Nộp 3/4 tài sản tham nhũng chưa chắc thoát án tử

Thứ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (trái) và ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp (phải) tại họp báo
Thứ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (trái) và ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp (phải) tại họp báo
Bộ Tư pháp nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến điểm mới này trong bộ luật Hình sự được VP Chủ tịch nước công bố hôm nay.

Giới thiệu bộ luật này, Thứ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhận định việc có thể không thi hành án tử hình đối với tử tù mang tội tham ô, nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng và hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, là “kinh tế học pháp luật”.

“Bắn thêm một người mà không thu hồi được tài sản thì cũng không có lợi cho xã hội”, ông Long nói.

Về câu hỏi có hồi tố hay không đối với những người đã bị kết án tử hình vì tội tham ô, nhận hối lộ trước thời điểm bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (1/7/2016), Thứ trưởng Lê Thành Long cho biết: “Trong giai đoạn giao thời, việc nộp lại tài sản chỉ là một trong những điều kiện để được xem xét giảm án tử hình, còn phải đáp ứng các điều kiện khác, chẳng hạn tích cực hợp tác với cơ quan điều tra”.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp, bổ sung: Người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ, nếu đáp ứng những điều kiện mà Thứ trưởng Lê Thành Long vừa đề cập thì đương nhiên được áp dụng điều khoản này theo nguyên tắc có lợi cho đương sự.

Báo VietNamNet quan tâm đến tính khả thi của quy định này, dẫn ý kiến của GS. Alan Doig, chuyên gia về phòng chống tham nhũng của UNDP: “Việc trả lại tiền không giúp giảm tham nhũng. Kẻ tham nhũng trả lại 3/4 tiền chiếm đoạt, thoát án tử, ở tù và vẫn giữ được 25% số tiền đó, chỉ là không được về nhà”.

Trao đổi lại với ý kiến này, ông Trần Văn Dũng cho rằng nói chỉ cần nộp lại 3/4 và vẫn được giữ 25% thì không phải lắm.

“Về nguyên tắc, tất cả các tài sản bị chiếm đoạt đều phải thu lại hết, không có chuyện chỉ nộp lại 3/4 còn lại 25% cất đi mà vẫn ok. Tòa tuyên anh chiếm đoạt bao nhiêu là anh phải nộp lại hết. Tuy nhiên, nếu anh tích cực nộp lại 3/4 và tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng thì có thể được ân giảm, ân huệ của nhà nước”.

Luật về chuyển đổi giới tính chờ khóa sau

Báo Dân trí đặt câu hỏi về quy định liên quan đến chuyển đổi giới tính trong bộ luật Dân sự cũng được công bố hôm nay: Việc này sẽ được quy định cụ thể trong luật nào, bao giờ thì có luật này.

Thứ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong quá trình thảo luận dự thảo bộ luật Dân sự có khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này, nhưng cuối cùng cũng đã chấp nhận quy định cho phép chuyển đổi giới tính.

“Về mặt quan điểm, điều này thể hiện rõ chính sách của Đảng, nhà nước ta trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền tự do cơ bản của công dân”, ông Lê Thành Long nói.

Nhưng Thứ trưởng Tư pháp cũng lưu ý: Chuyển đổi giới tính là vấn đề rất tỉ mỉ và kỹ thuật, không chỉ là chuyện đi phẫu thuật về mặt y học, mà còn là hệ quả của việc chuyển giới như đi lại, sinh hoạt, hộ tịch…

“Bộ luật Dân sự, với tư cách là một luật chung, chỉ có thể quy định về nguyên tắc về sự cho phép việc này. Quy định cụ thể thêm cần có luật. Chúng tôi đang cố gắng đề xuất Chính phủ để có càng sớm càng tốt, chẳng hạn là năm đầu của QH khóa sau, khóa này thì hết rồi”, ông Lê Thành Long nói.

Trong chiều nay, VP Chủ tịch nước cũng tổ chức công bố các bộ luật Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự, các luật Tố tụng hành chính, Thi hành tạm giữ tạm giam, Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các nghị quyết liên quan.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG