Nữ ký giả mở Con đường gốm sứ cho Hà Nội

Nữ ký giả mở Con đường gốm sứ cho Hà Nội
TP - Người Hà Nội quá quen thuộc với dải bê-tông xám ven những con đường đê Yên Phụ, Nghi Tàm... Một ngày cuối 2006, có một người đi đường nghĩ tại sao không dát lên những đó những màu sắc tươi mới của men gốm. Và dự án Con đường gốm sứ ra đời.
Nữ ký giả mở Con đường gốm sứ cho Hà Nội ảnh 1
Nhà báo- họa sĩ Nguyễn Thu Thủy

Người đưa ra ý tưởng và đang từng bước biến nó thành hiện thực là nhà báo- họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Công trình chào mừng nghìn năm Thăng Long này đặc biệt vì một số lý do.

Chẳng hạn, Nhà nước không phải tốn tiền cho nó. Nó cũng hầu như không tốn diện tích nhưng không gian thẩm mỹ mà nó tạo nên đáng để kỳ vọng.

100m tranh ghép gốm đầu tiên đã mang lại cho khu cửa khẩu An Dương (ngã tư Nghi Tàm-Thanh Niên- Yên Phụ) một bộ mặt hoàn toàn mới. Mục tiêu từ nay đến 2010 của Thủy và đồng sự là hoàn thành 1000m2 đường gốm sứ.

“Họa sĩ là ước mơ từ nhỏ nhưng gia đình không có truyền thống thành ra mình không thi vào trường Mỹ thuật”, cây viết chuyên theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật của tờ Hà Nội mới Chủ nhật tâm sự.

Thực ra, hồi đó, Thủy còn không biết có cái trường như thế. Sau có một năm học bên Nga, được đi xem bảo tàng Hermitage rồi Trechiakov, Thủy quyết tâm về sẽ học mỹ thuật”.

Thủy học sơn dầu Phạm Viết Song, sơn mài Trịnh Quân-Công Kim Hoa và Phạm Viết Hồng Lam-Tạ Phương Thảo, đồ họa Lê Huy Tiếp. Thủy có 5 năm công tác tại tạp chí Mỹ thuật, là hội viên Hội Mỹ thuật chuyên ngành phê bình lý luận.

Năm 2005, Thủy cùng với CLB Họa sĩ Trẻ bán tranh để quyên tiền cho trẻ em nhiễm chất da cam ở làng Hữu Nghị. Tháng 1/2007, chị tham gia đấu giá tranh ở Mỹ quyên tiền cho tổ chức Phẫu thuật Nụ cười. Nhưng đó là những trường hợp hãn hữu.

Chị từng đưa tranh cho gallery rồi lại đòi về. “Vì mình nghĩ không bao giờ vẽ lại được những bức như thế. Mình quá bận”. Nhất là giờ đây chị đã trở thành một nghệ sĩ công cộng (public artist), sẽ càng ít có thời gian thỏa mãn đam mê riêng.

 “Rất nhiều đồng nghiệp của tôi vừa làm báo vừa viết sách, làm thơ thì nghệ thuật thị giác của mình cũng chỉ là hoạt động thêm để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của cá nhân thôi. Tôi không căng thẳng để đặt ra một là làm báo hai là làm nghệ thuật. Tôi chọn con đường nào có thể làm 2 việc một lúc”, Thủy nói. “Thực sự tôi rất hạnh phúc khi làm báo”.

Năm 2006, chị được giải Nhì Báo chí toàn quốc về loạt bài Di sản Văn hóa Vật thể và Phi vật thể. Chị cho biết Con đường gốm sứ (CĐGS) chính là sự nối tiếp những ý tưởng từ loạt bài này. “Trong đó tôi có cảnh báo về sự biến mất của những hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn. Điều kiện bảo quản của bảo tàng không tốt, chúng bị ô-xy hóa...”.

Lo ngại trước những hoa văn dân tộc đang bị bỏ quên, Thủy nghĩ đến việc phóng to chúng ra thành những phù điêu nổi lên trên nền mosaic để ai cũng được chiêm ngưỡng.

Nữ ký giả mở Con đường gốm sứ cho Hà Nội ảnh 2
Con đường gốm sứ

Tham gia sáng tác và triển lãm gần chục cuộc cùng CLB Họa sĩ Trẻ, điều đặc biệt là kích thước tác phẩm của Thủy cứ lớn dần, ngày càng có xu hướng chiếm lĩnh không gian. “Mình rất ấn tượng với những tác phẩm land-art của vợ chồng nghệ sĩ Jean Christophe”, Thủy nói.

“Mình không thể nào có lắm tiền để bọc vải cả một tòa nhà hay một cái cầu như thế, nhưng nếu bọc gốm thì cũng được! Bọc một lần không phải dỡ ra”. Tất nhiên gợi hứng chính cho chị vẫn các công trình gắn gốm của Antonio Gaudi (Tây Ba Nha) hay Hundert Wasser (Đức). Và bức tường thành Babylon ốp những viên gạch gốm xanh- ám ảnh Thủy sau lần sang thăm Bảo tàng Khảo cổ học Pergamon ở Berlin.

Tất cả các ấn tượng ùa về trong một lần chị đi chụp ảnh chợ gốm ven sông Hồng. “Tôi sững sờ lần đầu tiên nhìn thấy một cánh đồng gốm- từ Bát Tràng, Chu Đậu đến Phù Lãng, Đông Triều...”. Ý tưởng dùng gốm Việt làm đẹp cho thủ đô sáng lên trong đầu Thủy.

CĐGS một dự án hiếm hoi của Việt Nam mang hơi hướng của nghệ thuật cộng đồng (community-base public art). Nhưng có ý kiến cho rằng, sự tham gia của công chúng ở Việt Nam là không thực tế, vì đa số còn bận kiếm tiền và trình độ có hạn.

Sau khi tiếp xúc với người dân phường Yên Phụ, Thủy nói: “Tôi nghĩ có sự cố gắng còn hơn không làm gì. Tổ chức và kết nối cộng đồng cũng là một công việc sáng tạo. Những buổi gặp gỡ với các nghệ sĩ, giới thiệu với công chúng về công việc của các nghệ sĩ sẽ giúp người dân phần nào hiểu ý nghĩa của công trình đối với khu dân cư của họ. Và dần dần họ cũng bị cuốn hút vào.

Thực tế là một số tình nguyện viên đã ra học cách gắn gốm và tham gia cùng các nghệ sĩ. Và chính họ sẽ là người bảo vệ CĐGS. Việc giữ gìn vệ sinh tại đoạn đường vừa làm thì đúng là chưa theo ý mình nhưng việc bảo vệ an toàn cho bức tranh thì tôi hoàn toàn yên tâm”.

Hiện dự án đang đi theo phương châm có tiền đến đâu làm đến đấy, nhưng vẫn cố gắng đến 2010 thực hiện 1000m2 để chào mừng ngìn năm định đô. “Nhưng thay vì quãng đường dài 1 cây thì có thể chúng tôi làm khoảng 500-600m chiều dài, và 500-600m còn lại dành cho nút cầu vượt Chương Dương”, Thủy kể. “Khi tôi đưa các nghệ sĩ Mỹ qua đây, thấy những bờ kè, cột cao 6m, các bạn mê tít, nói nhất định phải sang đây làm giúp mình”.

Với chiều dài này, CĐGS có khả năng trở thành bức bích họa dài nhất thế giới. Ngay sau hội thảo, PGS Joel Bennett (ĐH Santa Rosa Junior) ở lại cùng nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vị làm việc cho đoạn tranh đương đại thể hiện bằng chất liệu gốm Phù Lãng kết hợp Bát Tràng. Các bạn Mỹ cũng sẽ mời các họa sĩ Việt Nam sang cùng làm các công trình nghệ thuật ở thành phố của họ.

Tháng 5/2007, Thủy tổ chức một trại sáng tác gốm ở Bát Tràng và trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học- vừa để thuyết minh với các nhà quản lý, vừa để chọn những nghệ sĩ có phong cách phù hợp với dự án. Không ai biết chồng Thủy- anh Nguyễn Huy Cường- đã bán đi chiếc Peugeot cổ lấy 90 triệu cho vợ mở trại sáng tác và triển lãm.

Vì dự án CĐGS mà chiếc Citroen của anh cũng ra đi. Anh Cường nguyên sở hữu thương hiệu Green Bamboo- tiên phong trong đưa du khách nước ngoài vào Việt Nam. Sau đại dịch SARS ngành du lịch sa sút, anh chuyển sang làm ở tạp chí Du lịch và một vài tờ báo khác trước khi thôi việc về mở công ty Tân Hà Nội với mục đích giúp vợ.

 “Anh ấy thích đi lắm. Hay đi để viết bài. Lúc tôi bắt anh làm dự án anh cũng kêu ca, kiểu giam anh ấy ở Hà Nội. Nhưng anh ấy vẫn nhiệt tình giúp vì thấy công việc có ý nghĩa”. Những lúc vợ bận, ông giám đốc không nề hà đi chợ nấu cơm.

Dự án xin phép thành phố trang hoàng 6 cây số đường (Âu Cơ- Nghi Tàm- Yên Phụ- Trần Nhật Duật- Trần Khánh Dư- Trần Quang Khải), chia làm 3 mảng.

Mảng hoa văn truyền thống qua các thời kỳ lịch sử, mảng đương đại và mảng tranh thiếu nhi. Đoạn đường lịch sử- Thủy nhận trách nhiệm chính. Trung bình mỗi họa sĩ sẽ chủ trì 100-200m.

Thủy cho hay: “Nghệ thuật ngoài trời khác lắm. Không thể là cuộc triển lãm tập thể mà mỗi họa sĩ đặt lên đấy 1 bức tranh được...”. Các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi đã và đang được tổ chức để lấy chất liệu cho đoạn đường thiếu nhi. Đoạn đường đương đại đã có sự tham gia của các nghệ sĩ Mỹ, Đan Mạch, Pháp, Ý...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...