Nửa thế kỷ thuở hoa niên ấy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cái quỹ thời gian dài thượt của một đời người thì ba năm cũng chỉ là thứ chớp mắt. Nhưng lạ, ba năm cái tuổi hoa niên cấp 3 (lớp 8,9,10) như khóa chúng tôi Cấp 3 trường huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) sao bao thứ nó hằn, nó ám vào trí nhớ đến là dai dẳng?

Phải cậy nhờ vào cuốn sổ biên việc của ông bạn Phạm Thành Đồng. Đồng, bạn học lớp A, hiện là yếu nhân trong Ban tổ chức Kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường khóa 1969-1972 của Cấp 3 Vĩnh Lộc.

Đồng ghi.

Sĩ số 3 lớp (8A, 8B, 8C) là 190. Nam 116. Nữ 74. Số lượng lớp A, B, C… Vào quân đội 78. 104 thi Đại học. 70 đỗ ĐH, cao đẳng trung cấp. vv… Đã mất vì bệnh tật già yếu là 39…vv…

Có những thứ ông bạn già không ghi. Nhưng nếu gạn thêm, ông cứ là vanh vách về đám bạn cả 3 lớp A, B, C. Những đường đời, số phận hanh thông, bất hạnh, so súi… Bao nhiêu đã rời cố hương Vĩnh Lộc ly hương, ly nông hoặc có gia thất cùng cơ ngơi ở tỉnh thành nào đó! Lại cả bao nhiêu những đứa cùng khóa đã nên vợ nên chồng? Cùng đôi nào đã ly dị! Lạ nữa 6-7 mươi đa phần hom hem lẩy bẩy vậy mà Đồng trưng ra cả 6 trường hợp hiện tại đương mắc trọng bệnh cần được sự giúp đỡ.

Nửa thế kỷ thuở hoa niên ấy ảnh 1

Những gương mặt cựu HS Cấp 3 Vĩnh Lộc Khóa 1969-1972

Ngày tựu trường ấy vẫn mồn một cảm giác diệu vợi, cách biệt thế nào? Cảm giác ấy có phải vì đám lớp A, B (nhất là lớp A) hầu hết là dân những xã miền trên có xứ đất đồng, đất bãi bằng phẳng, cách Thành Nhà Hồ chỉ vài cây số. Đời sống cũng tạm đỡ, ít nhà đứt bữa như 5 xã vùng xuôi nên ngó cô cậu nào cũng sáng sủa chứ ít người thoạt trông đã thấy lam lũ tất tả như đám lớp C?

Khối lớp 8C chúng tôi đa phần là người 5 xã miền xuôi Vĩnh Hùng, Vĩnh Minh, Vĩnh Tân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh An. Không cùng trật mà nhô nhỉnh chút ít về tuổi tác. Như tôi mãi 9 tuổi mới vào được lớp Một vì đường sá xa xôi việc học cách trở. Hầu hết khi nhập học lớp Tám đều nhất loạt khai là sinh năm 1954 hoặc 1955 cho đủ, tròn tuổi!

Tuổi sàn sàn 15, 16 hoặc nhỉnh hơn tý, hết thảy ngó non choẹt. Vậy mà đường ăn nói ứng xử cứ như đã chững chạc. Mà hầu như cánh con trai sớm ý thức được khoản giới tính? Chả bù cho đám con gái, lắm đứa tong teo, dẹt lép chứ đâu được phổng phao như tầm tuổi thời nay. Sau này nghe lại những thầm thì mà thương. Vào lớp 8 nhưng có đứa chưa… thấy tháng! Ấy là mấy em xứ đồng chiêm trũng. Làm lụng quần quật tối ngày. Có đến nửa năm trời phải ngâm nửa mình dưới nước tất tả với cày bừa, cấy hái.

Nửa thế kỷ thuở hoa niên ấy ảnh 2
Những gương mặt cựu HS Cấp 3 Vĩnh Lộc Khóa 1969-1972

Khoảng trống cách biệt ấy như được dần dà xích lại và phát lộ những gần gụi cảm thông khi cả 3 lớp cùng những buổi làm chung gọi là lao động XHCN. Có cả nửa tháng đào hồ Trạm thủy lợi An Tôn. Vác luồng Phố Giáng. Đắp đê Vĩnh Hùng, Vĩnh An vv… Hóa ra lòng tay trắng trẻo của đám con gái Phố Giáng phi nghề nông cũng biết sục biết bấu vào tảng bùn nâu nhày nhụa. Những lưng áo của thứ vải phin nõn chiết eo ngày thường cao xa là thế cũng lằn ngang dọc những vệt đất do vác luồng!

***

Hình như cái sự lựa chọn thuở ấy nó sáng suốt, khi lựa được những tay cứng cựa đảm cái chức lớp trưởng. Như Nguyễn Văn Quân lớp trưởng 10A. Hồi học Cấp 3 Vĩnh Lộc, Quân nổi trội các môn tự nhiên. Thi đại học đỗ đi Liên Xô. Quân học dầu khí ở Ba Cu rồi về nước làm ở Dầu khí. Rồi VietsoPetro. Quân nhanh chóng bứt phá, vượt thoát nhập vào đám cán bộ quản lý. TS Nguyễn Văn Quân phụ trách Petechim (Công ty có chức năng xuất nhập khẩu dầu khí). Petechim nổi danh ăn nên làm ra trong mặt bằng dầu khí nước Việt.

Rồi như Nguyễn Văn Viết lớp trưởng lớp C của chúng tôi. Viết đi Liên Xô học như Quân nhưng ngành nông nghiệp. Về nước, TS Viết là đệ cưng của Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng. Nhớ hồi ghé Viện Cây Lương thực - Thực phẩm ở Gia Lộc, Viết đương bận làm việc với Viện trưởng, may là chỗ quen biết, VS Hoàng vẫy tôi vào. Lại phải ngồi đợi và nghe những thứ mình chả hiểu gì. Sau này khi Viết về hưu, vẫn có những ông bà chuyên gia mắt xanh râu xồm của tổ chức Lương nông quốc tế - FAO tìm gọi vì công việc!

Lớp C tôi có một tay tài hoa. Lão vẽ rất giỏi. Đương dở lớp 10 thì sung vào lính. Lái xe chiến trường, sau về học Mỹ thuật. Bây giờ qua Ngã Sáu Buôn Mê Thuột có nhóm tượng đài xe tăng và giữa TP Thanh Hóa sừng sững tượng Bình Định Vương Lê Lợi - hai trong nhiều công trình tượng đài của lão. Đấy là họa sĩ kiêm điêu khắc gia Hoàng Nhân!

Lại nói chuyện trọ học. Hầu như tất tật đám trò lớp C của 5 xã miền xuôi đều phải trọ học suốt 3 năm cấp 3. Cũng phải biết ơn cái công cưu mang của dân Phố Giáng Vĩnh Thành, Bái Xuân, Đồng Minh… của Vĩnh Phúc ngay sát trường cấp 3.

Đám học trò ấy đa phần nghèo rớt. Nhà có con đi trọ học, phải dũng cảm và có chí lắm thì mới biện ra mỗi tuần 14 bò gạo cho con mình vác lên nhà trọ (“bò” là cái lon sữa bò y chang hộp Sữa Ông Thọ bây giờ, làm đơn vị đo lường thời ấy). Còn ở nhà cha mẹ các em phải thêm thắt sắn khoai. Thức ăn chỉ là muối trắng mà chúng tôi gọi chệch đi là mắm chéo. Đứa nào sang thì có muối lạc, vừng hoặc muối trắng thêm chút mỡ đảo vào. May mắn thì nhà chủ cho nạp gạo, nấu và chung thức ăn với chủ nhà. Cứ 2 hoặc 3 tuần thì dành một chủ nhật lên núi Đún hoặc lên tận Eo Lê chặt củi phụ giúp nhà trọ. Nhớ năm lớp 9 cùng Hoàng Đình Hòa trọ chỗ nhà bà Thái. Cứ cơm xong là Hòa lăn ra ngủ. Nhưng khi tôi được một giấc đẫy đã thấy Hòa ngồi chong đèn học đến sáng. Đi củi cho nhà trọ, Hòa giành gánh phần hộ tôi. Tính chậm chạp, cả khi ăn cũng vậy. Hòa thường nhường tôi miếng cháy rồi giành phần rửa bát. Hòa con cụ Hoạt, phụ trách Dược phẩm huyện khá quyền thế khi ấy. Hòa có thể được miễn hoãn không phải đi bộ đội, nhưng ông Hoạt cứ động viên Hòa lên đường. Những trường hợp thuộc diện miễn hoãn khi ấy là có 2 anh ruột đang ở chiến trường (như tôi chẳng hạn) còn những gia đình chưa có ai đi bộ đội thì phải nhập ngũ. Lớp tôi cuối năm 1971 Lê Như Anh, Lê Văn Lý, Hoàng Đình Hòa cùng vào bộ đội. Bên lớp A, B cũng có nhiều bạn nhập ngũ cùng đợt.

Những tin dữ báo về trường… Hoàng Đình Hòa, Lê Văn Lý. Rồi bên lớp A những Trịnh Việt Hiền (em ruột thầy Khắc dạy chính trị), Nguyễn Giang Đông, Phạm Văn An, lớp B những Trịnh Văn Quán, Đạo cũng lần lượt ngã xuống ở các chiến trường. Họ nằm trong 107 học sinh của Trường cấp 3 Vĩnh Lộc (từ 1961) đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống Mỹ!

Chuyến đi Bungari năm 1986, tôi bất ngờ gặp được anh Lê Văn Hoa anh ruột Lê Văn Lý. Anh Hoa cùng lớp với anh Cúc, anh ruột tôi cũng dân Cấp 3 Vĩnh Lộc. Anh Hoa được đi Bun học rồi ở lại làm ăn. Đêm đó chúng tôi ôn nhiều chuyện về Lý, về người bạn thân. Về đứa em thương mến ngày nào. Như vẫn quanh quất đâu đây cái dáng nhanh nhẹn trắng trẻo mau mắn của Lý… Giường bên, bất đồ anh Hoa nức lên. Mới đầu còn nghẹn ngào sụt sịt… Sau bật lên những âm thanh nức nở làm tôi cũng bật khóc theo. Chao ôi quá vãng của một đất nước bi thương đã theo đuổi đeo bám chúng tôi đến tận xứ người!

Tôi lại nhớ anh Trịnh Huy Oai.

Bây giờ trên đường thiên lý, đến cầu Thạch Hãn - Bắc vô thì bên trái, Nam ra thì bên phải - rất dễ nhận ra một cụm tượng đài khá ấn tượng. Hai mươi, vâng đúng 20 giọt máu hồng quần tụ bên một trái tim lớn. Tượng đài là nơi kỷ niệm ghi dấu trận đánh của Trung đội Mai Quốc Ca ngày 10-4-1972 đã làm nên một huyền sử của cuộc chiến tranh vệ quốc. Chỉ vỏn vẹn 20 tay súng nhưng đã tiêu diệt được 125 quân địch thuộc nhiều binh chủng, 2 cố vấn quân sự Mỹ và bắn hạ nhiều xe cơ giới.

Do lực lượng quá chênh lệch 20 chiến sĩ của trung đội Mai Quốc Ca đã lần lượt hy sinh đến người cuối cùng.

Sau này Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đồng thời phong tặng danh hiệu "Trung đội 1 thắng 100" cho Trung đội Mai Quốc Ca. Trong đội hình của Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca ấy có anh Trịnh Huy Oai!

… Tôi đương bần thần nhớ đến cung chặng 15-20 cây số, cứ trưa thứ bảy đám trọ học lếch thếch từ huyện lỵ Vĩnh Lộc cuốc bộ về nhà. Chỉ vài đứa có xe đạp đèo nhau. Chiều chủ nhật lại trĩu trên lưng ruột tượng gạo ngược chiều lên phố huyện.

Xăm xắn sải những bước dài là cái dáng cao nhỉnh của anh Trịnh Huy Oai, anh Cẩm học lớp trên… Cùng những sải ngắn là Đường là Đính là chị Bền… Thể lực anh Oai hồi ấy nhỉnh hơn cả bọn. Thầy Trung giáo viên thể dục luôn biểu dương anh Oai môn xà kép. Anh Oai mà tung người trên cặp xà kép thì thôi rồi!

Rồi đội hình trọ học cuốc bộ ấy vắng anh Oai. Anh Oai không phải dự thi tốt nghiệp cấp 3 mà được đặc cách vào thẳng chiến trường!

***

…Sâu đậm thêm hình ảnh các thầy cô chúng tôi, người còn người mất! Hầu như ai cũng nghèo nhưng giàu tình với các trò. Những chăm chắm cùng mải mốt việc dạy thêm dạy nếm hoặc ủ mưu để đoạt thứ học vị GS, TS ưu tú này khác như thời nay tuyệt nhiên không có! Mà các thầy cô luôn thường trực trăn trở lo lắng là làm cách nào để đám trò nó yêu nó thích cái môn mình dạy? Thích, dường như là tiêu chí tiên quyết của một phương pháp giáo dục mà thời nay đương xao nhãng? Đã nửa thế kỷ nhưng trong tâm trí chúng tôi khó mờ nhòe hình ảnh thương kính những thầy Lâm Đức Quyền, thầy Phán, thầy Khắc, thầy Sinh, thầy Ý, cô Nhung, cô Lợi, cô Khanh, cô Đồng…

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.