Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954-7/5/2015:

Nữ chiến binh đặc biệt

TP - Không trực tiếp cầm súng đánh địch, nhưng bằng những bát cháo nóng, những chõ xôi ngon, bà Đỗ Thị Vấn đã giúp thương binh mau bình phục, góp phần thầm lặng vào chiến thắng lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu.
Con cháu bà Vấn quây quần nghe bà kể chuyện Điện Biên.

Chủ nhật, trời hanh nắng sau nhiều ngày mưa xuân rả rích, bà Đỗ Thị Vấn mang bộ quân phục cũ ra phơi, chuẩn bị cho ngày họp mặt các chiến sỹ Điện Biên Phủ. Đôi tay nhăn nheo của bà vuốt từng nếp áo nếp quần, từng đường chỉ, kiểm tra từng cái cúc áo. Rồi bà mang bộ huân, huy chương ra cài vào áo.

 Đây là huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên, đây là huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, đây là Huân chương Chiến công, đây là các Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba…, cả ngực áo của bà rạng màu đỏ tươi. Khuôn mặt rạng rỡ, bà vừa làm vừa kể chuyện. Đã 85 tuổi nhưng bà Vấn còn minh mẫn lắm, dường như chuyện kể của bà là cả một dòng thời gian đang chảy về, sống động.

Quê bà ở làng Cam Giá, xã Ninh Khánh, huyện Gia Khánh nay là phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, xưa kia là vùng chiêm trũng nghèo khó, chỉ được biết đến với đình làng Cam Giá, còn được gọi là đình Voi đá Ngựa đá. Kể chuyện về thời thơ ấu của mình, bà Vấn hay nhắc đến cha bà, người đã ở vậy khi mẹ bà mất từ rất sớm, để nuôi 5 người con. Cụ có tài chế biến những món ăn dân dã nhưng rất ngon, nên mỗi khi trong làng ngoài xã có việc, cụ đều được ra đình nấu nướng. Cùng với sự chăm chỉ tảo tần của người con gái sớm phải vất vả lo toan, bà Vấn được thừa hưởng cái khéo léo, giỏi thu vén của người cha. Nhờ đó, bà đã nổi tiếng toàn mặt trận Điện Biên Phủ về tài nuôi quân.

Sau những năm làm du kích xã, năm 22 tuổi bà Vấn được phân công đi phục vụ chiến dịch Hòa Bình, ở Đội điều trị 3 (DT3, tiền thân của Viện Quân y 103 ngày nay). Sau chiến dịch Hòa Bình, bà đi nuôi hàng binh, tù binh địch ở tận Hà Giang. Nhớ về sự kiện này, bà Vấn kể, ngày 2/9/1953 ta trao trả tù binh cho Pháp, mỗi tù binh được tặng một huy hiệu Bác Hồ và một chiếc khăn tay thêu chim bồ câu hòa bình, họ đều rất cảm động. Sau đó bà được điều động đi nhận “nhiệm vụ đặc biệt”. Đi nửa đường, được thông báo là đi tham gia chiến dịch Trần Đình, đến khi lên Điện Biên Phủ bà mới biết chiến dịch Trần Đình là chiến dịch Biện Biên Phủ.

DT3 hành quân bộ từ Yên Bái lên Điện Biên Phủ, đêm đi ngày nghỉ, hoặc luồn rừng đi ban ngày để tránh máy bay địch, mất đúng một tháng mới tới nơi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Đỗ Thị Vấn làm cấp dưỡng ở đội Trọng thương của DT3, nơi chăm sóc, điều trị thương binh nặng. Thực phẩm chẳng có gì ngoài thịt trâu khô, mắm kem từ Thanh Hóa chuyển ra, bà phải đi tìm rau muống chua, rau dớn, rau tàu bay để bổ sung thức ăn và vitamin cho thương binh cũng như cho đội viên. 

Ngày đó, gạo nuôi quân chủ yếu là gạo của đồng bào dân tộc Mường vùng Tây Bắc, nửa giống gạo nếp, nửa giống gạo tẻ. Nấu cơm bằng gạo đó không dễ, cơm lúc sống lúc khê, thương binh ăn không nổi. Bà Vấn nghĩ ra cách cho gạo vào túi vải ngâm qua đêm dưới suối, sáng hôm sau lót lá chuối vào cái sảo lớn, lấy bùn đất trét kín thành cái chõ đồ xôi. Thỉnh thoảng được cấp đậu xanh, bà đồ xôi nếp đậu. Xôi bà nấu khéo và ngon, thương binh ở đội khác cũng sang xin.

Với thương binh nặng không ăn cơm được, không có sữa cho anh em uống, bà Vấn nấu cháo thật nhuyễn, cho cháo vào túi vải, dùng đôi đũa cả kẹp chặt lấy nước cho thương binh. Kể lại thì dễ, nhưng làm được những việc đó là cả một kỳ công, chưa kể phải nấu nướng bằng bếp Hoàng Cầm, loại bếp dã chiến độc đáo của bộ đội ta, có tác dụng làm tan loãng khói bếp, tránh bị địch phát hiện. Bà Vấn kể, lơ mơ để dù chỉ một chút khói là đà trên lá cây, sẽ bị đồng chí phòng gian đi kiểm tra dội nước dập tắt bếp, đã không hoàn thành nhiệm vụ lại còn bị kỷ luật.

Nơi đóng quân của DT3 cũng thường bị máy bay Pháp thả bom, bắn phá. Đã hai lần bà Vấn suýt chết vì bom địch. Rồi một ngày toàn mặt trận thưa dần tiếng súng, đến chiều thì tin thắng trận truyền về. Bác sĩ, cấp dưỡng, thương binh ở DT3 mừng vui ôm nhau, reo hò ca hát mà nước mắt cứ chảy ra. Bà Vấn gặp ông Nguyễn Đức Hồng, người bạn đời của bà trong những ngày như thế. 

Ông Nguyễn Đức Hồng quê ở Văn Giang, Hưng Yên, trong chiến dịch Điện Biên Phủ là khẩu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 367, đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiền thân của Sư đoàn Phòng không 367 hiện nay. Ông Hồng bị sốt rét, phải điều trị tại DT3. Tại đây, người trung đội trưởng có giọng hát trống quân rất hay đã làm quen với người nữ cấp dưỡng đảm đang, chu đáo. Hai chiến sĩ Điện Biên đã cùng nhau đi qua những ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, vượt qua mọi khó khăn, vất vả để nuôi 7 người con trưởng thành.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Vấn vẫn làm cấp dưỡng, rồi phụ trách Bếp Thương binh của Viện Quân y 103 cho đến khi nghỉ hưu năm 1983, với quân hàm đại úy. Hiện nay, đại úy Đỗ Thị Vấn vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Rồi một ngày toàn mặt trận thưa dần tiếng súng, đến chiều thì tin thắng trận truyền về. Bác sĩ, cấp dưỡng, thương binh ở DT3 mừng vui ôm nhau, reo hò ca hát mà nước mắt cứ chảy ra. Bà Vấn gặp ông Nguyễn Đức Hồng, người bạn đời của bà trong những ngày như thế.