Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (2014) trong đó có quy định phong tỏa và cưỡng chế tài sản chủ đầu tư nếu không bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà sẽ có hiệu lực từ tháng 12. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều chủ đầu tư vẫn ngang nhiên chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng khoản phí trên. Đáng nói, còn xảy ra tình trạng tranh chấp chồng chéo.
Hàng chục tỷ đồng kẹt ở chủ đầu tư
Tại TPHCM, tình trạng tranh chấp phí bảo trì chung cư đang đến hồi quyết liệt. Thống kê của Sở Xây dựng TPHCM cho biết: có đến 63 chung cư xảy ra mâu thuẫn về phí bảo trì. Cụ thể, cư dân chung cư The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM) phản đối Cty Cổ phần Đức Khải (chủ đầu tư) tự ý trưng dụng khoản tiền phí bảo trì 2% giá trị căn hộ của họ với số tiền hàng chục tỷ đồng vào mục đích kinh doanh. Hay như, cư dân chung cư Saigon Pearl (Bình Thạch, TPHCM), 4S Riverside (Thủ Đức, TPHCM) cũng xảy ra tranh chấp sử dụng tiền bảo trì với cả dăm chục tỷ đồng.
Còn ở Hà Nội, cuộc chiến phí bảo trì chung cư cũng không kém phân sôi sục. Tại tòa nhà Sky City (88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), ông Đặng Trọng Hiếu, Trưởng Ban quản trị cho biết: toà nhà đi vào hoạt động 5 năm nhưng đến nay, Ban quản trị vẫn chưa nhận được đúng và đủ khoản kinh phí này từ chủ đầu tư Hanotex. Lẽ ra, chủ đầu tư phải hoàn trả cho cư dân hơn 30 tỷ đồng tiền phí bảo trì nhưng họ đang tìm mọi cách từ chối việc kiểm toán và quyết toán số tiền này. Cư dân tòa nhà rất lo khi các hạng mục nhà ở, máy móc thiết bị càng xuống cấp mà không có tiền tu bổ”, ông Hiếu nói.
Ban Quản trị tòa N05 Trung Hòa – Nhân Chính do Vinaconex làm chủ đầu tư vừa gửi đơn kêu cứu khắp nơi khi “ông chủ” này nhất quyết không trả gần 70 tỷ đồng tiền phí bảo trì. Ông Nguyễn Trọng Thanh, thành viên Ban Quản trị tòa N05 bức xúc: “Tòa nhà đã hết hạn bảo hành nên mọi việc sửa chữa bảo dưỡng phải lấy từ nguồn phí bảo trì. Tuy nhiên, chủ đầu tư hết lần này đến lần khác viện cớ không trả. Đến giờ chúng tôi không biết số tiền này gửi ở ngân hàng nào và lời lãi ra sao”.
Cũng trong tình trạng không đòi được khoản nợ 5 tỷ đồng tiền phí bảo trì do Cty Hanco 3 nắm giữ khiến Ban quản trị tòa nhà D11 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) phải tự bỏ tiền ra sửa chữa toàn bộ cửa kính tòa nhà khi xuống cấp. Đại diện Ban quản trị toà nhà chia sẻ, năm 2010 quỹ bảo trì nhà chung cư D11 được xác lập theo cam kết của Hội đồng quản trị Hanco 3 và bỏ ra hơn 3,2 tỷ đồng để làm quỹ bảo trì. Số tiền này được chuyển vào tài khoản ngân hàng với hai người đứng tên là đại diện Ban quản trị tòa nhà và Hanco 3.
Bị kiện vì trả dân
Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng muốn giữ rịt khoản phí này. Vừa xảy ra việc lần đầu tiên tại Hà Nội, Cty Cổ phần BIC Việt Nam - chủ đầu tư tòa Rainbow Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) quản lý kinh phí bảo trì 2% tại tòa nhà Rainbow Văn Quán với tổng số tiền 8,19 tỷ đồng lại không muốn chuyển cho Ban quản trị mà muốn trả về tận tay các hộ dân. Lý do, theo ông Lục Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc nhà chung cư Rainbow các thành viên Ban quản trị không có chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư nên việc chuyển trả cư dân mới hợp lý. “Đã có thực trạng Ban quản trị chiếm dụng tiền bảo trì ở một số tòa nhà tại Hà Nội và TPHCM. Vì vậy, BIC không yên tâm khi giao toàn bộ phí bảo trì cho Ban quản trị”- ông Hoàn cho biết.
Liên quan việc chủ đầu tư trả lại tiền phí bảo trì cho cư dân vì không tin vào sự minh bạch Ban quản trị, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chủ đầu tư làm như vậy là không đúng. “Sở Xây dựng có công văn yêu cầu Cty Cổ phần BIC Việt Nam (chủ đầu tư) bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị theo đúng luật. Việc nghi ngờ Ban quản trị không phải là trách nhiệm của chủ đầu tư. Dân bầu ra Ban quản trị thì dân phải chịu trách nhiệm về Ban quản trị”.
Bình luận về vấn đề tranh chấp phí bảo trì, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Việc bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị đã có trong Luật, các chủ đầu tư phải làm đúng luật. Sắp tới Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết từng trường hợp cụ thể về phí bảo trì để tránh xảy ra tranh chấp như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà Việt Nam, câu chuyện quản lý nhà chung cư đang rất nóng, ở các thành phố lớn thì tất cả các nhà chung cư đều có vấn đề vì chúng ta chưa có hành lang pháp lý, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư. “Để đảm bảo số tiền 2% phí bảo trì được sử dụng hiệu quả và an toàn đồng chủ tài khoản đứng tên trong ngân hàng nên bao gồm 1 người của chủ đầu tư và 2 người của ban quản trị tòa nhà để phòng trường hợp rủi ro thành viên trong ban quản trị tòa nhà có thể một lúc nào đó bán nhà và không ở tòa nhà nữa”, ông Hiệp đề xuất.