Hành trình yêu của một du khách, bộ phim hợp tác Mỹ - Việt, vừa ra mắt ở Việt Nam.
Trong phim, NSƯT Lê Thiện vào vai người bà nhân hậu, hài hước, sẵn lòng chào đón du khách từ nhiều nơi, nền văn hóa khác nhau. Nghệ sĩ đã có những chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ khi được làm việc với dàn diễn viên và đoàn làm phim quốc tế.
- Lần đầu tham gia đoàn phim quốc tế, bà cảm thấy sự khác biệt gì?
- Với tôi, khác biệt về con người, tiện nghi, máy móc hay những cung cách của đoàn phim, tôi không muốn so sánh. Kiểu nào tôi cũng chịu được khi quay phim. Nhưng đoàn phim làm tôi xúc động ở nhiều hành động nhỏ.
Tôi nhớ mình được mời tới khách sạn năm sao ở TPHCM để bàn việc chuẩn bị trang phục. Họ không áp đặt suy nghĩ lên diễn viên và tin mình tuyệt đối. Để tìm vải may cho trang phục trong phim, họ đồng ý để tôi dẫn họ ra chợ Bến Thành tìm loại vải phù hợp thay vì mua ở những chỗ khác.
Màu sắc, chất liệu trang phục như thế nào đương nhiên các bạn có thể tự quyết định để phù hợp với bộ phim nhưng họ vẫn tôn trọng ý kiến của tôi. Họ vẫn hỏi xem là người già ở Việt Nam thì nên mặc màu nào, kiểu dáng ra sao, áo bà ba ở miền Nam khác như thế nào so với miền Bắc.
Bên cạnh việc chọn cho tôi đôi giày phù hợp với trang phục áo dài, áo bà ba trong phim, mọi người còn cẩn thận chuẩn bị cho tôi đôi dép để thay mỗi khi nghỉ ngơi, để đi lại cho thoải mái.
Với tôi, đó là những chăm sóc nhỏ nhưng thể hiện được sự tôn trọng lớn. Cảm giác đầu tiên của tôi là thương yêu các bạn. Không phải vì các bạn là người nước ngoài lần đầu tiên đến quay phim ở Việt Nam mà vì tôi cảm nhận được cảm xúc tình cảm của các bạn diễn viên chân thật.
NSƯT Lê Thiện và nam chính Scott Ly trong phim. |
- Điều gì khiến bà nhớ mãi về quá trình chọn lựa trang phục cho phim?
- Khi may xong bộ trang phục, họ mời tôi đến thử. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc stylist của phim là người nước ngoài trực tiếp cài cho tôi từng cái cúc áo, chứ không hề đưa qua cho các bạn phục trang hoặc nói tôi tự mặc.
Tôi thấy việc mình tự mặc đồ rất bình thường, hoặc ai cài áo cho mình cũng được. Nhưng với đoàn phim này thì không. Chính bạn stylist phải tự tay mặc toàn bộ đồ trên người của tôi từ việc cài cúc áo đến việc cúi xuống thử giày. Tôi xúc động vì thấy được sự tôn trọng và trân trọng của đoàn phim với diễn viên lớn tuổi. Cảm giác này rất quan trọng khi đi làm.
- Ấn tượng của bà về diễn viên gốc Việt đóng vai cháu nội trong phim là gì?
- Scott Ly chủ động trò chuyện, ôm và còn xin tập diễn trước với tôi. Có lần, biết tôi đang bị đau lưng nên trước khi quay, bạn đến gõ cửa phòng và đưa tôi lọ thuốc xoa bóp, giải thích công dụng, cách sử dụng.
Có lần diễn cảnh tôi ôm hôn mừng cháu nội về nhà, khi tiếp xúc với Scott tôi cứ nghĩ đây là cháu của tôi rồi, tôi véo tai cậu ấy. Đây là cảnh không có trong kịch bản. Không ngờ đây là hành động làm Scott xúc động và cậu ấy bật khóc. Thế là hai bà cháu cùng khóc mà chi tiết này không có trong kịch bản.
Sau đó đạo diễn thấy động tác đáng yêu nên đưa vào quay. Đó là đoạn tôi nói nhỏ vào tai Scott câu thoại “Phải kiếm người lẹ lên để đem về đây cho bà duyệt nhé”. Scott Ly xin tôi cứ kéo tai cậu như thế. Cậu ấy bảo không có cái nhéo tai đó là cậu không khóc được. Trước khi về, tôi có tặng cho “thằng cháu nội” Scott Ly của tôi chiếc khăn rằn làm kỷ niệm.
Hình ảnh "chùi bộ lư đồng" đậm chất Việt Nam trong phim Mỹ. |
Đoàn phim khi làm việc quy củ và chuyên nghiệp nhưng họ cũng tình cảm. Khi diễn xuất, họ tạo mọi điều kiện để mình tập trung, không gây ra bất kỳ tiếng động nào, đi đứng nói chuyện nhẹ nhàng.
- Bà có kỷ niệm đặc biệt nào với nữ chính Rachel Leigh Cook?
- Hôm đó, Rachel có cảnh quay trước tôi. Cảnh đó bạn phải quay đi quay lại khá nhiều lần để tôi phải chờ. Điều này ở đoàn phim nào của Việt Nam cũng bình thường thôi. Nhưng đáng nói là sau khi quay xong, Rachel tiến đến phía tôi và nói lời xin lỗi vì đã quay lâu, để mọi người phải đợi. Những điều tinh tế đó làm tôi phải nhớ mãi.
- Điều đọng lại trong bà sau khi tham gia dự án phim quốc tế ở độ tuổi 80?
- Ở buổi tối quay cuối, trước ngày tôi về, đoàn phim có tặng hoa và cảm ơn. Từ đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim đến các diễn viên đều nói chia tay tôi. Để đáp lại, tôi có hát một đoạn của ca khúc Người ơi, người ở đừng về. Lúc ấy, ai cũng xúc động.
Thật sự rất khó để có được cảm giác vui như lúc ấy, bởi ở cái tuổi này, tôi tin vào cảm giác của mình, không ai gạt tôi được. Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi luôn trân quý những khoảnh khắc đẹp như vậy. Bất ngờ là đoàn phim của Mỹ lại có thể đem đến được cho tôi sự xúc động ấy. Tình cảm của các bạn đến với mình rất tự nhiên và đáng yêu khi các bạn gọi tôi “Nội, nội, nội” và nói chia tay và tất cả chúng tôi đều khóc.
- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.