NSND Lê Khanh tự nhận là... chúa chổm

NSND Lê Khanh tự nhận là... chúa chổm
NSND Lê Khanh cho rằng mình là người tham lam khi luôn muốn vừa cáng đáng vai trò của người phụ nữ trong gia đình vừa làm tốt nghệ thuật. Chị sợ một ngày nào đó mình “hết duyên” với sân khấu

NSND Lê Khanh tự nhận là... chúa chổm

NSND Lê Khanh cho rằng mình là người tham lam khi luôn muốn vừa cáng đáng vai trò của người phụ nữ trong gia đình vừa làm tốt nghệ thuật. Chị sợ một ngày nào đó mình “hết duyên” với sân khấu

- Tổng kết lại, NSND Lê Khanh có một đại gia đình đến 32 người làm nghệ thuật. Điều này có những thuận lợi hay bất lợi gì cho con đường nghệ thuật của chị?

- Tôi hãnh diện về truyền thống nghệ thuật của đại gia đình Trần - Lê - Phạm. Phạm là họ của chồng tôi (đạo diễn Phạm Việt Thanh - PV). Tôi còn có người anh chồng Phạm Thiện Thuyết và cháu trai Phạm Chí Thành đều là những nghệ sĩ quay phim tài năng của điện ảnh Việt Nam. Mặt lợi, chúng tôi nói chung được thừa hưởng gien nghệ sĩ từ gia đình, còn mặt hại, khó có thể chọn một nghề nào tốt hơn.

NSND Lê Khanh vai Mẹ Đốp trong Đời cười
NSND Lê Khanh vai Mẹ Đốp trong Đời cười.
 

“Thèm” có sức khỏe và thời gian!

- Nhìn lại sự nghiệp thành công của mình, chị hài lòng chứ?

- Càng nhìn lại, tôi càng thấy lo nhiều hơn. Tôi lo sợ nhất là mình sẽ “hết duyên” với sân khấu. Trong vở Rừng trúc có đoạn Lý Chiêu Hoàng nói với Trần Cảnh thế này: “... Bao nhiêu dây nhợ cứ kéo chàng đi xa mãi. Tay tôi quá yếu nhỏ làm sao níu lại...”. Lúc này, chàng của tôi là sân khấu đấy... có lẽ bất cứ nghệ sĩ nào cũng cần xem lại cái “tài” của mình khi nhận quá nhiều lời khen.

Thêm một ngày được yêu là thêm một ngày nợ, thêm một ngày được tin thì nợ càng nhiều hơn. Tôi bây giờ là “chúa chổm” vì món nợ yêu, tin chồng chất. Tôi chỉ mong có sức khỏe để trả nợ những người sống quanh tôi.

- Trở thành NSND, được xem là đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp khi tuổi đời còn trẻ, chị có trăn trở hay thấy điều gì mình tâm huyết nhưng chưa làm được?

- Theo tôi, nghệ thuật làm gì có đỉnh cao. Tất cả chỉ là bước khởi đầu và khởi đầu thì luôn luôn đẹp nhất, khát vọng sáng tạo là vô tận... Tôi kể bạn nghe hai trường hợp điển hình nhé: Hôm tôi đến bệnh viện thăm một nghệ sĩ đang bệnh nặng, ông cố hết sức nói vào tai tôi rằng: “Bố có mấy ý tưởng này hay lắm, vượt qua trận ốm này, bố sẽ viết dành riêng cho con đóng”... 3 hôm sau ông mất.

Ông ngoại tôi là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh, mất đã hơn 10 năm. Một lần, tôi mơ thấy ông về và muốn tôi gửi cho ông cái máy chữ cùng giấy và bút. Đấy, người ở thế giới bên kia rồi vẫn có nhu cầu sáng tác. Tôi đã làm được một số việc có ý nghĩa cho cái riêng và ước được khỏe mạnh để tranh thủ làm được điều gì đó cho cái chung, thế là mãn nguyện. Chúng tôi có mỗi một việc nho nhỏ mà cả đời làm không hết, đó là sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, đem cái đẹp đến cho con người.

- Người ta biết nhiều đến những vai diễn thành công của chị trên sân khấu nhưng ít khi thấy các vai diễn thất bại. NSND Lê Khanh có khi nào đầu hàng trước một vai diễn khó nào đó chưa?

- Thất bại nhiều chứ, nghệ thuật không giấu được đâu. Chẳng hạn vai Phồn Y trong tác phẩm Lôi vũ hoặc quận chúa Milfo trong Âm mưu tình yêu... tôi chưa ưng ý, hai số phận đó luôn ám ảnh trong đầu tôi như một ẩn số. Khi dạy học, tôi quyết đi tìm “ẩn số” khiến mình luôn không hài lòng qua học trò của mình. Và tôi thấy hạnh phúc khi có những đoạn học trò diễn hay hơn thầy. Đó là điều mà tôi luôn mong chờ. Tôi thèm có sức khỏe và thời gian để đào tạo một thế hệ diễn viên trẻ tài năng hơn hẳn thế hệ nghệ sĩ đã là “hôm qua”.

Tình yêu phi thường đến bất thường

- Người ta nói rằng nghệ sĩ cần tình yêu để thăng hoa cảm xúc. Với NSND Lê Khanh, đó có phải chất liệu mang đến sức sống cho vai diễn của chị trên sân khấu?

- Tôi nghĩ không phải tình yêu thường mà là một tình yêu phi thường đến bất thường, tình yêu thánh thiện, vô điều kiện mới có thể say đắm nghệ thuật đến tận hôm nay. Chúng ta cần phải biết thi vị hóa cuộc sống. Thầy Tất Thắng của tôi luôn dạy thế đấy: “Phải biết yêu cái sự sống ta đang có kẻo phí “của giời” cái sự sống trời cho...”.

Mỗi khi trước Đức Phật, trước tổ tiên, tôi đều cảm ơn đã cho tôi niềm vui lẫn nỗi buồn, nụ cười và những giọt nước mắt, thành công cũng như thất bại, hạnh phúc và đau khổ, cái được và cái mất... để tôi, nghệ sĩ chúng tôi thấy hết giá trị của những điều mà khó khăn lắm mới có được và để đủ nghị lực, tình yêu có thể vượt qua những truân chuyên.

- Nhiều nghệ sĩ cho mình là đỉnh Thái Sơn, nhất là những nghệ sĩ thành danh, khi nghe đồng nghiệp hay dư luận phê bình, chê bai điều gì đó là không chịu nổi. Phản ứng của chị trong trường hợp này như thế nào?

- Sự phê bình làm tim ta nhói đau song lại làm ta tỉnh ngộ. Phê bình của người có trình độ, hiểu biết và có văn hóa còn hơn cả trăm liều thuốc bổ. Tôi chứng kiến một người anh là nhà thơ nổi tiếng chê thậm tệ một người bạn của mình, chê hay đến độ người bạn không hề giận mà cứ gật đầu lia lịa, “chịu đòn” chê một cách hoan hỉ. Tôi cũng có những người thầy uyên thâm, dí dỏm, nghe thầy chê mà như rót mật vào tai! Khen chê mà không có trình độ, hiểu biết và văn hóa thì “gây án như chơi”.

Cân bằng gia đình và sự nghiệp

- Nếu phải chọn lựa một trong hai vai trò: Nghệ sĩ và người phụ nữ của gia đình, chị sẽ chọn cái nào?

- Các bạn đã chứng kiến sự tham lam của tôi rồi đấy thôi. Tôi chọn cả hai. Gia đình và nghệ thuật là sự tương hỗ hoàn hảo khiến sự sống thăng hoa. Đó là bình thường, là thuận theo lẽ tự nhiên, khác đi là phi tự nhiên, là không bình thường...

Khi không diễn kịch, đóng phim, có nhiều thời gian, tôi đi du lịch cùng chồng con, người thân hay bạn bè, ít thời gian thì xem phim, nghe nhạc, tụ tập gia đình hay bạn bè hưởng thú vui ẩm thực, nịnh chồng đi chụp ảnh... nhiều lắm. Nói tóm lại, tôi dành thời gian rảnh của mình cho gia đình nhiều hơn.

- Hình như chị học được nhiều điều từ mẹ mình, nghệ sĩ Lê Mai?

- Hồi trẻ mẹ tôi đẹp lắm! Bà được thừa hưởng nụ cười tỏa nắng, sự tần tảo, sắc sảo của bà ngoại, thừa hưởng sự đôn hậu, vô tư và lạc quan của ông ngoại. Mẹ tôi là hiện thân của ý chí, không bao giờ chịu khuất phục trước những chướng ngại vật của cuộc đời. Mẹ tôi luôn biết cách hóa giải mọi phức tạp thành đơn giản. Mẹ tôi tuổi Dần nên mọi ý nghĩ, hành động của mẹ tôi còn nhanh hơn cả tia chớp. Mẹ tôi là một phụ nữ thường trực có một “công tắc sống mang tên: sẵn sàng”.

- Chị có hài lòng với cuộc sống hiện nay của mình?

- Không hài lòng cũng không còn cách nào khác. Nước mình nghèo quá nên lương bổng, chế độ cho nghệ sĩ chẳng đáng là bao. Phần lớn cuộc sống nghệ sĩ khá chật vật nên trông có phần kém tư thế, khó sang trọng lắm. May sao trong trái tim họ luôn bừng sáng tình yêu hồn nhiên và trong trẻo.

Con người, yếu tố quyết định

Tôi nghĩ nếu thiếu chiến lược đào tạo, đội ngũ làm sân khấu chuyên nghiệp từ quản lý cho đến biểu diễn, sáng tác, dàn dựng, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng… sẽ không thể nói đến chất lượng chuyên nghiệp của một sân khấu tương lai.

Kịch bản là mối quan tâm nhất hiện nay, nỗi lo thường trực của các nhà hát, càng ngày kịch bản hay càng trở nên hiếm và khó tìm. Chúng ta cũng cần đầu tư cho những cây bút chuyên viết đề tài sân khấu lịch sử khi mà các “cụ” tác giả đều đã lớn tuổi, thế hệ kế thừa chưa nhiều và chưa đủ tự tin để viết. Tiêu chí đặt niềm tin nơi tác giả trẻ sáng tác là điều cần nhất hiện nay, hãy tạo công việc và giao việc để họ làm. Chúng ta đừng quá khắt khe với họ, vì có cọ xát với thực tế mới nâng ngòi bút của họ lên được.

Theo Thanh Hiệp
Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.