Hẹn NSND Lan Hương vào một chiều mưa ngày kỉ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10 để nghe chị kể những câu chuyện về “Em bé Hà Nội” năm xưa. Đã 44 năm kể từ khi bộ phim “Em bé Hà Nội” ra đời và NSND Lan Hương đã ngoài 50 tuổi nhưng khán giả vẫn quen gọi chị là “em bé Hà Nội”.
Đón tôi vào nhà quả thực vẫn là “em bé Hà Nội” với nụ cười hồn hậu và cử chỉ nhẹ nhàng. Tôi giật mình vì NSND Lan Hương ở ngoài khác trên phim nhiều quá, thậm chí mỗi phim chị một khác. Chị cười và thú nhận, nhiều người không nhận ra mình. “Người ta nhầm Em bé Hà Nội là nghệ sĩ Ngọc Huyền (vợ Chí Trung bây giờ) chứ không phải tôi”- NSND Lan Hương chia sẻ.
Rồi nghe chị kể câu chuyện đi tàu điện nghe người ta kháo nhau cô bé đóng vai “Em bé Hà Nội” mắc bệnh tim, hen suyễn chết cách đó mấy tháng trong khi chị đang đứng ngay cạnh mà vừa buồn cười vừa thương. Tôi hỏi, nổi tiếng là thế nhưng rất ít người nhận ra chị có buồn, có tủi thân không, chị chẳng cần suy nghĩ một giây vội cười, xua tay nói không.
Tôi cho rằng đó là câu trả lời thành thật bởi trong tất cả các câu chuyện, NSND Lan Hương đều nhìn nhận nó một cách bình thản và nhẹ nhàng. Chị cười nhiều và chẳng có thoáng buồn nào vương trên mắt dù chị có danh hiệu “thần sầu”. Tôi tự nhủ, có lẽ không phải NSND Lan Hương ngoài 50 tuổi đang kể chuyện mà chính là “em bé Hà Nội” ngày nào đang trở lại để nói cho chúng ta những kỉ niệm về năm 1973 đó.
PV: Gần nửa thế kỉ đã trôi qua từ khi bộ phim “Em bé Hà Nội” ra đời và chị có vai diễn đầu tiên, cho đến ngày hôm nay, kỉ niệm nào còn ghi sâu trong tâm trí chị?
NSND Lan Hương: Khi còn nhỏ, tôi sống với ông bà ngoại ở khu tập thể của xưởng phim. Lúc ấy, tôi hay chụp ảnh cho các lớp quay phim. Dần dà tiếp xúc với phim ảnh nên tôi thích lắm. Năm tôi 6-7 tuổi, cô Đức Hoàn rập rạp cho tôi đóng vai cái Tý trong phim “Chị Dậu”. Tuy nhiên, vì một vài lý do nên bộ phim bị hoãn lại. Tôi nhớ, từ khi bắt gặp tôi cô Đức Hoàn đã gọi tôi là “thần sầu” và nhận xét tôi có cái mặt rất điện ảnh.
Sau đó, bác Hải Ninh có lần gặp và ấn tượng vì đôi mắt buồn thảm của tôi. Bác gợi ý bao giờ có phim sẽ gọi tôi phân vai.
Cho đến năm 1972, NSND Hải Ninh viết kịch bản phim có tên “Em bé An Dương”, sau chuyển thành “Em bé Khâm Thiên”. Cho rằng vẫn chưa tiêu biểu, cuối cùng chuyển tên lần thứ 3 là “Em bé Hà Nội”. Lúc này, NSND Hải Ninh sực nhớ tới cô bé có đôi mắt sầu thảm là tôi bấy giờ. Khi đó, tôi 10 tuổi và đã về ở với mẹ.
Khi NSND Hải Ninh tới nhà mời tôi đi thử vai thì mẹ tôi kịch liệt phản đối. Mẹ tôi không muốn cho tôi theo nghệ thuật. NSND Hải Ninh thuyết phục mãi thì mẹ tôi mới gật đầu cho tôi đi thử vai. Trong suy nghĩ của mẹ, tôi chắc chắn sẽ rớt vai, không ngờ tôi thử thì được. Cả nhà rất thích và rất vui, trừ mẹ.
Mẹ tôi nhất định không cho đi đóng phim rồi bà nghĩ ra cách cắt phăng mái tóc dài của tôi tới ngang tai. Lúc ấy, tóc tôi dài đến hông, dù tết hai bên hay buộc cao cũng rất đẹp. Mẹ tôi cắt tóc để có lý do tôi không phù hợp với vai diễn “em bé Hà Nội” đâu.
NSND Hải Ninh suýt ngất khi nhìn thấy tôi để tóc ngắn vì ông đang mê bộ tóc dài trước đó. Tôi nhớ mãi, ông ngồi đơ cả tiếng đồng hồ, không nói được lời nào, chỉ nhìn mái tóc của tôi rồi lên xe đạp về.
Trong cả tiếng ấy, mẹ tôi tìm đủ lý do để khước từ lời mời đóng phim. Nào là tôi mắt nâu, da trắng, tóc ngắn không đúng nét của người Hà Nội, rồi cho rằng tôi ngang bướng nên không thể đóng phim…
Cho đến một ngày khi tôi đi học về thì thấy NSND Hải Ninh đang ngồi trong nhà nói chuyện với mẹ tôi. NSND Hải Ninh cương quyết: “Tôi sẽ chờ cho tóc cháu dài ra rồi quay phim”. Nhưng mẹ tôi vẫn không chịu.
Sau này có thư tay của ông Trần Duy Hưng- Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc bấy giờ gửi về mẹ tôi mới thay đổi quyết định. Tuy nhiên, mẹ tôi ra điều kiện chỉ cho tôi đóng duy nhất một phim này mà thôi.
Đó là lý do vì sao “em bé Hà Nội” trong phim có mái tóc tới mang tai trong khi thời điểm ấy, hình ảnh những bé gái đầu đội mũ rơm, tết tóc hai bên đã khắc sâu vào tâm trí mỗi người. Tôi cũng tiếc mái tóc ấy nhưng tôi thích đóng phim tới nỗi bỏ ăn để chống đối mẹ.
PV: Nhận một “vai lớn” từ khi mới 10 tuổi, chị đã gặp phải những khó khăn gì?
NSND Lan Hương: Kì lạ lắm. Bình thường cả ngày tôi không nói một câu. Ở nhà tôi có biệt danh “hến” vì cạy miệng cũng không chịu nói. Đến khi đứng trước ống kính thì tôi nhập vai, nói liên thoắng. Bởi vì tôi thích đóng phim quá, sợ không nói người ta đuổi về (Cười lớn).
Đâu là cảnh quay trong phim “Em bé Hà Nội” chị ấn tượng nhất?
Đó là cảnh quay ở những hố bom chưa dọn dẹp. Bộ phim được quay vào tháng 6, tháng 7 năm 1973, khoảng nửa năm sau trận “Điện Biên Phủ trên không” nên nhiều nơi vẫn chưa được dọn dẹp hết. Thì có một cảnh quay tôi đi quanh những hố bom để tìm nhà trong đoàn làm phim ở một nơi khác, máy quay được treo trên cầu cẩu ở rất xa. Tôi chỉ có một mình ở đó, xung quanh vắng lặng, hoang tàn, đổ nát. Cho đến giờ nghĩ lại tôi vẫn sợ.
Còn một cảnh quay tôi khiến người khác sợ đó là cảnh ô tô đang chạy và tôi chạy song song với bánh xe. Mọi người đứng ngoài xem tôi diễn mà không khỏi lạnh gáy vì dù chiếc xe chạy chậm nhưng tai nạn rất có thể sẽ xảy ra trong tích tắc. May mắn tôi bình an và được khen ngợi vì cảnh đó diễn quá đạt.
PV: Khi bộ phim ra đời, cảm xúc của chị ra sao?
NSND Lan Hương: Từ lúc đó tôi đã cảm nhận rõ được tình cảm mà mọi người dành cho mình. Nhưng ra đường, ít người nhận ra tôi lắm. Thậm chí, mọi người bàn tán, kháo chuyện, cô bé đóng vai “em bé Hà Nội” đã chết bị bệnh tim, rồi bệnh hen suyễn… trong khi tôi đang đứng ngay cạnh. Tôi chẳng buồn tranh cãi hay giải thích.
PV: Nhìn lại quãng thời gian qua gắn với cái tên “Em bé Hà Nội”, chị có suy nghĩ gì?
NSND Lan Hương: Với tôi ngày hôm nay, cái tên “Em bé Hà Nội” vẫn rất trân trọng và thân thương. Nó không chỉ có tính thời điểm mà cả một quá trình và con đường nghệ thuật tôi đã đi qua. Phải thành thật rằng tôi luôn cố gắng để giữ cái tên đó. Từ sau bộ phim, tôi đã cố gắng không ngộ nhận lúc nhỏ mình thành công như thế nào, vai diễn “Em bé Hà Nội” có tiếng vang ra sao mà vẫn luôn cố gắng để vượt lên cả trong lĩnh vực sân khấu lẫn điện ảnh.
Tuy nhiên, cũng có thời gian tôi phát bực vì “em bé Hà Nội” khi đi đâu, làm gì người ta cũng nhắc tên đó. Đó là khoảng thời gian tôi mới vào Nhà hát Tuổi trẻ, tôi muốn làm cái mới và không muốn sống mãi nhờ vào cái tên “em bé Hà Nội”. Nhưng cũng vì cái tên đó mà tôi phấn đấu không mệt mỏi trong suốt nhiều năm để giữ lại tên “Em bé Hà Nội”.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!