> 'Hoa khôi dự án' ở vùng nghèo khó
> 'Hoa khôi' nghị trường tính lập Facebook
Cùng với những cán bộ trẻ khác thuộc dự án đưa 600 trí thức trẻ về 62 huyện nghèo làm Phó chủ tịch xã trong cả nước, nữ cán bộ trẻ Hà Thị Hạnh, hiện đang làm Phó chủ tịch xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa đang dần phát huy khả năng đem lại niềm tin với chính quyền và bà con dân bản.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa - Hà Thị Hạnh. |
Hà Thị Hạnh, sinh năm 1988, quê ở huyện Thường Xuân, là con gái út trong gia đình có ba anh chị em. Năm 2010, Hạnh tốt nghiệp trường ĐH Hồng Đức, chuyên ngành Việt Nam học với tấm bằng loại ưu. Ước mơ sau khi ra trường sẽ có được một công việc ổn định ở quê. Những ngày mới ra trường, cô tân cử nhân đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi áp lực tìm việc như bao sinh viên mới tốt nghiệp ra trường.
Sau hơn một năm kể từ khi ra trường, Hạnh phải ở nhà làm nhiều công việc phụ giúp gia đình. Năm 2012, khi Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo được triển khai. Xét thấy đây là cơ hội tốt cho mình, Hạnh làm hồ sơ đăng kí tham gia mong muốn tìm cơ hội cho mình có một công việc làm ổn định.
Sau khi vượt qua những vòng thi với nhiều thử thách cùng những đề án về phát triển nông thôn, Hạnh cùng với 59 bạn trẻ tại Thanh Hóa đã lọt vào danh sách 600 bạn trẻ trên toàn quốc để được chọn đi làm Phó chủ tịch xã.
Được sự giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và sự tiếp sức từ bà con dân bản, Hạnh đang dần trưởng thành trên cương vị của mình. |
Hạnh nhớ lại: “Hôm nhận được kết quả trúng tuyển vào danh sách được đi làm việc theo đề án, lúc này, trong lòng cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vui vì mình đã vượt qua được, nhưng cũng lo lắng rất nhiều, không biết rồi mình có hoàn thành công việc được giao hay không. Rồi phải đi làm việc tại một nơi xa xôi chưa bao giờ biết và được đặt chân tới, những ngày tiếp theo rồi sẽ như thế nào”.
“Tôi lo lắng và suy nghĩ nhiều lắm. Đang ở với bố mẹ được chăm sóc yêu thương, giờ phải đi làm việc tại nơi xa, xa bố mẹ và gia đình không biết sẽ sống sao. Rồi nơi mình sẽ đến làm việc với biết bao sự khác biệt về phong tục tập quán, văn hóa… tôi lo không biết rồi có hòa nhập được không để hoàn thành công việc.
Đến ngày xuống thành phố Thanh Hóa tập trung chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, mình thấy các bạn khác có tinh thần quyết tâm cao nên tôi cũng đã quyết tâm để lên đường”, Hạnh chia sẻ thêm.
Theo quyết định thì tháng 8/2012, Hạnh mới phải đến xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa nhận nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, ngay từ tháng 6 khi biết mình sẽ lên làm việc tại đây, Hạnh đã chủ động tìm đến xã để làm quen với địa hình và nơi làm việc mới. Với tinh thần quyết tâm cao của bản thân là không sợ khó, không sợ khổ, quyết hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Hiện Hạnh đang bận rộn với công việc chuẩn bị khai trương xã văn hóa của huyện. |
Những ngày đầu đặt chân đến vùng đất mới, nữ Phó chủ tịch xã trẻ đã gặp không ít khó khăn. Hạnh cho biết, bản thân là người dân tộc Thái Trắng, nhưng gia đình đã chuyển xuống thị trấn từ lâu nên đã quen với cuộc sống nhộn nhịp của phố phường. Khi lên xã Phú Nghiêm, hầu hết bà con nơi đây cũng là dân tộc Thái, nhưng lại là Thái Đen, sống ở nhà sàn, làm nương rẫy…
Hạnh chia sẻ: “Bản thân cũng là người Thái, nhưng mỗi vùng một khác, nên phải mất một thời gian tôi mới bắt nhịp được cuộc sống bà con dân bản. Một số phong tục văn hóa, đời sống của bà con cũng khác nên tôi phải học hỏi và dần làm quen để hiểu và chia sẻ với bà con”.
Khó khăn là vậy, nhưng với lòng quyết tâm của bản thân cùng với sự giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền địa phương, bà con dân bản, Hạnh đã dần làm quen được với công việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao trên cương vị là một Phó chủ tịch xã phụ trách mảng văn xã.
Chính từ công việc hiện tại của mình, Hạnh đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân. Cô không chỉ hiểu biết sâu rộng thêm về bộ máy lãnh chính quyền các cấp mà còn hiểu hơn chức năng và nhiệm vụ của mỗi cơ quan ban ngành.
Sau những giờ bận rộn với công việc, Hạnh lại làm những công việc của một người nội trợ cho chính mình. |
Điều làm cho Hạnh nhớ và tâm đắc nhất đó chính là được học và rõ hơn về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh của một người cán bộ. Văn hóa ứng xử của người cán bộ với nhân dân theo lời Bác Hồ dạy. Cán bộ phải là đầy tớ trung thành của nhân dân, hết lòng vì dân…
Không chỉ công việc đem đến cho nữ Phó chủ tịch xã Hà Thị Hạnh có niềm say mê mà bên cạnh đó chính là bà con dân bản. “Tôi vô cùng ấn tượng với người dân nơi đây, bà con sống rất tình cảm, thật thà, chất phác và nhiệt tình. Chỉ cần bà con có lòng tin tưởng đối với mình thì họ sẽ giúp đỡ rất nhiệt tình”, nữ Phó chủ tịch xã nói.
Mới ngày nào còn lạ lẫm với vùng đất mới, mà đến nay, Hạnh đã đảm nhận cương vị Phó chủ tịch xã được hơn một năm. Nữ Phó chủ tịch xã trẻ trung, xinh đẹp đã góp phần đem lại nhiều đổi thay nơi xã vùng cao Phú Nghiêm.
Phong trào Văn hóa - Văn nghệ được triển khai sâu rộng đến từng bản làng; phong trào luyện tập thể dục - thể thao cũng được bà con tham gia nhiệt tình. Các dịp lễ tết, cưới xin, tang ma, cúng lúa mới… của bà con, nữ Phó chủ tịch xã đều được bà con mời tham gia.
Khi hoàng hôn đang dần bao trùm nơi vùng núi cao, chúng tôi theo chân nữ Phó chủ tịch về thăm nơi sinh hoạt hàng ngày của chị. Gặp chúng tôi, chị Hà Thị Liên, bản Đồng Tâm chia sẻ: “Cán bộ Hạnh là người rất nhiệt tình và năng nổ trong công việc. Là cán bộ trẻ nên có sức khỏe cũng như nhiệt huyết rất cao.
Mới lên đây công tác được một năm nhưng bà con chúng tôi rất có tình cảm với cán bộ. Cô ấy luôn sống gần gũi, chia sẻ thân tình với bà con. Mọi phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, cô ấy đều đứng ra tổ chức và tham gia tích cực. Nhờ cán bộ Hạnh mà xã đã đạt được một số kết quả cao”.
Và đi thăm bà con hàng xóm trong bản nơi mình ở. |
Cuộc sống xa nhà vất vả khi chỉ có một thân một mình ở nơi vùng núi xa xôi hẻo lánh. Lâu lâu, Hạnh mới thu xếp công việc về thăm gia đình một lần. Sau thời gian bận rộn với việc công, nữ Phó chủ tịch xã lại một mình trở về căn phòng nhỏ và tự chăm sóc cho bản thân, từ đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo…
Căn phòng rộng chừng 10m2, nằm sau Bưu điện văn hóa xã, chỉ kê được một chiếc giường ngủ và một bàn làm việc. Đồ đạc trong phòng cũng rất đơn giản và được sắp xếp ngăn nắp.
Hạnh cho biết: “Lúc đầu khi mới lên đây, cuộc sống sinh hoạt còn khó khăn nhưng đến nay đã ổn định. Đây là sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và bà con tạo điều kiện cho tôi có chỗ ở để chuyên tâm vào công việc. Tôi phải tự túc nấu ăn, chăm lo cho bản thân thì mới có sức khỏe làm việc tốt được”.
Tâm sự về những dự định cho tương lai của mình, Hạnh cho biết, hiện tại vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. “Sau khi kết thúc dự án, tôi mong muốn sẽ tiếp tục được công tác tiếp, sau đó tôi mới tính đến chuyện lập gia đình.
Bây giờ tôi muốn dốc toàn tâm lực vào công việc, cố gắng làm sao để sau khi kết thúc công việc tại đây mà mọi người vẫn nhớ đến những điều mà tôi đã làm”, Hạnh chia sẻ.
Theo Thái Bá - Duy Tuyên
Dân Trí