Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp chuẩn bị hầu tòa trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) và bà Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Cty bất động sản Diệp Bạch Dương), cùng 8 bị cáo chuẩn bị hầu tòa liên quan sai phạm trong hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng (đều ở quận 3, TPHCM).

Hôm nay (11/10), TAND TPHCM cho biết, từ ngày 17/10 đến 3/11, tòa này sẽ xét xử sơ thẩm vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại TPHCM, liên quan đến việc hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng (đều ở quận 3, TPHCM).

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp chuẩn bị hầu tòa trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh 1

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa tháng 3/2021. Ảnh: Tân Châu

Trước đó vào tháng 3/2021, TAND TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử và trả hồ sơ cho Viện KSND TPHCM (gọi tắt là Viện kiểm sát) yêu cầu điều tra bổ sung 8 nội dung nghi vấn trong vụ án.

Nhận lại hồ sơ, Viện kiểm sát bảo lưu quan điểm và hoàn chuyển ngược hồ sơ cho tòa, nay Tòa quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Tại phiên tòa đã tạm ngưng hồi tháng 3/2021, phiên xử đã vào phần tranh tụng sau khi Viện kiểm sát đã nêu quan điểm tại phiên tòa, qua đó cho rằng các bị cáo đã có hành vi gây thiệt hại cho nhà nước 186 tỷ đồng trong việc hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX tuyên thu hồi để trả cho Nhà nước nhà đất 185 Hai Bà Trưng, dành quyền khởi kiện dân sự cho các bên với phần tranh chấp liên quan đến tài sản này.

Ngoài ra, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 6 năm tù giam đối với 10 bị cáo trong vụ án. Trong đó, ông Nguyễn Thành Tài bị đề nghị mức án 5-6 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; bà Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp chuẩn bị hầu tòa trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh 2

Các bị cáo tại phiên tòa tháng 3/2021. Ảnh: Tân Châu.

HĐXX lúc đó đã không chấp nhận tiếp tục xét xử, mà trả hồ sơ để làm rõ 8 nội dung do việc thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng xuất hiện một số tình tiết mới cần phải được xác minh.

Theo đó, toà yêu cầu xác minh làm rõ việc có sự khác nhau giữa 2 biên nhận ngày 31/12/2008 của Trung tâm thông tin TN&MT mà trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đều do Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM cung cấp; làm rõ thời gian tờ trình về việc cập nhật giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 57 Cao Thắng; làm rõ việc HĐXX nhận được tài liệu thể hiện vào năm 2014 Cty Diệp Bạch Dương ký hợp đồng với Cty Phan Thành, thể hiện nội dung quyền sử dụng đất 185 Hai Bà Trưng đang được thế chấp tại ngân hàng...

Tại tòa, đại diện ngân hàng khẳng định tài sản 57 Cao Thắng đã được Cty Diệp Bạch Dương thế chấp để bảo đảm cho khoản vay nợ 8.700 lượng vàng và các nghĩa vụ khác của Cty Diệp Bạch Dương tại ngân hàng này. Ngược lại, bà Diệp đưa ra nhiều chứng cứ cho rằng nhà 57 Cao Thắng không thế chấp hoặc đảm bảo cho bất kỳ khoản vay tín dụng nào, cho rằng các tài liệu mà ngân hàng đưa ra là giả mạo, mặc dù chữ ký của bà Diệp trên các hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng đã được giám định là thật.

HĐXX đề nghị điều tra làm rõ trong quá trình hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng với tài sản 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp có thông báo cho các bị cáo khác là cán bộ, nhân viên UBND TPHCM liên quan đến việc hoán đổi biết tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp hoặc đang có tranh chấp về việc thế chấp với ngân hàng hay không?.

Tòa án cũng đề nghị điều tra bổ sung, nếu có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người, mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì phải tiến hành đối chất để đảm bảo xét xử đúng người đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đến nay, Viện kiểm sát cho rằng, với kết quả điều tra và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đủ cơ sở pháp lý xác định 8 nội dung mà HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung đều không có căn cứ, không phải là tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa.

Theo Viện kiểm sát, những tài liệu chứng cứ vật chất mà Tòa án nêu đã có trong hồ sơ vụ án được kiểm tra, thẩm vấn công khai tại phiên tòa, qua đó đã làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Bạch Diệp.

Để chứng minh hành vi lừa đảo, Viện kiểm sát cho rằng chính cơ quan điều tra đã thu thập tài liệu từ các nguồn Agribank TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND TPHCM, Ngân hàng, Sở VH-TT-DL, Phòng Công chứng số 1 TPHCM. Đây là 6 tổ chức của nhà nước hoạt động theo quy định của pháp luật. Tài liệu của 6 tổ chức này cung cấp đều phù hợp với nhau về diễn biến vụ án, phù hợp với kết quả điều tra, phù hợp với kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đồng thời Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã tiến hành giám định chữ ký của bà Bạch Diệp.

Ngoài ra, trong hồ sơ thế chấp hợp đồng tín dụng, các chứng từ giải ngân đối với tài sản 57 Cao Thắng và trưng cầu giám định giá tài sản theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

"Chốt" trong văn bản trả lời tòa, Viện kiểm sát nêu qua hồ sơ, chứng cứ và diễn biến phiên tòa vào tháng 3 vừa qua, Viện kiểm sát nhận thấy có đủ cơ sở kết luận 10 bị cáo phạm tội, đề nghị tòa án đưa vụ án ra tiếp tục xét xử.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.