Nữ sinh lớp 11 chinh phục giấc mơ điện hạt nhân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nguyễn Lê Hoàng Vương, học sinh chuyên toán 10T, trường THPT Chuyên Long An, tỉnh Long An quyết định chinh phục thử thách tại cuộc thi "Thực hiện ước mơ 2014".

Dưới đây là những chia sẻ của Nguyễn Lê Hoàng Vương:

Con gái làm kỹ sư điện hạt nhân thì đã sao

Tôi sinh ra và lớn lên tại TP.Tân An, tỉnh Long An, mảnh đất miền Tây Nam của Tổ quốc. Mặc dù đã trải nghiệm nhiều qua các chuyến du lịch các tỉnh thành phía Bắc và phía Nam, nhưng cho tới nay chưa từng một lần tôi được vinh dự đến với miền Trung nghèo khó. Nơi mà ngày nay đang dần có những bước phát triển vũ bão nền công nghiệp tiên tiến mũi nhọn của nước nhà.

Trong đó, hình ảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận luôn là nguồn cổ vũ, có sức hấp dẫn lôi cuốn tột cùng ước mơ của tôi hướng tới tương lai, trở thành một trong số 7000 nhân viên kỹ thuật hạt nhân hàng đầu của quốc gia mà nhà nước có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng trong vòng 10 năm tới.

Là một người con trưởng thành từ nông thôn, tôi hiểu rõ cuộc sống thiếu thốn trong ánh đèn chập chờn thường xuyên bị ngắt điện. Do không đủ nguồn cung, tuy đã hoạt động hết công suất, Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) vẫn không thể đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện cho dân sử dụng, dẫn tới việc cắt điện thường xuyên tại các vùng lãnh thổ trên diện rộng, đặc biệt vào mùa hè.

Trong tương lai, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển song hành cùng với nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tốc độ tăng trưởng sẽ vượt hơn 10% mỗi năm. Theo tính toán, để đáp ứng yêu cầu điện khí hóa toàn quốc như hiện nay thì tổng sản lượng điện của Việt Nam dự kiến phải đạt 130 tỷ kw giờ. Các nguồn tài nguyên đã được tận dụng một cách triệt để và vai trò của điện hạt nhân trong tương lai vô cùng cần thiết. Tính đến năm 2030, khi tất cả 13 lò phản ứng hạt nhân đi vào hoạt động theo dự kiến thì sản lượng điện sẽ tăng gấp hơn 6 lần hiện nay, lên mức 834 tỷ kw giờ. Điện hạt nhân sẽ đáp ứng 6,6% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của cả nước vào năm 2030.

Hiện nhà nước Việt Nam đang hợp tác với công ty điện lực Rosatom của Nga để được hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mang tên Ninh Thuận 1. Theo tuần báo Wall Street Journal (Mỹ), Việt Nam có thể trở thành thị trường điện hạt nhân mới lớn nhất thế giới. Đây cũng là lý do chủ yếu chấp cánh cho ước mơ của tôi sẽ thành hiện thực trong ngày không xa.

Để thực hiện được ước mơ này, trước hết, tôi cần phải vượt qua chính mình, vượt qua nổi sợ hãi cố hữu khi nghĩ về phóng xạ hạt nhân và các mức độ nguy hiểm của nó mà trong quãng đời công tác, làm việc tôi phải thường xuyên đối mặt. Kinh nghiệm các sự cố hạt nhân Trecnobyl (Nga) và Furoshima (Nhật Bản) vẫn còn đó. Không chỉ tự thuyết phục mình đã chọn con đường đi đúng hướng trong tương lai nghề nghiệp, tôi còn phải biết vận động cha mẹ, người thân cùng đồng cảm và chia sẻ cho tôi đủ nghị lực bước vào con đường mà phần lớn mọi người chỉ nghỉ rằng có lẽ thích hợp cho nam giới hơn là một đứa con gái như tôi.

Kế hoạch cho từng bước đi

1. Chuẩn bị cho kỳ thi đại học 2016: tiếp tục theo đuổi đam mê Toán (môn chuyên),Vật lý, Hóa, Tin. Tham dự đội tuyển thi quốc gia, cuộc thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, bước đầu hoàn thành một số chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế...

2. Chọn trường, chọn ngành học: khối cần tập trung là A1, B. Tìm cơ hội nghiên cứu dự án cùng giảng viên và sinh viên, chú ý các môn toán hình không gian, giải tích, lượng giác, điện, điện tử, cơ học lượng tử, phóng xạ hạt nhân, sinh học phân tử... Về ngoại ngữ, song song với ứng dụng và rèn luyện Tiếng Anh, tôi cần tự ôn luyện thêm một môn ngoại ngữ thứ hai như tiếng Pháp, tiếng Nhật hoặc tiếng Nga để rộng đường giao tiếp và du học sau này.

Khi thi vào đại học, tôi sẽ chọn ngay các trường có chương trình đào tạo điện hạt nhân như: Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, ĐH Bách khoa (ĐH quốc gia TP.HCM nhóm ngành Điện - Điện tử).

Với tấm bằng tốt nghiệp ưu tú (năm 24 tuổi), từ năm 24 tuổi đến 27 tuổi: tham gia khóa đào tạo kỹ sư tại Mĩ, sau đó tôi sẽ đăng đơn trực tiếp tại cơ sở đào tạo nhân lực của EVN, tìm cơ hội thi tuyển công chức để được tuyển dụng và tiếp tục được đào tạo chuyên sâu, nâng cao tay nghề chuyên môn.

Từ năm 27 tuổi đến 30 tuổi, tôi hi vọng sẽ ổn định gia đình.

Từ năm 27 tuổi đến 35 tuổi: Hy vọng đến năm 35 tuổi tôi sẽ đủ vững vàng trong kinh nghiệm nghề nghiệp và cũng là lúc đóng góp công sức hiệu quả nhất cho chương trình năng lượng hạt nhân nước nhà .

Các nguồn cung cấp tài chính để đảm bảo thực hiện ước mơ

Về phía gia đình, cha mẹ chính là nguồn hỗ trợ tài chính đáng kể thông qua việc đầu tư vào các tài khoản bảo hiểm đã mua từ lúc tôi còn bé như an sinh giáo dục, Chấp cánh ước mơ, Bảo hiểm nhân thọ của các công ty bảo hiểm lớn có uy tín.

Tuy nhiên, tôi cũng sẽ cố gắng phát huy ý chí tự lập, vừa học vừa làm, thực hành tiết kiệm để dồn nguồn lực đầu tư tốt cho việc học tập.

Với tinh thần lấy ngắn nuôi dài, những đồng lương đầu tiên của tôi sẽ là nguồn cung cấp khiêm tốn cho cả một ước mơ lớn lao hằng ấp ủ.

Cơ hội chỉ đến một lần. Với nỗ lực cá nhân là chính cùng với sự giúp đỡ hết lòng của cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè, đồng thời với sự may mắn hy hữu cho bất cứ ai muốn có sự nghiệp thành đạt trôi chảy tôi sẽ vượt qua ngưỡng cửa thử thách, đoạt tấm vé vào đời, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, vững tin thực hiện ước mơ với niềm tin mãnh liệt.

Theo Theo Mực tím
MỚI - NÓNG