Nữ sinh muốn tình nguyện suốt đời

Nữ sinh muốn tình nguyện suốt đời
TP - Đôi khi sự sẻ chia chỉ là ít phút nhìn thấy em bé lấm lét qua đường, bạn không ngần ngại áp bàn tay bé nhỏ của em trong bàn tay ấm nóng của mình đưa em sang.
Nữ sinh muốn tình nguyện suốt đời ảnh 1
Đỗ Thị Lụa

Có lúc sẻ chia là dành thời gian nghỉ hè để nhọc nhằn cõng chữ lên miền núi dạy cho lũ trẻ nghèo ở bản xa.

Và có những người, sẻ chia là gắn bó 6 năm với phong trào tình nguyện và vẫn nuôi một ước mơ: “Nguyện cống hiến suốt đời cho tình nguyện...”.

Hết mình cho tình nguyện

Thoáng đã 6 năm, Đỗ Thị Lụa (sinh viên năm thứ tư, ĐH Bách Khoa Hà Nội) gắn bó với các phong trào tình nguyện. Cô bồi hồi nhớ lại những ngày còn là nữ sinh lớp 12. Lụa quyết tâm thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Mặc dù việc học chiếm phần lớn thời gian, nhưng từ hồi đó Lụa vẫn không ngần ngại đến chăm sóc và sẻ chia với các em nhỏ khiếm thị, thiếu may mắn tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Và đã bao “mùa hè xanh” Lụa đặt chân trên những nẻo đường xa như: Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Tây (cũ)...

Và bây giờ đã hơn một năm Lụa bén duyên với tổ chức tình nguyện Vì hòa bình Việt Nam – Volunteers for Peace Viet Nam (VPV), hơn một năm sống hết mình và thật sự thấm thía câu: “Hạnh phúc là sẻ chia”.

VPV là tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tình nguyện tại Việt Nam từ năm 2005 với sứ mệnh: Phát triển phong trào tình nguyện quốc tế làm nền tảng cho tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế, đồng thời đóng góp vào tiến trình phát triển xã hội nói chung.

Trong 3 năm qua, tổ chức này đã điều phối gần 2.000 tình nguyện viên, trong đó một nửa là các tình nguyện viên quốc tế. Tổ chức đã có nhiều dự án tình nguyện lớn tại 6 tỉnh và thành phố trong cả nước: Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, TPHCM, Đà Nẵng và đang tích cực tham gia hỗ trợ nhiều lĩnh vực: Giáo dục, y tế, môi trường, phát triển cộng đồng và phát triển thanh niên.

Ban đầu, qua trang web của tổ chức, Lụa tham gian VPV như một cộng tác viên ngắn hạn với 3 tháng hoạt động. Nhưng đến giờ Lụa đã trở thành nhân viên chính thức của VPV với công việc của một nhân viên quản lý hành chính.

Sáng thứ hai, thứ ba và cả những ngày nghỉ cuối tuần, cô đều có mặt tại văn phòng của VPV ở Tây Mỗ –Từ Liêm (Hà Nội) – nơi cách nhà hàng chục cây số. Công việc không nặng nhọc những đôi khi rất bận rộn.

Lụa sắp xếp chương trình đón các tình nguyện viên quốc tế đến Hà Nội, sắp xếp để các tình nguyện viên Việt Nam dạy tiếng Việt cho các tình nguyện viên quốc tế, đưa họ đi tham quan Hà Nội, rồi sắp xếp thời khóa biểu, giáo viên cho gần 20 lớp học tiếng Anh miễn phí trong chương trình “Phát triển tiếng Anh cộng đồng” của VPV… và biết bao công việc hành chính khác nữa.

Chính từ những việc làm ấy, Lụa dần trở thành một cầu nối các bạn quốc tế đến khám phá đất nước Việt Nam. Khoảng cách địa lý, ngôn ngữ… đã được phá bỏ nhường chỗ cho tình bạn nảy nở để cống hiến sức trẻ cho cộng đồng.

Lụa nhớ mãi người bạn tình nguyện viên đến từ Hà Lan. Những ngày đầu đến Việt Nam, cô gái ấy trầm lặng, không nói chuyện với mọi người xung quanh và ẩn mình trong một thế giới riêng.

Nữ sinh muốn tình nguyện suốt đời ảnh 2
Đỗ Thị Lụa và các tình nguyện viên quốc tế tham quan châu Âu

Chỉ cần một cái gật đầu chào hỏi, một nụ cười thân thiện, Lụa dần trở thành một người bạn tin cậy, sẻ chia. Và rồi cô phát hiện ra rằng cô bạn Hà Lan của mình có một quá khứ rất buồn, nhiều người trong gia đình cô vừa gặp bất hạnh.

Cảm thông với bạn, Lụa đã đưa bạn đi chơi khắp Hà Nội. Cô lắng nghe bạn tâm sự, sẻ chia với bạn những muộn phiền. Dần dần chị đã giúp người bạn nọ vơi đi quá khứ đau thương, thoát ra khỏi vỏ ốc và hòa nhập với cuộc sống mới trong “Ngôi nhà hòa bình VPV” trên đất Việt.

Hoạt động ở VPV, Lụa từng đại diện cho tổ chức phối hợp với hội sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội mở câu lạc bộ giao lưu và dạy tiếng Anh cho trường. Lụa luôn muốn nâng cao vốn tiếng Anh cho sinh viên kỹ thuật trường mình. Vì vậy, trên chặng đường dài hơn 15km, khi thì xe bus khi thì xe máy, cô nhiệt tình đưa các bạn tình nguyện viên quốc tế đến với sinh viên Bách khoa Hà Nội.

Còn đó những trăn trở

Nữ sinh Bách khoa nổi tiếng vất vả, ấy vậy mà Lụa lại còn theo học nhiều chuyên ngành. Việc học đã ngốn phần lỡn quỹ thời gian, xen vào đó là thời gian tham gia tình nguyện, thời gian dành cho gia đình, bạn bè…

Có nhiều lần công việc tại văn phòng tình nguyện 12 giờ mới kết thúc, không kịp ăn trưa Lụa lại tiếp tục vượt chặng đường 15km để đến trường cho kịp học tiết 1 buổi chiều.

Những ngày nắng mồ hôi đẫm trán hay những ngày đông lạnh cóng, chị vẫn duy trì thời gian biểu của mình. Lụa cho biết: Nhiều khi 12 giờ đêm rồi, cô còn nhận được những cuộc điện thoại từ những bạn tình nguyện quốc tế vừa đến Việt Nam còn nhiều bỡ ngỡ, cần giúp đỡ.

Gặp Lụa lúc nào cũng thấy bận rộn. Lụa hay nói vui rằng mình luôn là kẻ trễ hẹn với bạn bè nhưng ít ra luôn biết đúng giờ cho công việc. Lụa cũng nghĩ rất nhiều về những em bé ở trung tâm bảo trợ xã hội, ở làng trẻ Hữu nghị – nơi mà tổ chức của cô thường xuyên đến hoạt động tình nguyện, chăm sóc các em.

Ở trung tâm bảo trợ ấy, Tình – một em bé 14 tuổi đã gắn bó và dần thân thiết với Julia – một tình nguyện viên đến từ Áo. Sau đợt tình nguyện 9 tháng, Julia phải chia tay Việt Nam và về nước, Tình đã khóc suốt cả tuần liền.

Và rồi những tình nguyện viên mới – những người bạn mới lại đến, lại làm quen và khi đã thân thiết, các em lại phải chia tay khi họ kết thúc chương trình tại Việt Nam. Nỗi lo sợ phải chia tay của Tình cũng là nỗi lo sợ chung của các em nhỏ mà Lụa vẫn trăn trở.

Năm cuối của thời sinh viên, đến lúc Lụa phải lựa chọn con đường đi cho mình. Không phải là người tham lam, nhưng cô vẫn luôn mơ ước có thể sống bằng 2 nghề: một theo đúng chuyên ngành yêu thích đang học và một nghề công tác xã hội để có thể tiếp tục tham gia hết mình cho công tác tình nguyện.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.