NSND Thanh Hoa: Chuẩn bị một dự án âm nhạc lớn

NSND Thanh Hoa: Chuẩn bị một dự án âm nhạc lớn
Theo đuổi ý định thành lập một hội nghề nghiệp của những người biểu diễn, ở tuổi 60, NSND Thanh Hoa vẫn “tóc nâu môi trầm” và đầy ắp ý tưởng kinh doanh táo bạo. Nhưng ở tận sâu trong tâm hồn chị, vẫn có những niềm đau thầm kín…

Thưa chị, việc thành lập hội nghề nghiệp của ca sĩ đã được khởi động từ khoảng một năm nay. Vì sao đến giờ hội này vẫn chưa thể ra đời?

- Chúng tôi không từ bỏ. Nhiều người cho rằng, năm 2010 Hội được thành lập nhân 1000 năm Thăng Long, gắn với mốc lịch sử này sẽ có ý nghĩa hơn. NSND Trung Kiên có ý kiến nên mở rộng phạm vi của hội chứ chỉ có nghệ sĩ hát thì gò bó quá. Vì thế, sẽ không phải là Hội Nghệ sĩ hát mà mở rộng thành Hội Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc với quy mô lớn hơn. Hội này sẽ là “mái nhà chung” của cả ca sĩ, nhạc công, chỉ huy…

Đó không phải là vì tập hợp những “sao” ca nhạc khó quá, thưa chị?

Đúng là thành lập Hội Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dễ hơn việc tập hợp các ca sĩ. Thực ra, “cái tôi” của các ca sĩ “sao” rất lớn. Mà Hội Nghệ sĩ hát nếu ra đời phải có những người tên tuổi. Nhưng muốn tập hợp được họ sẽ rất khó khăn, bởi trong số những nghệ sĩ hát đích thực đã thành danh, người có ý thức cộng đồng, chia sẻ thì nhiều, và những người không có ý thức ấy cũng không phải là ít.

Với nhiều người, họ chỉ cần kiếm tiền và không muốn chia sẻ cùng ai. Hát chung bài cũng xảy ra đụng độ, hay mặc giống nhau cũng trở thành scandal. Vì thế thành lập Hội Nghệ sĩ hát là vấn đề nan giải.

Nhưng ngược lại, rất nhiều người có ý kiến ủng hộ việc thành lập này. Những nghệ sĩ tên tuổi một thời hay những ca sĩ trẻ như: Tùng Dương, Khánh Linh, Anh Thơ, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Tấn Minh, Nguyễn Ngọc Anh… Hơn nữa, tôi nghĩ, thành lập được Hội Nghệ sĩ Biểu diễn Âm nhạc sẽ là thành công lớn trong quản lý, giúp đỡ các ca sĩ có thương hiệu riêng của mình cũng như giúp ca sĩ hiểu biết và có ý thức chia sẻ với cộng đồng.

Ca sĩ luôn là tâm điểm của nhiều sự để ý, từ ăn mặc, phát ngôn, đến phong cách sống, đời tư và có thể trở thành mẫu mực… Theo tôi đã là danh ca phải ý thức được trách nhiệm xã hội của mình.

Nhưng nhiều người cũng nói rằng, nếu một hội nghề nghiệp như chị nói được thành lập thì cũng chỉ có nghệ sĩ phía Bắc hào hứng tham gia...

- Tất nhiên, tôi cũng hiểu rằng, nối vòng tay ra cả nước là khó. Tôi từng tham gia Ngày hội Ca sĩ. Không ít ca sĩ phía Nam đồng quan điểm với tôi cho rằng cần thành lập Hội. Nếu có người chịu lên tiếng chắc chắn họ sẽ ủng hộ.

Trong ý nghĩ của tôi, Hội sẽ là nơi bênh vực quyền lợi cho ca sĩ, hướng họ tới trách nhiệm với xã hội. Chắc chắn, scandal sẽ ít đi. Đã không ít cuộc tranh luận giữa nghệ sĩ xẩy ra trên báo chí.

Với nghệ sĩ, bao giờ cũng thế, vất vả nhất là đối diện với dư luận. Các ca sĩ thường nhạy cảm. Đã là người làm nghệ thuật thì nên đối xử với nhau có văn hóa.

Ví dụ, khi những scandal đó vỡ lở, có người ủng hộ Hà Dũng, người ủng hộ Mỹ Tâm, nhưng xét cho cùng cả hai người đều rơi vào hoàn cảnh “vạch áo cho người xem lưng”… Có Hội nghề nghiệp thì có thể sẽ giải quyết được những rắc rối này... Mỗi lần như thế là lại thấy buồn, vì hình ảnh nghệ sĩ lại không đẹp đi một chút, mất đi sự thương yêu một chút.

Áp lực "một gia đình không thể có ba người nổi tiếng"

Tại nhiều cuộc thi hát thời gian gần đây, cái tên Tôn Thất Sơn – con trai chị - không ít lần được báo chí nhắc tới. Nhưng có vẻ may mắn chưa mỉm cười với ca sĩ trẻ này. Chị có cảm thấy thất vọng vì điều đó?

Trong cuộc sống, người ta phải luôn hy vọng, và với con mình, niềm hy vọng đó càng lớn. Sơn là con duy nhất theo sự nghiệp của tôi. Sau đêm chung kết khu vực phía Bắc giải Sao Mai 2009, khi con trai tôi đã đứng lại mà không tiếp tục được vào vòng trong, một nhà báo có nói với tôi rằng, thực ra tôi nên vui mừng vì Sơn đã làm đúng những gì tôi mong muốn, hát rất trữ tình, tinh tế, hát rất ngọt ngào, giọng hát truyền cảm…

Cuộc sống luôn có những điều đáng tiếc xảy ra, nhưng tôi tin rằng, qua lần vấp ngã này, con trai tôi sẽ vững vàng hơn, trưởng thành hơn. Tôi nói với con, hãy cố gắng và hãy vươn lên.

Tôi có kể cho con nghe câu chuyện khi tôi về Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1976, một trong những người lãnh đạo của Đoàn có nói với tôi rằng, tôi không thể trở thành nghệ sĩ được, vì trông tôi lùn và đen thế, nhan sắc thì xấu, người thì như cái kẹo, giọng thì chua như giấm sao mà thành nghệ sĩ được.

Sau đó ba năm, có một cuộc thi với sự tham gia của 16 đoàn nghệ thuật được tổ chức. Một công ty của Liên Xô cũ đã chọn tôi để thu âm. Lúc đó, chính người lãnh đạo này đã lên cảm ơn tôi vì tôi đã đem lại vinh dự cho Đoàn.

Tôi trả lời rằng, chính tôi phải cảm ơn chị vì nếu chị không khẳng định Thanh Hoa không thể trở thành nghệ sĩ thì trong ba năm qua, tôi không cố gắng hết sức để một Thanh Hoa vừa xấu, vừa lùn, vừa đen có thể trở thành nghệ sĩ…

Và có lẽ, cái truyền thống gia đình, từ tôi, từ Thư (nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư - PV), đến Sơn không ai trưởng thành, thành danh một cách thuận buồm xuôi gió. Với truyền thống gia đình ấy, có lẽ con tôi sẽ phải thật đam mê, nỗ lực hết mình mới nổi tiếng được.

Phải chăng, con chị không thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của mẹ và chịu áp lực từ chính sự nổi tiếng của gia đình?

Con trai tôi có nói rằng, nó sẽ phấn đấu hết mình để gia đình không phải xấu hổ khi có một người con đi theo nghiệp của mẹ. Nhưng từ một cái gì mơ hồ mà tôi cũng không cảm nhận rõ, trong quan niệm của một số người: Hình như yêu cầu về “con Thanh Hoa” thì phải như thế nào đó... khắt khe hơn với con của một gia đình không làm nghệ thuật chăng?

Tôi chỉ mong mọi người công bằng hơn với Sơn để cảm nhận rằng con trai tôi đã làm hết sức mình với nghệ thuật, ngoài tài năng thiên bẩm thì chỉ có một thước đo tốt nhất là sự cống hiến mà thôi.

Ngay như con gái lớn của tôi, Phan Huyền Thư, bây giờ mọi người có thể biết đến nó như một nhà thơ, một đạo diễn, ít ai biết trước đây, nó hát rất hay. Hồi trẻ học trường âm nhạc, từng có nhiều huy chương. Giọng Thư trong veo thật dễ thương. Nhưng sau đó, Thư hiểu nó phải tìm con đường khác để đi. Và đến giờ, Sơn vấp phải rào cản vô hình như thế.

Tôi và Sơn hát không giống nhau. Nó chỉ thừa hưởng ở tôi giọng hát quá tình, quá đam mê. Sơn còn quãng đường trước mắt để đi. Tôi kỳ vọng, một bộ phận khán giả trong xã hội yêu thích âm nhạc sang trọng, trữ tình, và một giọng hát đàn ông như thế. Lúc đầu nó hát và cũng nhảy nhót, nhưng sau đó mới nhận ra rằng, chả thể hiện được gì ở động tác nên tự chuyển sang cách hát trữ tình.

Nghe nói, vì lần “vấp ngã” này của con, chị cũng đã khá bức xúc với ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi?

Tôi nghĩ, Tôn Sơn không mắc bất kỳ một lỗi nào từ khi bắt đầu tham gia cuộc thi, ngay cả việc, Sơn không được ban giám khảo chọn vào vòng trong thì cũng không thể coi đây là sự “vấp ngã” được.

Thiệt thòi lớn cho những người trong ban tổ chức cuộc thi, nếu có, thì đã làm mất niềm tin của khán giả và bản thân các nghệ sĩ trẻ.

Đây không phải lần đầu tiên Sơn tham gia thi Sao mai hay Sao mai Điểm hẹn. Có một điều làm tôi hài lòng là Sơn đã đoạt giải Tiếng hát mùa Thu Hà Nội 2008 để vào thẳng vòng chung kết Sao mai 2009 chứ không phải thi loại như nhiều năm… Vì lần nào thi theo thứ tự các vòng Sơn cũng đều... “bị loại” với áp lực tâm lý là con trai NSND Thanh Hoa…

Lần này đi thi, Sơn không bàn với ai trong nhà, chỉ đến khi Sơn chính thức vào vòng Chung kết phía Bắc cả nhà mới lục đục rủ nhau đến xem… Nói chung là mọi người trong gia đình tôi đều thấy cuộc thi này không phải là cái gì quá lớn lao so với sự nghiệp thực sự của một nghệ sĩ, nếu Sơn có khát khao và đam mê thì con đường nghệ thuật của Sơn sẽ còn nhiều cách khác để đến đích.

Nói chung cuộc thi nào chẳng có điều này điều kia, nhưng tôi dám chắc là: “Giám khảo nào thì sự lựa chọn và giải thưởng đấy”. Tôi đã từng làm Giám khảo nhiều cuộc thi, tôi phải hiểu tâm lý của họ hơn bất kỳ ai nên tôi không thể quy kết trách nhiệm cho thẩm mỹ âm nhạc của họ được!

Mong muốn đưa nhạc Việt ra thế giới

Hiện nay, có vẻ chị rất bận rộn với công việc kinh doanh dù quán Aladin nằm trong khách sạn Thắng Lợi - một địa chỉ âm nhạc quen thuộc của những người yêu nhạc Việt - đã không còn?

Chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện một dự án lớn là trong năm 2010. Dự định này ấp ủ từ nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được. Công ty Thanh Hoa sẽ kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi hát cho cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới, trước mắt sẽ diễn ra ở châu Âu.

Đó là cuộc thi Tôi yêu tiếng nước tôi. Tất cả mọi người hát và tìm ra người hát hay nhất bài hát về quê hương đất nước mình. Cuộc thi sẽ được tổ chức thường niên.

Chúng tôi hy vọng rằng những địa bàn rộng lớn trên thế giới khác cũng sẽ lần lượt tham gia cuộc thi của chúng tôi để cùng nâng cao một tiêu chí: “Để người Việt thêm yêu văn hóa Việt”. Bất kỳ ai trên thế giới này coi tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ đều có chung một Tổ quốc Việt Nam, ngôn ngữ chính là quê hương của mỗi người, cho dù họ ở nơi đâu.

Có phải vì khó khăn của công việc kinh doanh ở nội địa trong thời kỳ suy thoái mà công ty Thanh Hoa bắt đầu tìm kiếm cơ hội hiếm hoi ở nước ngoài?

Không phải bây giờ chúng tôi mới bắt đầu mà từ khi thành lập, tôi đã muốn vươn ra khỏi biên giới Việt Nam. Tôi nghĩ, muốn mang ca khúc Việt Nam đi chinh phục thế giới và để làm được điều đó thì trước hết phải chinh phục người Việt ở thế giới đã.

Sau nhiều chuyến lưu diễn ở nước ngoài, tôi nhận ra, họ đều hướng về quê hương. Nhưng tôi cũng hiểu lao động vất vả của họ. Hình như khi họ xa xứ thì họ nhớ về quê hương hơn và nghĩ về với sự trân trọng.

Tôi nghĩ chính họ sẽ góp phần mang âm nhạc Việt Nam ra với các nền văn hóa khác. Có lẽ ta phải đi bằng con đường vòng ấy thôi. Hàn Quốc cũng từng hai lần mời công ty Thanh Hoa dự Festival Thanh niên hát vì hòa bình và Tiếng vọng châu Á. Công ty cũng nhận lời mời tham dự cuộc thi hát ở Nhật Bản…

Dần dà, công ty sẽ làm được điều gì đó để quảng bá cho văn hóa Việt Nam.

Tôi thấy hơi chạnh lòng nếu bị soi xét những cố gắng quảng bá văn hóa của công ty Thanh Hoa thành những phi vụ kiếm chác theo kiểu tìm kiếm thị trường như nhà báo vừa đặt tình huống ở trên… Chắc không phải nhà báo có ý đánh giá Thanh Hoa Concert (Công ty Biểu diễn Thanh Hoa) như những công ty truyền thông chuyên tổ chức sự kiện theo kiểu chạy quảng cáo, bán tài trợ chứ ạ?

Ở tuổi 60, giữ cương vị Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần Thanh Hoa Concert, chị lướt “net” và sử dụng máy tính khá “siêu” đấy chứ?

- Vì công việc, tôi buộc phải biết sử dụng máy tính. Trăm hay không bằng tay quen. Nói cho cùng, có dốt đến mấy thì sau một vài năm cũng phải biết chứ. Tôi không kỳ thị với những người già (vì tôi cũng là người già…) tôi lại càng không bao giờ cho rằng tuổi 60 là rào cản của trí tuệ hay sự phát triển xã hội… Bao nhiêu tuổi không quan trọng bằng việc anh đóng góp được gì cho xã hội, cho cuộc sống.

Một câu hỏi cuối, thưa chị, chị có còn né tránh khi nhắc về người chồng cũ - nhạc sĩ Phan Lạc Hoa?

- Câu hỏi của bạn cho biết là bạn quá trẻ nên những câu chuyện liên quan đến nhạc sĩ Phan Lạc Hoa còn là điều bí ẩn hấp dẫn. Thực ra thì đó là câu chuyện rất cũ với những con người và thời đại đã qua rồi… Khơi lại quá khứ đau buồn của người khác hay của chính mình thì cũng là việc bất nhẫn với quá khứ, nhất là quá khứ của chính mình…Tôi nghĩ, mình có quyền im lặng với những “lặng im của ký ức”, đúng vậy không?

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Theo Hoàng Lê
Thể thao Văn hóa

MỚI - NÓNG