cơn địa chấn địa tầng là dấu hiệu cho thấy dung nham núi lửa đang tiếp tục di chuyển lên bề mặt núi lửa. Nếu các trận động đất vẫn tiếp tục, một vụ phun trào sẽ diễn ra chỉ trong vài giờ tới.

Đây sẽ lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, núi Agung mới phun trào.  Lần cuối cùng Agung phun trào vào năm 1963 và làm hơn 1.000 người thiệt mạng.

Sau vụ động đất năm 1963, trung tâm nghiên cứu núi lửa Indonesia mới được thành lập. Các núi lửa khác ở Indonesia bùng phát gần đây cung cấp dữ liệu phong phú hơn cho các nhà địa chấn học để so sánh và đánh giá.

Với núi Agung, các chuyên gia không có tài liệu hướng dẫn cụ thể ngoài những lời kể của người dân địa phương thời điểm xảy ra trận phun trào núi lửa cách đây hơn 50 năm. Người dân địa phương cũng cho biết, trước khi núi lửa phun trào, liên tiếp có các trận động đất.

Khi núi lửa tuôn trào, các đám mây lửa và tro bụi sẽ bay lên không trung ảnh hưởng tới hoạt động của máy bay đi qua khu vực này. Chính vì vậy, các nhà chức trách đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án nếu núi lửa tuôn trào, họ sẽ có hướng dẫn chuyển hướng cho các sân bay khu vực, bao gồm cả đảo Java và Lombok.

Anh, Australia và Mỹ đã nhanh chóng đưa ra lời cảnh báo cho người dân nước mình nếu có ý định đi du lịch khu vực này. Agung là một trong số nhiều núi lửa đang hoạt động trong vành đai núi lửa  ở Indonesia và các bờ biển Thái Bình Dương.

Theo Theo The Guardian
MỚI - NÓNG