Có một tín hiệu đáng mừng sau chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội nhằm giải quyết khủng hoảng rác thải và những bức xúc của người dân Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy, trước đó, không ít cơ quan chức năng đã chưa làm hết trách nhiệm của mình trong xử lý xe môi trường nhưng lại gây ô nhiễm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, thành phố đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại mới nhất vào xử lý rác thải, nhưng Bộ Xây dựng lại chưa có đơn giá định mức mới áp dụng cho các công nghệ hiện đại này mà cơ bản chỉ có đơn giá cho công nghệ cũ từ nhiều năm trước. Chính sách còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu thực tế. “Suất đầu tư lớn nên nhà đầu tư rất cân nhắc”, ông Hùng nói.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định 17 khu xử lý gồm 8 khu hiện có nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới. Thành phố cũng lên danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020, đồng thời đề xuất các công nghệ áp dụng xử lý gồm công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công nghệ tái chế, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai quy hoạch, Hà Nội đang bị chậm tiến độ, tỷ lệ chôn lấp rác của thành phố rất cao (khoảng 90%), các dự án ưu tiên đầu tư đề xuất đến năm 2020 theo quy hoạch chưa được thực hiện đúng tiến độ, chưa có nhà máy xử lý sử dụng công nghệ cao với quy mô lớn đi vào hoạt động…
Chỉ trong hơn 3 tháng qua, Hà Nội đã hai lần “ngập trong rác” với hàng nghìn tấn rác tồn lại nhiều ngày bốc mùi hôi thối trong nội thành do nhiều người dân thuộc hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn chặn xe chở rác vào khu xử lý. Theo nhiều chuyên gia, nếu những vướng mắc không được giải quyết dứt điểm thì tình trạng Thủ đô “ngập rác” rất có thể tái diễn.
Yêu cầu về xử lý rác thải của Hà Nội và nhiều đô thị trên cả nước ngày càng cấp bách nhưng dường như giải pháp vẫn còn nửa vời?