Nữ phu cá trên cảng Cửa Sót

TP - Khi tiếng còi tàu đầu tiên cập bến, tiếng xe ba gác máy, xe máy nổ lụp bụp, những bước chân hối hả, người gọi nhau í ới, ngã giá bán mua, gấp gáp đưa cá vào bờ cũng là lúc hàng chục nữ phu cá ở cảng Cửa Sót chạy đi tìm mối. Một ngày mới của họ bắt đầu. 
Những nữ phu cá mưu sinh trong đêm tại cảng cá Cửa Sót

Ngày mới lúc…canh ba

Gần 3h giờ sáng, khi nhiều gia đình vẫn còn ngon giấc thì các nữ phu cá chuẩn bị một ngày mới bằng công việc quen thuộc. Khi nghe tiếng còi tàu đầu tiên cập bến, ngay lập tức, hàng chục phụ nữ bật dậy, vơ vội đồ nghề rồi chạy ra cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Gọi là đồ nghề cho oai, chứ thực ra chỉ chiếc khay đội cá và chiếc áo sờn cũ đã theo họ hàng chục năm. Loáng cái, hơn hai chục phu cá có mặt tại cảng, trong số đó không ít người còn đang ngái ngủ. Trong lúc chờ thuyền tiến vào bờ, mọi người tranh thủ “buôn dưa lê”. 

Trong số những phu cá, bà Nguyễn Thị Phương (76 tuổi) được xem là người có kinh nghiệm nhất. Dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Bà cho biết, công việc mỗi ngày bắt đầu từ 3h sáng. Theo đó, khi tàu về, bà lên thuyền nhận cá. Những ngư dân trên thuyền nhanh chóng bốc cá vào thúng, mỗi thúng nặng từ 10-15kg... Vừa nói đến đây thì tàu về, bà nhanh chóng rời chỗ ngồi đến tàu nhận hàng. Loáng cái, bà đã chuyển thúng hàng đầu tiên. Trên đầu bà đội gần hai yến cá, nhưng đôi chân vẫn thoăn thoắt bước lên 13 bậc tam cấp từ thuyền lên bờ. 

Bình minh ló dạng là thời điểm cao trào của bến cá. Hết thuyền này họ lại sang thuyền khác, tất bật với công việc khuân, vác cá. “Tới tàu 44, nhanh lên, nhanh lên”, tiếng phu cá Nguyễn Thị Lý vang vọng. 

Gia đình bà Lý có 5 người con. Trước đây, cuộc sống gia đình bà cũng tạm ổn. Hàng ngày, chồng đi biển, còn bà may vá lưới đánh cá. Thế nhưng, tai họa bất ngờ ập xuống gia đình, khi một lần đi biển chồng bà mãi mãi không về. Bà khóc cũng đã nhiều, nhưng rồi hiểu rằng, có khóc cũng chẳng giải quyết được gì, bởi còn 5 đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học nên phải tìm việc. Nhưng tìm việc gì cho phù hợp thì bà chưa nghĩ ra.

 Tiền công nữ phu cá Đậu Thị Thanh được trả sau một ngày lao động vất vả

Một buổi, bà ra cảng cá xem có việc gì làm không. Một chủ thuyền thấy bà đứng không, lại đang thiếu người nên hỏi có làm không? Bà nghĩ, “những phụ nữ kia làm được thì mình cũng làm được” rồi trả lời “có”. Buổi đầu tiên, bà kiếm được 30.000 đồng. Thấy nghề này cũng có thu nhập nên bà quyết định gắn bó để mưu sinh. “Tôi chọn nghề đội cá này đến nay cũng đã hàng chục năm. Công việc tuy nặng nhọc thật nhưng làm miết rồi cũng quen”, bà Lý chia sẻ. 

Trả công bằng…cá

Công việc tuy nặng nhọc, vất vả nhưng khi hỏi đến thu nhập ai cũng lắc đầu. “Bèo bọt lắm chú ơi. Thu nhập của chúng tôi chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, còn phụ thuộc vào giá cá bởi chủ tàu cũng trả công bằng…cá”, bà Trần Thị An chia sẻ.

Bà An đã có hơn 40 năm mưu sinh bằng nghề “phu cá”. Cũng vì thế, bà chẳng thể nào nhớ nổi mình đã đội bao nhiêu tấn cá trên đầu. Bà cho biết, các chủ tàu không trả công bằng tiền mà trả công bằng cá. Mỗi thuyền, tùy sản lượng đánh bắt được mà trả công cho các phu cá ít hay nhiều. Số cá được trả đó, các phu cá bán cho tiểu thương hoặc người dân ngay trên bến cảng. Vì vậy, thu nhập tùy theo giá bán cá. “Có hôm tiền công của tôi được dăm bảy chục ngàn, ngày may mắn thì được nhiều hơn một chút. Bấp bênh lắm”, bà chia sẻ. 

Đứng nghỉ bên cạnh, phu cá Đậu Thị Thanh (xã Thạch Kim) làm phép tính cụ thể hơn: Trung bình mỗi thúng cá đội trên đầu nặng chừng 15kg được trả công chừng 3.000 đồng. Như vậy, để kiếm được 150.000 đồng, những phu cá phải đội 50 thúng cá, tương đương với 750kg. Đấy là hôm trời đẹp biển lặng cá về nhiều, biển động, gió bão, mùa đông tàu không ra khơi thì trắng tay. Ngày nào người sạch sẽ, không “tắm” nước cá là ngày đó coi như đói. 

Công việc của các phu cá gắn liền với chủ thuyền, thời tiết. Vì vậy,  mong ước lớn nhất của họ là biển lặng để ngày nào thuyền cũng ra khơi và trở về với khoang cá đầy. “Mỗi khi biển động hoặc mưa bão kéo dài ai cũng lo. Chủ thuyền lo thuyền nằm bờ, không ra khơi được thì không có tiền trả lãi ngân hàng. Còn chúng tôi lo không có việc, đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Có đợt bão chồng bão, thuyền nằm bờ cả tháng trời khiến lòng tôi như lửa đốt. Đợt đó, tôi phải đi vay người thân được gần 1 triệu đồng để có tiền chi phí sinh hoạt”, bà Thanh chia sẻ.

Đánh đổi sức khỏe

Với những người phụ nữ mưu sinh bằng nghiệp phu cá này thì dường như khái niệm ngày và đêm không tồn tại. Công việc bắt đầu từ 3h sáng nên cái họ thiếu nhất vẫn là giấc ngủ. “Mỗi khi đi, ngủ cả trong giấc mơ, chúng tôi vẫn phải “tỉnh” để ngóng tàu về. Có hôm đang ngủ ngon, giật mình bởi tiếng còi tàu về. Thông thường khi đi làm, mỗi phu cá đều mang theo tấm nilon nhỏ, để khi tàu chưa về chúng tôi có thể trải ra bờ biển tranh thủ chợp mắt”, một phu cá chia sẻ.

Với phu cá, không kể thời tiết mùa hè nóng bức hay mùa đông rét mướt, hễ có thuyền ra khơi là họ lại mang đồ nghề ra cảng cá. Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông rét mướt, nước từ sọt cá thấm vào người lạnh cóng, dù có làm quần quật cũng không ấm lên được. Đó là chưa kể, những tai nạn mà phu cá gặp phải trong lúc làm việc. Với họ, chuyện trượt chân ngã, tím bầm chân tay là bình thường. 

Đã chấp nhận làm nghề này, những phu cá còn phải đánh đổi sức khỏe. Những ngày đầu mới làm phu cá, tối về tay chân đau nhức như có kiến bò không tài nào ngủ được, sáng dậy đi làm, chân còn tập tễnh. Phải mất vài ngày như vậy, cơ thể họ mới thích nghi được. Nhưng điều lo lắng nhất với họ chính là bệnh tật sau này.

Bởi phụ nữ làm nghề này hầu hết đều bị các bệnh về xương khớp. “Ngày nào về, chúng tôi cũng đau nhức tay, vai và lưng. Tối nào tôi cũng phải nhờ con gái dùng thuốc xoa bóp. Những khi trái gió trở trời, hai tay tôi tê buốt từ bàn tay, cánh tay, có khi mất hết cả cảm giác. Cái bệnh này tôi vẫn gọi là bệnh thời tiết, chữa cũng không khỏi dứt điểm được”, bà Phương than thở. 

Theo thống kê, tại cảng cá Cửa Sót có hơn hai chục phụ nữ mưu sinh bằng nghề đội cá. Đa phần, họ ở các xã lân cận cảng cá. Họ ở các độ tuổi khác nhau, trong đó người trẻ nhất khoảng hơn 30 tuổi, còn người cao tuổi cũng xấp xỉ 80. Thông thường, mỗi người sẽ đội cá thuê cho 2 tàu nhưng cũng có ngày phải “ôm” việc cho 3, 4 tàu khi số lượng tàu cập cảng lớn.