Nóng như hiến máu mùa dịch

TP - Nhiều hoạt động trong xã hội có thể dừng lại, nhưng dòng máu để cứu những ca bệnh nguy kịch thì không thể không duy trì. Hiểu và thương những bệnh nhân cần máu giữa đại dịch, anh Trần Phước Hùng (39 tuổi, ngụ phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cùng câu lạc bộ với hơn 1.000 trái tim nhân từ của mình có mặt khắp các bệnh viện để sẻ chia giọt máu hồng. 
Nóng như hiến máu mùa dịch ảnh 1

Vừa nhận điện thoại của người xin máu, anh Hùng vừa dò tìm trên hệ thống những thành viên đáp ứng đủ điều kiện để người bệnh không phải chờ đợi quá lâu Ảnh: T.T

Hẹn tôi từ 7h sáng, nhưng cả tiếng đồng hồ sau câu chuyện mới bắt đầu. Những cuộc điện thoại gọi đến dồn dập xin máu. Trong đó có một phụ nữ ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đang rất bối rối: “Người nhà tui hiến mấy bữa ni, chừ hết khả năng rồi chú ơi. Cô y tá trong bệnh viện vừa cho tui số của chú, chừ chỉ biết trông cậy vô chú thôi…”.

Đầu dây bên kia dập máy, anh xác minh lại phía bệnh viện rồi đăng ngay thông tin lên nhóm, đồng thời mở danh sách những người cho máu ra dò. “Còn rất nhiều người có nhóm máu A đủ điều kiện. Chỉ sợ họ ở xa, hoặc trong giờ làm không tới kịp”, anh Hùng nói. Chọn lọc một lúc, anh cầm điện thoại lên gọi, 3 người đồng ý vào viện để tiếp máu.“Lúc nào mình cũng phải kết nối thật nhiều người, ai gần hơn thì tới, và phòng khi cần thêm nữa sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ. Nhanh vài phút, chậm thì cả tiếng đồng hồ mới tìm ra người cho máu. Rất may không có lần nào bỏ cuộc khiến bệnh nhân và người nhà tắt hy vọng”, anh tiếp lời.

Suốt mùa dịch, tình hình thiếu máu, tiểu cầu trong các bệnh viện ở Đà Nẵng và Quảng Nam nhiều hơn. Việc vận động hiến máu của anh  Trần Phước Hùng cũng căng thẳng không kém, bởi sinh viên, các bạn trẻ nghỉ học, nghỉ làm về quê hết. Nhất là những ngày giãn cách xã hội, cũng khá chần chừ để gọi ai đó bước ra khỏi nhà vào bệnh viện. Anh đưa tôi xem trang mạng của câu lạc bộ, tôi để ý khoảng thời gian cả nước cách ly do đại dịch COVID-19, hầu như không ngày nào không có thông tin người cần máu được đăng lên. Phía dưới liên tục những bình luận “đã tìm được người hiến chưa?”, “em sang bây giờ nhé”, “nếu còn cần thêm cứ gọi mình”… Có hôm, nhóm hiến hơn chục đơn vị máu ở nhiều bệnh viện khác nhau.

Anh Hùng trải lòng, mỗi lần nhấc điện thoại lên, dù biết các thành viên của câu lạc bộ luôn là những người sẵn sàng cho đi, song anh cũng nghĩ rất nhiều về khoảng cách, thời gian, tình hình thực tế rồi mới kêu gọi. Giờ dịch bệnh chưa chấm dứt hoàn toàn, càng phải thận trọng hơn. “Người hiến vào viện phải qua bảo vệ, sát trùng, khai báo y tế chứ không đơn giản như trước. Rất may các thành viên đều thương người bệnh, hiểu giọt máu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải duy trì, nên nếu có thể, chẳng ai chối từ cả”, anh Hùng cảm kích.

Ba lần câu lạc bộ gọi đi hiến máu, Hoàng Kim Tùng (24 tuổi, quê Quảng Trị) nhớ nhất lần hiến ngày 16/4. “Khi ấy đang còn cách ly, mình vẫn không nghĩ nhiều,  nhận điện thoại là đồng ý lên đường ngay. Đến cổng bệnh viện  mới thấy “rờn rợn” vì kiểm tra, khai báo gắt gao quá. Nhưng nghĩ bên trong buồng bệnh, người ta đang đợi giọt máu của mình, nếu ai cũng lo sợ và chần chừ thì biết đâu họ mất cơ hội sống”, Tùng trải lòng. Cũng giống Tùng, những ngày này, khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành, bao thành viên khác vẫn sẵn sàng đi cho máu. Như chị Thu Thảo, chạy cả trăm cây số từ Đà Nẵng vào bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hiến máu vì biết không dễ tìm đâu ra nhóm máu hiếm AB như mình

Kéo thêm người,  nghĩ thêm cách

Ngôi nhà anh Hùng nằm trong xóm nhỏ ở vùng ngoại ô Đà Nẵng, trước mặt là cánh đồng bình yên. Căn phòng khách chưng sen, bày bàn trà đạo bỗng làm “dậy” lên chữ thiện ở con người này. Chậm rãi pha trà, anh kể lần đầu đi hiến máu, thấy giọt máu của mình chảy về cơ thể của người cần, anh hạnh phúc không lời nào tả được. Nghĩ nghĩa cử này nếu nhiều người cùng thực hiện, sẽ đẹp hơn biết bao nhiêu. Vậy là năm 2015, anh kết nối những bạn trẻ “mê” hiến máu, thành lập câu lạc bộ “Máu nóng - Hiểu và thương”, đến nay đã có gần 1.400 thành viên ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Riêng tại Đà Nẵng gần 1.200 người.

Trong câu lạc bộ, không chỉ có sinh viên hay những người từng làm việc thiện, còn rất đông bạn trẻ ham chơi, quậy phá, những người khó khăn. Anh muốn kéo họ vào, để họ nhận ra ai cũng là người có ích, từ đó nhìn cuộc sống lạc quan hơn mà phấn đấu. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp chẳng cần vận động cũng tự tìm đến câu lạc bộ để lại thông tin cá nhân, nhóm máu…để “được” gọi đi hiến khi cần.

Anh Hùng đúc kết, nhờ đội quân hùng hậu này, suốt 5 năm nay luôn đáp ứng đủ máu cho người bệnh. Tôi hỏi anh có nhớ câu lạc bộ đã hiến được bao nhiêu đơn vị máu không? Anh lắc đầu nói không tài nào đếm nổi, chỉ nhớ riêng từ giữa năm 2016 đến nay đã hiến tới gần 2.700 lượt máu và tiểu cầu. Anh chia sẻ thêm, điều khiến anh thấy mãn nguyện nhất khi gắn bó với câu lạc bộ là thấy việc nghĩa nối dài việc nghĩa. Rất nhiều thành viên khi hiến máu gặp người bệnh khó khăn đã đứng ra vận động hỗ trợ, giúp họ và gia đình qua cơn bĩ cực.

Thành viên nhiều, việc ghi nhớ, nắm bắt thông tin ngày một phức tạp hơn, không thể cứ lật sổ dò tìm từng người, từng nhóm máu trong cả ngàn người mỗi khi cần được. Vậy là anh Hùng nghĩ đến một phần mềm quản lý thành viên hiến máu, rồi đem trao đổi với một bạn trẻ trong câu lạc bộ. Không lâu sau, bạn trẻ ấy - kỹ sư Trần Sơn đã viết ra phần mềm “Hiểu và Thương”. Phần mềm này có danh sách tất cả thành viên kèm năm sinh,  số điện thoại, nơi ở, nhóm máu, lịch sử hiến máu… Chỉ cần tra cứu, phần mềm sẽ thống kê tất cả số người có nhóm máu đáp ứng vào thời điểm hiện tại.

“Đây là cách giúp câu lạc bộ phản ứng nhanh hơn mỗi khi có người cần máu, mọi thứ đều hiển thị rõ trên bảng kê, biểu đồ, tiết kiệm rất nhiều thời gian để người bệnh không phải chờ đợi. Chúng tôi cũng theo dõi được số lượng thành viên biến đổi theo thời gian, số lượng  máu đã hiến, tỉ lệ nhóm máu sẵn có của câu lạc bộ, từ đó tìm cách điều chỉnh, phát triển. Nói chung nhờ phần mềm này, việc vận hành câu lạc bộ hơn ngàn người trơn tru, ngồi ở đâu cũng có thể huy động được những trái tim nhân từ làm việc thiện”, anh chia sẻ.

Nóng như hiến máu mùa dịch ảnh 2 Giữa đại dịch, những thành viên của câu lạc bộ vẫn sẵn sàng đi cho máu khi có người cần
Ảnh: HT

“Máu nóng - Hiểu và Thương là một trong những câu lạc bộ tiên phong, tích cực hiến máu cho bệnh viện. Giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nhiều chương trình hiến máu tập thể bị hoãn lại, cá nhân mỗi người cũng ngại ra vào bệnh viện, thì sự đóng góp của câu lạc bộ hết sức quý báu. Bất cứ thời điểm, nhóm máu nào, các bạn cũng cố gắng đáp ứng để giúp người bệnh. Bệnh viện nhờ sự sẵn sàng, nhiệt huyết này thêm phần yên tâm khi cứu chữa người bệnh”, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Ánh, Trưởng khoa Huyết học-Truyền máu, Bệnh viện Đà Nẵng.

               
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.