Nốt lặng của vợ chồng 'chúa đảo' Điệp Sơn

0:00 / 0:00
0:00
Anh Đại Anh nhặt rác trên thủy đạo Điệp Sơn
Anh Đại Anh nhặt rác trên thủy đạo Điệp Sơn
TP - Trong một lần tình cờ đến đảo Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), vợ chồng anh Trịnh Minh Đại Anh và chị Đào Thị Long thấy được tiềm năng phát triển du lịch nơi đây với con đường cát độc đáo dưới biển. Họ tìm đến chính quyền địa phương thuê đất làm du lịch, biến Điệp Sơn thành điểm đến hấp dẫn của Khánh Hòa. Thế rồi cuồng phong COVID-19 ào tới...

Độc đáo thủy đạo Điệp Sơn

Điệp Sơn từng được biết đến là những xóm chài nghèo, nơi “tập kết” của nhiều loại rác từ đất liền cũng như “rác đại dương”. Trước đây, tỉnh Khánh Hòa kêu gọi nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đến đầu tư phát triển du lịch, nhưng không mấy ai tới khảo sát.Vào năm 2016, vợ chồng anh Trịnh Minh Đại Anh và chị Đào Thị Long tình cờ đến Điệp Sơn, thấy được tiềm năng lớn về phát triển du lịch với con đường cát uốn lượn tuyệt đẹp giữa biển khơi nên đã tìm đến chính quyền địa phương xin thuê đất để làm khu du lịch.

Đến tháng 11/2016, vợ chồng chị Long đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư - Du Lịch Nha Trang Đông Đô để đầu tư phát triển du lịch trên đảo Điệp Sơn. Cụm đảo Điệp Sơn có 8 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 3 hòn đảo Hòn Ó, Hòn Quạ và Hòn Bịp gần nhau giữa vùng biển thuộc vịnh Vân Phong. Vợ chồng họ đã thuê 5.094 m2 đất mặt bằng, 105.000 m2 đất đồi dốc và tới 182.479 m2 mặt nước biển tại Hòn Ó và Hòn Quạ, chiếm 1/2 tổng diện tích 3 hòn đảo.

Anh Đại Anh cho biết đảo Điệp Sơn có một con đường đặc biệt - con đường dưới biển duy nhất ở Khánh Hòa, dài khoảng 700 m, nối liền 3 hòn đảo nhỏ. Nơi đây, ban ngày nước biển dâng lên thì ban đêm sẽ khô cạn và ngược lại. Khoảng 15 giờ hằng ngày, thủy đạo bằng cát dưới biển và đá ngầm dần trơ ra, rộng khoảng 10m. Thủy đạo này từ lâu đã giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển giữa hai bờ của chuỗi 3 đảo. Cư dân Điệp Sơn thường dựa vào thủy đạo để đi lại giữa các đảo và họ không biết nó có từ bao giờ?.

Nốt lặng của vợ chồng 'chúa đảo' Điệp Sơn  ảnh 1

Chị Long chọn cá gửi cho khách quen ở Nha Trang

Vợ chồng “chúa đảo” đi bán cá

Sau hơn 5 năm bỏ nhiều công sức và tiền của đầu tư, khu du lịch trên đảo Điệp Sơn của vợ chồng chị Long đã có mặt trên bản đồ du lịch Việt Nam và trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo tại Khánh Hòa. Bây giờ, người dân nơi đây và cả du khách vẫn quen miệng gọi họ là vợ chồng “chúa đảo”. Công sức của vợ chồng “chúa đảo” đã biến Điệp Sơn từ một ốc đảo đìu hiu thành điểm đến ưa thích của du khách.

Hằng ngày, ngoài những giờ đón khách, vợ chồng chị Long tranh thủ dọn rác thải trên các bãi cát, trên thủy đạo Điệp Sơn.Tuy nhiên, ngay khi có ca mắc COVID - 19 đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng làng biển vào tháng 7/2021, khu khu lịch Điệp Sơn của vợ chồng chị Long vắng hẳn khách. Vì thế, vợ chồng chị phải làm những việc khác như: nuôi cá, buôn bán cá, nuôi dê, gà… để trang trải tiền lương cho công nhân dọn vệ sinh và các chi phí khác để duy trì hoạt động của khu du lịch.

Chị Long cùng chồng mua hải sản của các chủ tàu bè trong vùng, cung ứng theo đơn đặt hàng của những người dân trong vùng giãn cách xã hội vì đại dịch COVID - 19. Từ đây, các đơn hàng hải sản nhanh chóng được vợ chồng chị vận chuyển đến những vùng bị giãn cách để đảm bảo nguồn thực phẩm thiết yếu cho người dân. Những khu vực bị phong tỏa, cách ly nhiều do dịch bệnh làm cho nguồn cung hàng hoá bị đứt gãy, vợ chồng chị Long cố gắng tìm đủ mọi cách để vận chuyển, cung cấp hải sản cho người quen ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang…

“Trong đợt dịch này, chúng tôi cũng cố gắng lấy nguồn hải sản trong vịnh Vân Phong. Bà con đi ghe mành, thả lưới, đánh bắt cá thì chúng tôi lấy từ nguồn này, nếu khách hàng có yêu cầu thì mình chọn ra loại hải sản thích hợp. Đối với những bếp ăn từ thiện chúng tôi trực tiếp lấy những loại cá chất lượng cao như cá thu, cá dìa, cá mú... Chúng tôi cũng tìm cách để cho bà con có thể ăn được những thức ăn tươi, ngon mà lại rẻ”, chị Long chia sẻ.

Níu giữ vẻ đẹp hoang sơ!

Chở chúng tôi đi vòng quanh Hòn Ó, Hòn Quạ trên chiếc ca nô cao tốc, chị Long bảo rằng toàn bộ cây xanh trên đảo được giữ nguyên, chỉ cải tạo bờ biển ven đảo cho du khách tham quan. “Những ngày đầu ra Điệp Sơn làm du lịch, nơi đây ngập rác thải. Chúng tôi phải thuê 30 nhân công mỗi ngày để dọn rác quanh đảo. Phải mất 3 tháng, rác thải mới được thu gom hết và chở bằng ghe về đất liền. Từ đó đến nay đã hơn 5 năm, mỗi ngày có ít nhất 3 nhân công thường xuyên đi quanh đảo thu gom rác thải trôi dạt vào để bảo đảm các hòn đảo luôn sạch đẹp”, chị Long nói.

Nốt lặng của vợ chồng 'chúa đảo' Điệp Sơn  ảnh 2

Khu du lịch Điệp Sơn được thiết kế gần gũi với thiên nhiên

Đảo Điệp Sơn giờ lộng lẫy giữa biển khơi và mây trời xanh ngắt. Trên đảo, có 2 cảng biển là cảng Điệp Sơn và bến cảng tạm của Công ty TNHH Nha Trang Đông Đô do công ty du lịch mới mở để đón du khách. Người dân đi bắt ốc, bắt sò điệp, con xúc... vẫn thường đi qua lại giữa các đảo. Các chuyến đò, ca nô của người dân và dịch vụ du lịch nối kết đất liền vẫn được thực hiện thường xuyên trong ngày.

Bước chân lên đảo, điều dễ nhận thấy là cứ đi một quãng lại có một giỏ đựng rác bằng tre. Du khách trước khi lên ca nô để đi đảo đều được khuyến cáo không dùng nước chai nhựa mang ra đảo.

Với phương châm “nói không với rác thải nhựa”, vợ chồng “chúa đảo” Đại Anh đã chuẩn bị sẵn nước bình mang từ bờ ra đảo phục vụ miễn phí du khách. Vợ chồng “chúa đảo” này luôn tâm niệm phải giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, gìn giữ màu xanh cho đảo thì mới níu giữ được du khách. Vì thế, ngay từ đầu họ đã chọn những vật liệu thân thiện với môi trường là gỗ, tre, mái lá... để làm chòi nghỉ mát cho du khách nghỉ ngơi trên “tiên cảnh” này.

Đưa chúng tôi trở lại đất liền sau khoảng 20 phút chạy ca nô trên biển, vợ chồng chị Long bảo rằng mong muốn lớn nhất bây giờ là dịch bệnh qua mau, du khách trở lại để có nguồn đầu tư cho hệ thống đảo xinh đẹp này.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.