NSND Hồng Lựu: Vin câu ca đi qua bão giông

TP - Cha của Hồng Lựu nói rằng: Trên đời có một loại quả càng chịu nắng gắt càng thắm, càng hồng. Ấy là trái lựu. Ông không cầu an nhàn, sung sướng cho con, mà cầu cho con giàu nghị lực đi qua giông bão cuộc đời.

Hồng Lựu đã dùng tên khai sinh làm nghệ danh, vì thế. Nữ nghệ sỹ từng đi bán cháo đêm, đi chụp ảnh dạo, đi bắn khuyên tai, may gia công… để có tiền trang trải cuộc sống. Cơ cực trong đời sống áo cơm không làm chị chùn bước. Những câu ca xưa đã vực chị đứng lên: “… Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Cười trên sân khấu, khóc sau hậu trường

Nếu tính tổng số vai diễn trên sân khấu, từ vai chính đến vai phụ, NSND Hồng Lựu đã hóa thân vào khoảng 70 nhân vật, từ vai hoàng hậu, công chúa, đến vai bà mẹ nghèo hay gái quê… Không chỉ sở hữu giọng hát mượt mà, có màu sắc riêng, Hồng Lựu còn có khả năng diễn xuất tài tình.

Ngay khi mới về thực tập tại đoàn dân ca Nghệ An, chị đã được “chọn mặt gửi vàng” giao vai cô Thảo trong vở “Ông vua hóa hổ” của Lưu Quang Vũ. Không phụ lòng tin của đạo diễn, chị nhập vai xuất sắc.

Theo thời gian Hồng Lựu càng chín nghề, chị lăn lộn qua bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời trên sân khấu. Một trong những vai diễn để đời của NSND Hồng Lựu chính là vai mẹ Bác Hồ, bà Hoàng Thị Loan, trong vở “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví giặm”, tại Hội diễn dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 1998. Chị tiết lộ: Chính báo Tiền Phong đã bình chọn Hồng Lựu là nghệ sỹ xuất sắc với vai diễn này.

Ít ai biết, khi vào vai thân mẫu của Bác Hồ, NSND Hồng Lựu mới sinh con được vài tháng. Mẹ chồng của chị kiên quyết không cho chị nhận vai, bởi sức khỏe của chị còn yếu và chị cần dành thời gian chăm sóc con nhỏ. Vai diễn đã được giao cho những nghệ sỹ khác nhưng sau cùng vẫn trở về với chị. Bởi không ai có thể diễn tốt vai diễn đặc biệt này hơn chị. Chị ôm con lên Hà Nội dự Hội diễn.

Đêm ấy mưa gió tơi bời, chị diễn trên sân khấu còn con nhỏ nằm trên ghế xe ô tô được người bảo vệ thương tình chăm giúp. Đứa bé khóc ngằn ngặt, kết thúc buổi diễn, chị ôm con, phát hiện con nhiễm sài đẹn. Nhưng cũng chẳng phải lần đầu Hồng Lựu ôm con nhỏ đi diễn.

Năm 1989, trong một lần diễn ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), chị và chồng đang hát trên sân khấu, trong cánh gà con bị bệnh đột ngột, trưởng đoàn phải cho xe chạy về bệnh viện huyện cách đó mấy cây số mời bác sỹ đến khám cho cháu bé.

Hồng Lựu tâm sự: Chị không ngại khó khăn, nhọc nhằn trong đời sống thường nhật. Có đôi lúc cũng định bỏ nghề chỉ vì những ứng xử giữa người với người khiến chị cảm thấy mệt mỏi, thế thôi! Những năm 90 là khoảng thời gian vất vả nhất của NSND Hồng Lựu. Chị sống trong một căn hộ bé nhỏ, xập xệ, khi thủy triều dâng nước thì gần vào nhà, buổi tối chị bán cháo, tranh thủ ban ngày may gia công, chụp ảnh dạo kiêm thêm nghề bắn lỗ tai… để có tiền trang trải cho gia đình nhỏ.

Hỏi chị làm thế nào vượt qua những ngày khó khăn ấy? Hồng Lựu liền cất giọng ca: “Ờ…ơ tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn. Đi vay đi mạn được một quan tiền. Ra chợ Kẻ Triêng mua con gà mái. Về nuôi ba tháng đẻ ra mười trứng. Một trứng: Ung, hai trứng: Ung, ba trứng: Ung…. Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Người làm thơ thì vịn câu thơ đứng dậy. Còn người đam mê kịch hát Ví, Giặm lại vịn câu ca đi qua bão giông.

Cất tiếng ca khiến mỹ nhân rơi lệ

NSND Hồng Lựu sinh năm 1967, ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Gia đình chị không có ai theo nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng từ bà đến cha mẹ đều ca hay. Hồng Lựu còn tự hào giới thiệu: Thôn Đông Thượng, nơi chị cất tiếng khóc chào đời, có rất nhiều người ca hay. Các bà, các mẹ, các chị… tuy không được phong nghệ nhân nhưng chính là những người giữ lửa dân ca xứ Nghệ.

Sống trong bầu không khí văn nghệ nên chị sớm yêu nghệ thuật. Khi Hồng Lựu 4 tuổi có đoàn văn công Tổng cục Hậu cần về qua xóm. Cô bé Lựu thích lắm, làm quen với mấy cô văn công, được các cô khuyến khích, Lựu mạnh dạn lên sân khấu hát dân ca. Đó là những bài dân ca cô học từ mẹ, từ bà, từ những người lao động trong thôn. Tiết mục của cô văn công nhí được người dân cổ vũ rào rào…

Càng lớn lên, Hồng Lựu càng say ca hát, rửa bát cũng hát, đến nỗi đánh vỡ cả chồng bát, khi múc nước dưới giếng cũng mải hát, vừa soi mình dưới bóng nước, vừa nghe tiếng hát của mình âm vang trong giếng, thật thú vị! Nhiều lúc, vì mải hát, mải ngắm mình, Lựu đánh rơi cả gầu xuống giếng.

NSND Hồng Lựu và các người đẹp của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018. Ảnh: Internet

Không có gì ngạc nhiên khi Hồng Lựu theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Chị học lớp diễn viên, khoa sân khấu, Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Năm 20 tuổi, chị về công tác tại Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh. Hiện nay, NSND Hồng Lựu là Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An.

8 lần tham gia Hội diễn, Liên hoan cấp quốc gia chị “ẵm” 8 huy chương Vàng và 3 giải nghệ sỹ xuất sắc. Những ngày này, chị đang tập vở để tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc: “Đó là một vai diễn đậm chất người Nghệ. Đâu đó trong vai diễn lần này có phần hình ảnh của tôi, nên tôi rất thích”, NSND chia sẻ. Sau 12 năm, Hồng Lựu mới trở lại sân khấu với một vai diễn mới vì chị muốn nhường sân chơi cho lớp sau.

Nhiều người còn nhớ, tại vòng Chung khảo phía Bắc của cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam 2018, chính NSND Hồng Lựu đã giới thiệu cái hay, cái đẹp của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với các thí sinh. Khi chị cất tiếng hát, nhiều mỹ nhân đã bật khóc. Hồng Lựu tin đó là những giọt nước mắt thật thà, không phải nước mắt của diễn xuất. Bởi chị đã đi biểu diễn ở nhiều nơi và đã quen với đôi mắt ngấn nước của khán giả khi nghe chị ca.

NSND Hồng Lựu đặc biệt quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ. Ca sỹ trẻ Quỳnh Như, Quán quân Giọng hát Việt nhí 2018, chính là học trò cưng của chị.

Năm 2017, trên sân khấu “Thần tượng tương lai”, phát sóng kênh HTV7, Quỳnh Như đã hóa thân thành NSND Hồng Lựu trong bài hát quen thuộc “Giận mà thương”, chinh phục ban giám khảo khó tính như NSND Thu Hiền, ca sỹ Quang Linh, ca sỹ Cẩm Ly.

Màn song ca của NSND Hồng Lựu và trò cưng trong bài dân ca lời cổ “Thập ân phụ mẫu” trong chương trình “Thần tượng tương lai” không chỉ thuyết phục giám khảo mà còn ghi dấu ấn với khán giả truyền hình HTV7.

“Thuận vợ, thuận chồng…”

Nếu thời gian có thể quay ngược, liệu người phụ nữ của thôn Đông Thượng có đi theo Ví, Giặm? NSND Hồng Lựu đáp: “Nếu được quay lại tôi vẫn đi trên con đường đã đi”. Yêu dân ca quê hương, chịu bao khổ cực áo cơm vì đam mê ấy nhưng bù lại, Ví, Giặm đã mang đến cho Hồng Lựu tài sản vô giá. Đó là tình yêu của khán giả dành cho chị. “Thượng đế” yêu Hồng Lựu đâu chỉ vì giọng ca như suối mát lành: “Khán giả yêu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Họ yêu mảnh đất khắc nghiệt mà đầy chữ Tình. Họ tìm thấy bản thân mình, nhìn thấy cái nhọc nhằn của cha mẹ mình, làng xóm, quê hương mình trong từng câu hát mà tôi chuyển tải. Từ đó, họ mới yêu luôn tôi” - cách giải thích của nữ nghệ sỹ. Trên hành trình đam mê, Hồng Lựu đã gặp “một nửa” của cuộc đời mình. Trong công cuộc bảo tồn dân ca Nghệ Tĩnh, vợ chồng NSND Hồng Lựu đã đặt chân đến những vùng đất hẻo lánh nhất của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, để sưu tầm và lưu giữ vốn cổ đang được lưu truyền trong nhân dân. Họ có hai người con, đều theo âm nhạc. Hai con của NSND Hồng Lựu đã sáng tác nhiều ca khúc dựa trên hồn cốt dân ca xứ Nghệ.

Tôi hỏi Hồng Lựu: “Hiện nay, giới trẻ có nhiều “món ăn tinh thần” và nhiều trò giải trí, chị có sợ dân ca nói chung, Ví, Giặm nói riêng không còn chỗ đứng?”. Không cần suy nghĩ, nữ nghệ sỹ cả đời gắn bó với dân ca Nghệ Tĩnh cười: “Tôi tin dân ca không bao giờ hết “đất” sống. Người Việt nói riêng, người Nghệ Tĩnh nói chung, rất đoàn kết, luôn nhớ cội nguồn. Dân ca đưa người ta về nguồn cội”.

Chị kể, khi chị hát “Phụ tử tình thâm” trên một sân khấu xa quê hương, đã có khán giả rơi nước mắt và nói rằng, nghe chị ca họ nhớ quê da diết, muốn được về nhà, muốn được trông thấy cha mẹ: “…Lá rụng cội đại ngàn/Con tìm mô được nữa/Mà con muốn tìm mô được nữa/Khi cúng hương cúng lửa/Khi vào bái ra quỳ/Giừ đặt mâm lên thì nỏ thấy thầy mẹ ăn chi/ Chỉ thấy ruồi với ruồi/Mà chỉ thấy ruồi với kiến…”.

Không phải ngẫu nhiên “Phụ tử tình thâm” “đánh cắp” trái tim của bao khán giả. Hồng Lựu vừa ca, vừa giải thích: “Người Nghệ không chỉ ru con mà còn ru mình, tự lục vấn mình: “Ơ… Thánh hiền là đạo/Đạo quá xá từ bi/Con có lỗi điều chi/Xin mẹ thầy quá xá/Con đừng ở cậy thượng át hạ/Ở ra dạ khinh thường/Con đừng đứa ghét đứa thương/Cũng nhất gia chi tử/Cũng gia tòng chi tử”.