Nữ thủ lĩnh 9X 'đa di năng'

Nữ thủ lĩnh 9X 'đa di năng'
Sáng lập triển lãm ảnh Chase Hanoi, Trưởng BTC Hội thảo Du học VietAbroader 2013, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại Mỹ, tổ chức quảng bá văn hóa Việt Nam với SV quốc tế… Tôn Nữ Thùy Anh (năm thứ hai, Bard College, Mỹ) nổi lên như một thủ lĩnh trẻ dám nghĩ, dám làm.

> Vẻ đẹp mong manh của nữ du học sinh Mỹ - (03/08)

> Du học là… lớn lên từ những trận bão - (02/08)

Mở triển lãm tranh

Khi đang học lớp 11 tại Canada, thấy rằng học sinh Việt Nam chụp được rất nhiều bức ảnh đẹp nên Thùy Anh và một người bạn đã nảy ra ý tưởng mở một triển lãm. Đây sẽ là nơi trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh độc đáo, góc nhìn mới lạ của học sinh, sinh viên Việt.

Bằng vốn kiến thức và kinh nghiệm có được từ một triển lãm khác mà bản thân từng thực hiện, Chase Hanoi mùa đầu tiên - “Tầm nhìn”, đã được Thùy Anh và người bạn của mình ra mắt khán giả vào năm 2011.

Thế rồi, cứ mỗi dịp nghỉ Hè, về nước, Thùy Anh lại tất bật chuẩn bị cho triển lãm. Bố mẹ cô bạn lúc đầu thấy con không chịu nghỉ ngơi mà cứ chăm chăm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì lo lắng và phản đối. Dần dần, khi thấy con gái vui vẻ vì được làm công việc mình yêu thích, họ mới chuyển sang ủng hộ.

Khắc phục hàng loạt các khó khăn về kinh phí, tìm nhà tài trợ, thu hút tình nguyện viên, làm truyền thông để các bạn trẻ biết và gửi tranh tham gia triển lãm… đến nay, Thùy Anh và cộng sự đã đưa Chase Hanoi đi được chặng đường 3 năm liên tiếp.

Mỗi mùa Chase Hanoi là một chủ đề khác nhau (“Tầm nhìn”, “Sống”, “Những giấc mơ mà tôi đi tìm”) tạo nên một chuỗi hành trình đi tìm hoài bão của người trẻ, ghi vào lòng khán giả những ấn tượng và cảm xúc thú vị. Chất lượng ảnh năm sau tốt hơn năm trước, lượt người tới tham quan triển lãm cũng đông hơn, thành công này là sự kết tinh những nỗ lực không ngừng của Thùy Anh và những người bạn.

Tôn Nữ Thùy Anh
Tôn Nữ Thùy Anh.

Thủ lĩnh sinh viên Việt tại Bard College

Hoàn thành xong việc học phổ thông ở Canada, Thùy Anh sang Mỹ học tiếp tại trường Bard College. Ngay khi là sinh viên năm thứ nhất, với sự thông minh, năng động của mình, Thùy Anh trở thành Trưởng Hội Du học sinh Việt Nam tại trường.

Hội thường xuyên tụ họp nấu ăn, mời các bạn sinh viên trong trường cùng tham gia. Qua đó, Thùy Anh và nhóm bạn của mình có dịp giới thiệu, quảng bá cho mọi người hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Thùy Anh cũng là một thành viên của Hội Người châu Á tại trường. Sau khi tham gia vào Hội, Thùy Anh đã tổ chức thêm nhiều hoạt động mới, giúp mọi người hiểu rõ nét đặc trưng trong nền văn hóa của từng quốc gia châu Á: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ví như trong Lễ hội Năm mới được tổ chức tại trường, bên cạnh việc giới thiệu, Thùy Anh còn bày ra những đồ vật đặc trưng của mỗi nước để sinh viên quốc tế tới tham quan và hiểu được đâu là nét chung châu Á, đâu là nét riêng khác biệt của từng quốc gia trong lễ hội này.

Bên cạnh đó, Thùy Anh còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, trong đó, hoạt động tiêu biểu và thường niên của bạn là di chuyển tới các khu vực xung quanh trường để dạy Toán và các trò chơi Toán học giúp trẻ em Mỹ tiếp thu bài nhanh hơn.

“Truyền lửa” cho thế hệ du học sinh kế tiếp

Vừa rồi, vượt qua 300 ứng cử viên khác, Thùy Anh trở thành Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo Du học Vietabroad 2013. Nhiệm vụ của bạn là chỉ đạo, bao quát để chương trình suôn sẻ và thành công: Quản lý nội dung, kinh phí, mô hình của hội thảo, xin giấy phép, phân chia công việc, quản lý tình nguyện viên…

“Tuần cuối khi hội thảo sắp bắt đầu, ngày nào mình và các tình nguyện viên khác cũng họp từ 9h sáng tới 10h tối, mỗi bữa ăn hầu như chỉ qua loa cho xong. Ngày cuối cùng, tất cả chạy việc, họp hành từ 9h sáng đến 1h đêm mới xong, trong khi đó, 5h sáng hôm sau đã phải dậy để mang các vật dụng cần thiết tới Trung tâm Hội nghị quốc tế, trước giờ khai mạc hội thảo”, Thùy Anh chia sẻ.

Nhờ kinh nghiệm, Thùy Anh thấy rằng, hội thảo các năm trước cần thay đổi một số điều. Và thế là công cuộc “cải cách” của nữ thủ lĩnh trẻ bắt đầu. Trước đây, mô hình của hội thảo thường là: Các học sinh tham dự ngồi ở những chiếc bàn nhỏ hướng lên sân khấu để nghe thuyết trình, sau đó, quay trở về chủ đề bàn luận quanh nhóm. Năm nay, Thùy Anh quyết định thay đổi bằng mô hình luân chuyển phòng.

Theo đó, hội thảo sẽ có nhiều phòng, mỗi phòng bàn về một chủ đề du học khác nhau, học sinh sẽ di chuyển từ phòng này sang phòng khác. “Cách làm này tốn nhiều chi phí và thời gian, công sức chuẩn bị nhưng sẽ đạt được hiệu quả cao.

Qua bảng khảo sát ý kiến của các em học sinh mà chúng mình thu về sau hội thảo thì đa số các em đều cho rằng, mô hình này tốt hơn các năm trước. Các em có cơ hội giao lưu, nói chuyện với nhiều anh chị du học sinh hơn, đồng thời, hiểu sâu hơn về những thách thức và khó khăn khi đi du học”, Thùy Anh tâm sự.

“Bật mí” bí quyết thành công

Tham gia nhiều hoạt động cùng lúc đã giúp Thùy Anh trưởng thành hơn rất nhiều: Giao tiếp tốt với mọi người, nhìn nhận vấn đề toàn diện, khi gặp rắc rối thì ngay lập tức nảy sinh các ý tưởng để tháo gỡ, đồng thời, nhanh chóng phân tích và nhận ra giải pháp nào khả thi nhất.

Thùy Anh cho rằng, để có thể đảm đương vai trò của một thủ lĩnh thì điều kiện tiên quyết là phải biết cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của thành viên. Có như vậy mới tạo ra được một tập thể thân thiện, đoàn kết, mọi người cùng chia sẻ và chung sức cho một mục tiêu duy nhất.

Bên cạnh đó, tầm nhìn, khả năng bao quát và sắp xếp công việc hợp lý cũng đóng vai trò rất quan trọng. “Khối lượng công việc mà một thủ lĩnh phải làm thường rất lớn, nó lại chung chung, bao quát tất cả nên nếu không biết phân chia, sắp xếp công việc hợp lý cho thành viên, không cân bằng được chính nhiệm vụ của mình thì rất dễ rơi vào stress”, Thùy Anh nói.

Cô bạn này cũng chia sẻ thêm rằng, môi trường học tập ở Mỹ rất cạnh tranh, sinh viên có nhiều ý tưởng, các nhà tài trợ cũng rất khắt khe khi đánh giá về một dự án mới. Đa số du học sinh Việt chỉ có thể tham gia tình nguyện chứ ít có cơ hội để làm một dự án của riêng mình. Vì vậy, Thùy Anh hy vọng, việc phát triển Chase Hanoi chạy “dài hơi” cũng như thử thách bản thân trong những lần làm “thủ lĩnh” sẽ là cách tốt giúp bạn cọ sát thực tế, tích lũy kinh nghiệm và tạo ra dự án của riêng mình trên đất Mỹ.

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Tôn Nữ Thùy Anh

Ngày sinh: 12/8/1994.

Trường theo học: Chuyên Nga Hà Nội – Amsterdam (2005 – 2009), trường Vincent Massey, Ontario, Canada (2010 – 2012), Bard College, New York, Mỹ (từ 2012).

Thành tích:

- Huy chương Vàng giải Toán Galois toàn Canada (2010).

- Huy chương Bạc giải Toán Hypatia toàn Canada (2011).

- Giải Nhì cuộc thi ảnh ISO, Bard College (2013).

- Giải thưởng quỹ Hoạt động vì cộng đồng, Bard College (2013).

Hoạt động tham gia:

- Trưởng Ban Tổ chức hội thảo du học VietAbroader 2013, tại Hà Nội.

- Đồng sáng lập và đồng Chủ tịch triển lãm ảnh Chase Hanoi.

- Đồng Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Bard College.

- Tổ chức sự kiện Cộng đồng châu Á tại Bard College.

Theo Hồng Giang
Hoa học trò

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.