> Những mô hình đi vào cuộc sống
> Bí thư Tỉnh ủy trẻ và trăn trở nơi phên giậu
Sản xuất phát triển
Ông Nguyễn Văn Sáu ở ấp Sơn Phú, 72 tuổi, cả đời làm nông với 2,2 ha đất. Trước đây, ông làm lúa rồi trồng xoài, mỗi năm thu hoạch lúc khá nhất cũng chỉ hơn trăm triệu đồng nên nuôi 6 người con vất vả. Mấy năm nay ông chuyển sang trồng cam sành, thu hoạch gấp chục lần.
Cam sành phù hợp với thổ nhưỡng Đại Thành, cành chiết trồng một năm đã cho trái. Nên cam ở Đại Thành đã được trồng khắp nơi: Bên đường đi, quanh sân nhà, chen với cây khác, mới ngang ống chân đã lúc lỉu trái, càng cao trái càng nhiều, có cây ra trái từ cành sát đất lên tới ngọn.
Chủ tịch UBND xã Dương Văn Giang tính toán, mỗi héc-ta trồng 300 cây cam sành, đến năm thứ 4 cho sản lượng khoảng 100 tấn. Giá cam sành vài năm qua, thấp nhất 6.000 đ/kg, cao nhất 25.000 đ/kg, mỗi héc-ta mỗi năm cho tiền lời hàng trăm triệu đồng.
“Lúa ở Đại Thành trước đây có 2.000 ha, nay chỉ còn 156 ha vì chuyển sang trồng cam sành, các loại cây trái khác và nuôi cá. Diện tích cam sành hiện là 1.325 ha. Xã có 2.805 hộ, thống kê năm nay, có 18 hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên/hộ, 110 hộ thu nhập từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/hộ và 450 hộ thu nhập từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng/hộ”, chủ tịch xã Dương Văn Giang cho biết.
Nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật để cam sành cho trái rải vụ quanh năm nên ông Sáu kể, một đợt hái trái bán mấy chục triệu đồng và cứ lai rai hoài.
Ông Sáu với vườn cam sành trĩu quả. |
Nuôi cá tra ở ĐBSCL đang rất khó khăn, nhưng xã Đại Thành có Hợp tác xã Nuôi trồng Thuỷ sản Đại Thắng vẫn có lời.
Chủ nhiệm Nguyễn Tấn Phong giới thiệu, hợp tác xã có 18 xã viên với 8 ha nuôi cá tra, năm 2012 bán 2.500 tấn, năm 2013 đã bán 1.000 tấn. Sản xuất phát triển, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 7,7%, nay chỉ còn 3,9%, nhiều gia đình có tiền đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Trong tổng vốn 320 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới 2 năm qua ở Đại Thành, vốn góp của dân chiếm 29,3%, tương đương vốn ngân sách; vốn tín dụng gần 34%; vốn doanh nghiệp và huy động 7,6%.
Dễ và khó
Đến Đại Thành bây giờ, thấy đường đi lối lại phong quang, bên đường cây xanh và hoa tươi tốt, đặc biệt không còn rác vương vãi. Nhiều con đường liên ấp đã được đặt thùng đựng rác, có xe gom rác hằng ngày.
Ông Dương Văn Giang giới thiệu, những tuyến đường chưa có xe gom rác thì vận động người dân phân loại rác, thứ đốt, thứ chôn lấp mà không còn đổ xuống kinh rạch. “Mỗi ấp còn bố trí một bồn đựng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật để xử lý. Trạm y tế xã cũng có lò đốt rác đúng quy định”, ông Giang nói.
Hiện nay, 96,05% hộ dân ở xã Đại Thành dùng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia, trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (QCVN 02) đạt 72,66%.
Việc mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án ở xã nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn. Phó chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, ông Nguyễn Đăng Hải |
Bí thư Đảng ủy xã Cao Văn Thơ bộc bạch: “Lúc đầu, chúng tôi rất lo việc thực hiện những công trình cần nhiều tiền bạc như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa. Thế nhưng, vào thực tế, những công việc khó nhất lại chính là những việc như bảo vệ môi trường trong sản xuất và sinh hoạt mà Chủ tịch xã vừa kể”.
Làm đường giao thông, dân đóng góp 4,3 tỷ đồng; làm thuỷ lợi, dân đóng góp hơn 4,4 tỷ đồng; xây dựng trường học, nhiều người dân góp tiền còn hiến đất.
Điển hình như gia đình bà Phùng Thị Kim ở ấp Đông An A đã hiến 2.000 m2 đất để xây dựng trường tiểu học Đại Thành 2. “Còn để thay đổi thói quen lạc hậu không nhanh được như góp tiền xây dựng các công trình, mà phải kiên trì vận động và để có kết quả phải phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể”, Bí thư Cao Văn Thơ nói.
Chẳng hạn, hội phụ nữ lo sạch từ nhà ra ruộng; hội nông dân lo vận động tham gia bảo hiểm y tế; đoàn thanh niên trồng cây xanh và tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ.
Đi nhiều, về ít
Dù đã có nhiều đổi thay thì Đại Thành cũng đang đứng trước thách thức gay gắt: Lao động thiếu việc làm và người rời xã đi làm thuê ngày càng nhiều. Chủ tịch Giang buồn bã: “Cả xã vẫn còn hơn 2.000 lao động phải đi làm thuê ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh”. Bí thư Đoàn thanh niên Lê Hoàng Nam cho biết thêm: “Khảo sát mới đây, xã có 1.012 thanh niên ở 9 ấp, trong đó gần 600 người đang phải rời quê đi làm thuê”.
Bởi cam sành, cá tra ở Đại Thành cũng như các loại nông sản khác, chưa thoát được sản xuất tự phát, chưa gắn với thị trường tiêu thụ. Sản xuất đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có các tổ hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn hoàn toàn thả nổi, do từng hộ gia đình tự bơi. Chủ tịch xã Dương Văn Giang cho biết, Đại Thành có 2 hợp tác xã và 29 tổ hợp tác nhưng đều lo sản xuất, chưa lo được khâu tiêu thụ sản phẩm.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, ông Lê Văn Chiến, kể thời gian qua mới có một doanh nghiệp về Đại Thành tính đầu tư xây dựng cơ sở thu mua nông sản, nhưng đến nay còn dừng lại ở việc xem xét mặt bằng. Nguồn vốn doanh nghiệp đóng góp xây dựng nông thôn mới ở Đại Thành chiếm tỷ lệ thấp, lại chủ yếu là vật liệu xây dựng.
Đầu tư cho giá trị gia tăng nông sản thấp nên nông sản chưa tăng được sức cạnh tranh trên thị trường, vẫn như xưa tiêu thụ bấp bênh. Sản xuất tự phát, chưa gắn với thị trường, ẩn chứa nhiều rủi ro, rất kém bền vững. Thị xã Ngã Bảy đã xây dựng thương hiệu “Cam sành Ngã Bảy” với quy hoạch diện tích 2.000 ha, thế nhưng hiện nay riêng xã Đại Thành có 1.325 ha và xã Tân Thành bên cạnh 1.200 ha nữa, đã vượt quy hoạch mà chưa dừng lại. Chưa kể những xã, phường khác.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, ông Nguyễn Đăng Hải, nói: “Việc mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án ở xã nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn”. Cũng có nghĩa, xã nông thôn mới dù đã đạt 19 tiêu chí thì vẫn thiếu lực hấp dẫn mới với các doanh nghiệp.